Ở nước ta, ngay sau khi giành được độc lập, ngày 1-6-1950- Ngày Quốc tế Thiếu nhi đầu tiên được tổ chức đang trong giai đoạn cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc ta đang trải qua thời kỳ cam go ác liệt nhất, nhưng Bác Hồ kính yêu vẫn luôn nghĩ tới thiếu nhi cả nước, Bác gửi thư chúc mừng các cháu thiếu niên, nhi đồng. Bác viết: “Bác thương các cháu lắm, Bác hứa với các cháu rằng đến ngày đánh đuổi hết giặc Pháp, kháng chiến thành công, Bác cùng Chính phủ và các đoàn thể sẽ cố gắng làm cho các cháu dần dần được no ấm, được vui chơi, được học hành, được vui sướng…”. Từ đó về sau, hàng năm ngày 1-6 còn được xem là ngày Tết của thiếu nhi cả nước.
Học sinh Trường Tiểu học Phước Nhơn (Xuân Hải, Ninh Hải) được chăm sóc phát triển toàn diện.
Ảnh: Sơn Ngọc
Những năm qua, cùng với sự phát triển của đất nước cuộc sống của đại đa số người dân cả nước nói chung, tỉnh ta nói riêng không ngừng được cải thiện. Đây cũng là điều kiện để nhiều gia đình quan tâm chăm sóc trẻ em, trước hết là con em mình, sau đến mọi trẻ em trong xã hội cả về đời sống vật chất lẫn đời sống tinh thần. Bác Hồ đã dạy: “Trẻ em như búp trên cành”, bởi búp non là phần dễ bị tổn thương nhất nhưng cũng là phần sáng đẹp nhất, giàu sức sống nhất. Cây có xanh tươi, có thân cành vạm vỡ cũng nhờ từ búp.
Chính vì thế mà từ trong đạo lý truyền thống đến các chủ trương, chính sách cụ thể, Đảng và Nhà nước ta luôn dành cho trẻ em mọi ưu tiên, mọi sự che chở, bảo vệ cao nhất.
Thấm nhuần tư tưởng của Bác: “Chăm sóc và giáo dục tốt các cháu là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân”, trong những năm qua, Đảng, Nhà nước ta đã ban hành nhiều chính sách, văn bản pháp luật trực tiếp hoặc gián tiếp liên quan đến bảo vệ các quyền trẻ em. Từ các bản Hiến pháp, các Bộ luật; Luật đến các văn bản dưới luật đã tạo thành một hệ thống pháp luật bảo vệ trẻ em phù hợp với các công ước quốc tế và truyền thống văn hoá của dân tộc. Trẻ em là chủ nhân tương lai của đất nước, là măng non sẽ góp phần xây dựng và phát triển xã hội sau này... Bằng những nỗ lực vượt bậc đã mang lại những thành tựu đáng tự hào, Việt Nam được Liên hợp quốc và nhiều tổ chức quốc tế khác đánh giá là một trong những quốc gia thành công trong việc giảm tỷ lệ đói nghèo, giảm suy dinh dưỡng, có tiến bộ trong nâng cao sức khỏe sơ sinh, phổ cập giáo dục, bảo vệ quyền trẻ em...
Tuy nhiên, thực tế cho thấy việc thực hiện các chính sách bảo vệ và chăm sóc trẻ em có lúc, có nơi chưa đầy đủ, nhận thức về các quyền tham gia của trẻ em chưa được quan tâm đúng mức. Thật đau lòng khi còn nhiều nguy cơ như trẻ em chưa được chăm sóc sức khỏe tốt; trẻ em bị bóc lột và lạm dụng kể cả lạm dụng tình dục; trẻ em lang thang, nghiện hút, hư hỏng vì bị bạo hành, ngược đãi và những bất hạnh khác; trẻ em bị tha hóa đạo đức vì các nguyên nhân xã hội... còn cao, trong đó có những nguy cơ đang trong xu hướng tăng lên!.
Suy cho cùng, chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em nếu soi chiếu ở góc nhìn đa chiều chính là việc đầu tư cho tương lai, bởi trẻ em là những công dân đặc biệt của xã hội, quyết định sự hưng thịnh hay không trong lộ trình phát triển của đất nước. Chính vì vậy, dù trong điều kiện nào, Đảng và Nhà nước ta luôn có những chính sách, ưu tiên đầu tư ngày càng tăng cho sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ trẻ em, đồng thời xác định việc xây dựng và phát triển hệ thống bảo vệ, chăm sóc trẻ em luôn được coi là ưu tiên hàng đầu, đây cũng là nội dung cơ bản của chiến lược con người, góp phần tạo nguồn nhân lực cho sự nghiệp CNH - HĐH đất nước.
Trong ngày Tết thiếu nhi 1-6 này, mọi người chúng ta hãy dành cho trẻ em những ký ức thật đẹp về tuổi thơ, hãy để cho các em được vui chơi, được tận hưởng niềm hạnh phúc của mình...với thông điệp “HÃY DÀNH TẤT CẢ TÌNH YÊU THƯƠNG CHO TRẺ!”.
Tuấn Dũng