CÂU CHUYỆN CUỐI TUẦN:

Tại sao không!

(NTO) Cây thuốc lá còn có cái tên rất "mỹ miều" là "tương tư thảo", có lẽ bởi tính chất tạo sự hưng phấn cho người dùng chăng!. Tuy nhiên, thực tế không thể chối cãi đó là tác hại rất nghiêm trọng của thuốc lá không chỉ đối với sức khỏe của người hút, tốn kém về tài chính của bản thân và gia đình mà còn ảnh hưởng đến nhiều người chung quanh, gây ô nhiễm môi trường sống...

Theo phân tích của giới y học, thuốc lá là một trong những nguyên nhân gây bệnh và dẫn đến tử vong của con người bởi trong thuốc lá có chứa đến trên 7.000 hóa chất độc hại, trong đó có 70 chất là nguyên nhân gây ung thư và nguy hiểm nhất là nicotin-chất gây nghiện. Theo thống kê chưa đầy đủ, ở nước ta mỗi năm có trên 40.000 người tử vong vì các bệnh có liên quan đến thuốc lá và có tới 33 triệu người khác mặc dù không hút thuốc nhưng vẫn bị ảnh hưởng do hít phải khói thuốc một cách thụ động.

Hoặc, theo điều tra mới đây của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nếu cứ theo đà hút thuốc như hiện nay thì đến năm 2020 số người chết vì thuốc lá trên thế giới sẽ đạt đến con số hơn 8 triệu người/năm,

cao hơn cả số người chết vì căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS, bệnh lao và tai nạn giao thông cộng lại!. Cũng theo ước tính của tổ chức nói trên, Việt Nam là một trong 4 quốc gia có tỷ lệ hút thuốc lá cao nhất thế giới, bình quân mỗi ngày có hơn 100 người chết vì các bệnh do thuốc lá gây ra.

Nêu ra các con số trên để thấy rằng tác hại của thuốc lá nghiêm trọng đến chừng nào đối với người sử dụng và "lan chéo" đến người chung quanh. Hình ảnh dễ nhận thấy là tại các khu vực công cộng, nhà hàng, quán ăn…ngay cả nơi lẽ ra tuyệt đối không có khói thuốc lá như bệnh viện, thế nhưng bệnh nhân và người nhà bệnh nhân cứ "vô tư" nhả khói mù mịt với đủ mùi thuốc lá mà không hề quan tâm đến sức khoẻ của mình và cảm giác của những người xung quanh. Điều cũng lạ là… không thấy ai nhắc nhở cả!. Tại các cơ quan, đơn vị qua vận động không hút thuốc lá, thậm chí còn được đưa vào quy chế thi đua hẳn hoi nhưng giảm không đáng kể… Được biết, nhằm hạn chế tình trạng hút thuốc lá, ngày 21/08/2009 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định số1315/QĐTTg “Về việc phê duyệt Kế hoạch thực hiện Công ước khung về kiểm soát thuốc lá”, trong đó có những nội dung: Nghiêm cấm hút thuốc lá từ ngày 1-1-2010 ở lớp học, nhà trẻ, các cơ sở y tế, thư viện…; khu vui chơi, giải trí trong nhà, các nhà hàng, quán bar, karaoke, khách sạn, vũ trường chỉ được phép hút thuốc tại khu vực dành riêng cho người hút thuốc lá; những nơi dành riêng cho người hút thuốc lá cần có thông khí riêng biệt. Nghị định 176 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, có hiệu lực thi hành từ 31.12.2014, cũng quy định: Người có hành vi hút thuốc lá tại nơi có quy định cấm hút thuốc, bỏ tàn thuốc lá không đúng quy định sẽ bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 100.000 đến 300.000 đồng… Mặc dù đã có văn bản “danh chính ngôn thuận” cấm hút thuốc lá nơi công cộng nhưng xem ra hiệu lực thực hiện chưa cao, cấm thì cứ cấm còn người hút thuốc vẫn…hút để “thỏa mãn” cơn nghiện!.

Thuốc lá có hại như vậy nhưng làm thế nào để ngăn chặn việc hút thuốc lá luôn là câu hỏi mà cộng đồng và ngành bảo vệ sức khỏe con người đặt ra. Để tìm lời giải cho câu hỏi này ngoài công tác tiếp tục tuyên truyền, vận động nhiều hơn, mạnh hơn, rộng hơn về tác hại của thuốc lá trên các phương tiện thông tin đại chúng, trong các đoàn thể, trong cơ quan nhà nước và xã hội ... để mọi người nhận thấy rằng hút thuốc lá là hành vi không đẹp, không tốt, có thể ảnh hưởng đến người khác và góp phần làm “xấu đi” môi trường sống..cũng cần thực hiện nghiêm túc các quy định của Nhà nước điều chỉnh về hành vi hút thuốc lá.

Hãy cùng nhau thấu suốt thông điệp tốt đẹp vì sức khỏe của cộng đồng và vì hạnh phúc của mỗi người, mỗi gia đình: “Nói không với thuốc lá”, “Hãy để môi trường xung quanh bạn không khói thuốc lá”!.