Hội Nông dân với công tác giảm nghèo

(NTO) Những năm qua, cùng với công tác xây dựng, củng cố tổ chức hội vững mạnh, Hội Nông dân tỉnh đã thực hiện nhiều giải pháp giúp hội viên, nông dân (HVND) phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững.

Quan tâm tạo điều kiện cho HVND nghèo vay vốn sản xuất, kinh doanh là một trong những giải pháp được Hội Nông dân tỉnh tích cực thực hiện. Đến nay, Hội đã phối hợp với Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh thành lập 459 Tổ tiết kiệm vay vốn, đứng ra tín chấp cho hơn 18.160 hộ vay trên 302 tỷ đồng. Hội còn chỉ đạo tổ chức Hội cơ sở vận động các hội viên thành lập các quỹ hội, tạo thêm nguồn vốn cho những hội viên khó khăn vay với lãi suất thấp. Ngoài hỗ trợ về vốn, Hội còn phối hợp với các ngành chức năng tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo nghề cho hàng ngàn lượt HVND, chuyển giao tiến bộ khoa học-kỹ thuật góp phần làm tăng năng suất cây trồng, vật nuôi. Trên cơ sở đặc điểm tự nhiên của từng vùng và nhu cầu thị trường, các cấp hội đã linh hoạt giới thiệu các mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả, mở ra cho bà con nhiều hướng làm ăn mới, thay đổi tư duy, phương thức sản xuất góp phần tích cực trong phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, giải quyết công ăn việc làm, thoát nghèo bền vững.

 
Nông dân thôn Tầm Ngân 1 (Lâm Sơn, Ninh Sơn) phát triển trồng giống ớt Hàn Quốc cho hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: V.M

Hội Nông dân phường Mỹ Đông (Tp. Phan Rang-Tháp Chàm) là một trong những điển hình làm tốt công tác này. Toàn phường có trên 3.800 HVND, trong đó 70% hộ làm nghề đánh bắt hải sản. Tuy nhiên, số hộ có tàu thuyền chỉ chiếm phần nhỏ, số còn lại chủ yếu làm công cho các chủ thuyền, đời sống bấp bênh. Nắm bắt được khó khăn của bà con, Hội Nông dân phường phối hợp với Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh vận động, hướng dẫn bà con vay vốn sản xuất, chủ yếu sắm tay lưới cùng chủ thuyền đi đánh bắt thủy sản. Có tư liệu sản xuất, bà con chủ động hơn trong làm ăn, cải thiện đáng kể cuộc sống. Như gia đình anh Trần Đình Nghĩa, ở khu phố 5, trước đây là hộ nghèo, trung bình mỗi tháng làm thuê cho chủ thuyền cũng chỉ được 2 triệu đồng, nuôi 3 đứa con nhỏ ăn học, cuộc sống vô cùng chật vật. Để giúp gia đình anh thoát nghèo, năm 2004, Hội Nông dân phường hướng dẫn anh làm hồ sơ vay 5 triệu đồng sắm lưới giũ cùng chủ thuyền đánh bắt gần bờ. Anh Nghĩa vui vẻ cho biết: “Từ khi sắm được tay lưới, mỗi chuyến đi biển về, mình được chủ thuyền ăn chia sản lượng hải sản đánh bắt được theo tỷ lệ 4-6, tức là chủ lưới 4 phần, chủ ghe được 6 phần, nhờ đó gia đình tăng thêm thu nhập”. Không chỉ trang trải cuộc sống, vợ chồng anh đã trả được nợ, rồi tiếp tục được ngân hàng cho vay vốn mới với mức cao hơn, anh sắm thêm 3 tay lưới mới, nhờ đó thu nhập cũng tăng lên. Từ số vốn tích lũy được, anh còn đầu tư mở cửa hàng tạp hóa nhỏ cho vợ ở nhà mua bán để cải thiện thu nhập, đời sống của gia đình anh ngày càng ổn định. Năm 2015, gia đình anh đã thoát nghèo, xây dựng nhà ở khang trang. Số hộ HVND nghèo của phường Mỹ Đông giảm dần trong những năm qua, hiện còn khoảng 72 hộ.

Chúng tôi có dịp đến xã Phước Kháng (Thuận Bắc) để tìm hiểu phương pháp thoát nghèo của bà con địa phương. Anh Chamaléa Ngàn, Chủ tịch Hội Nông dân xã, cho biết: Là một xã vùng núi, kinh tế của phần đông HVND gặp khó khăn. Để thoát nghèo, Hội Nông dân xã tích cực vận động hội viên chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tạo điều kiện cho bà con vay vốn sản xuất, khuyến khích bà con làm thêm nghề phụ để có thêm thu nhập. Nhờ đó, địa phương đã xuất hiện nhiều hộ gia đình vươn lên thoát nghèo, ổn định đời sống. Điển hình như anh Pa Pôn Bé, thôn Đá Liệt. Lập gia đình với đôi bàn tay trắng, để có đất sản xuất, anh lên núi khai hoang hơn 5 sào đất trồng bắp. Do đất bạc màu, thiếu nước sản xuất nên năng suất không cao. Quyết tâm thoát nghèo, anh về thôn thuê 2ha đất để trồng lúa, bắp, đậu xanh… Anh còn được Hội Nông dân đứng ra tín chấp vay vốn mua bò, cừu giống để phát triển đàn. Chỉ trong vòng vài năm, gia đình anh đã phát triển đàn dê, cừu, bò lên gần 100 con. Bên cạnh đó, anh còn mua dê, cừu của bà con bán lại cho các lò mổ. Lúc nông nhàn, anh nhận thầu xây dựng, sửa chữa nhà ở, công trình dân dụng của bà con quanh vùng. Không chỉ thoát được nghèo, gia đình anh Bé vươn lên làm giàu. Trung bình mỗi năm thu nhập trên 300 triệu đồng từ sản xuất nông nghiệp, buôn bán…

Với những việc làm thiết thực của các cấp hội, cộng với tinh thần vượt khó, ý chí vươn lên của HVND trong tỉnh nên hộ nghèo giảm đáng kể. Đồng chí Nguyễn Văn Ngọt, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, cho biết: Phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới, Hội Nông dân tỉnh tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững. Tăng cường tuyên truyền, vận động, giúp đỡ HVND phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi; khuyến khích phát triển các ngành nghề phụ; hỗ trợ giống, vốn và kỹ thuật cho nông dân phát triển, mở rộng sản xuất để ngày càng xuất hiện nhiều hơn nữa các mô hình kinh tế cho thu nhập cao. Những việc làm thiết thực của Hội đã góp phần quan trọng trong công tác xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống cho nông dân, xây dựng nông thôn mới.