Là một trong bốn đơn vị khai thác tại khu mỏ Lạc Tiến, ông Lê Trần Vinh, Phó Giám đốc Công ty Vận tải Phú Khang, cho biết: Việc cản trở hoạt động của người dân ở đây đã làm ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của chúng tôi, bởi đây đang là giai đoạn đẩy nhanh tiến độ thực hiện công trình. Do đó, rất mong các ban, ngành, địa phương sớm xử lý, tháo gỡ để chúng tôi ổn định sản xuất trở lại.
Mỏ đá Lạc Tiến.
Được biết, mỏ đá Lạc Tiến đi vào hoạt động từ hơn 3 năm nay, do yêu cầu về vật liệu xây dựng nhiều công trình lớn như QL1, Nhiệt điện Vĩnh Tân nên hoạt động nổ mìn, khai thác, chế biến, trộn bê-tông nhựa trong khu vực mỏ thời gian gần đây gia tăng, đã làm ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân hai thôn Lạc Tiến và Lạc Sơn. Nhất là một số hộ ở gần khu vực mỏ bị ô nhiễm nặng về bụi đất, một số hộ bị ảnh hưởng từ việc nổ mìn phá đá dẫn đến nứt nhà. Bà Nguyễn Thị Bích Vân, thôn Lạc Tiến, xã Phước Minh cho biết: Từ khi người dân phản đối việc sản xuất gây ô nhiễm, các công ty đùn đẩy trách nhiệm lẫn nhau, không cử đại diện đứng ra giải quyết bức xúc, kiến nghị của người dân. Yêu cầu của dân là các đơn vị sản xuất cần làm rõ trách nhiệm, tiến hành hỗ trợ, đền bù ảnh hưởng cho người dân; đồng thời phải có giải pháp khả thi khắc phục tình trạng gây ô nhiễm thì mới được tiếp tục hoạt động. Chừng nào việc giải quyết chưa thỏa đáng thì người dân vẫn còn tiếp tục bám trụ ở đây để phản đối.
Nhằm ổn định tình hình, UBND huyện Thuận Nam đã chỉ đạo UBND xã Phước Minh, Cà Ná tuyên truyền, vận động thuyết phục các hộ dân không tổ chức tụ tập đông người, có hành vi cản trở hoạt động của các công ty khai thác, chế biến khoáng sản, gây mất an ninh trật tự. Ông Trần Mạnh Cương, Chủ tịch UBND xã Phước Minh, cho biết: Chúng tôi đã tổ chức 4 lần đối thoại với người dân, vận động nhân dân không tập trung đông người, cản trở hoạt động sản xuất của doanh nghiệp. Việc gây ô nhiễm môi trường sẽ được các cấp, ngành tiến hành khảo sát, giải quyết theo quy định, nhưng các hộ dân vẫn không chấp hành!
Với trách nhiệm là cơ quan chuyên môn, Sở Tài nguyên và Môi trường đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành, tiến hành thanh tra hoạt động của các doanh nghiệp đang khai thác, chế biến tại khu vực mỏ đá này, nhất là về hoạt động liên quan đến môi trường; đo đạc mức độ gây thiệt hại, ô nhiễm đối với các hộ dân để có cơ sở xử lý theo quy định. Nhằm có giải pháp đảm bảo môi trường trong thời gian tới, Sở Tài nguyên và Môi trường đã cùng với địa phương và Công ty cấp Nước Ninh Thuận khảo sát phương án cấp nước để “dập” bụi tại khu mỏ, đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động sản xuất; thành lập các tổ giám sát cộng đồng có sự tham gia của người dân 2 thôn Lạc Sơn, Lạc Tiến để phối hợp với chính quyền địa phương xử lý các vấn đề phát sinh về môi trường tại mỏ đá Lạc Tiến.
Như vậy, việc sản xuất tại mỏ đá Lạc Tiến gây ô nhiễm môi trường và nổ mìn gây nứt nhà dân đã được chính quyền địa phương và ngành liên quan có giải pháp xử lý theo đúng quy định. Người dân cần có thái độ phối hợp tích cực, cũng như tuân thủ các quy định của nhà nước và chính quyền địa phương, không tụ tập đông người, cản trở hoạt động sản xuất của doanh nghiệp, gây mất an ninh trật tự. Mặt khác, các doanh nghiệp cũng cần khắc phục ngay tình trạng ô nhiễm môi trường cũng như việc nổ mìn gây thiệt hại tài sản của người dân.
Anh Tuấn