Dự thảo Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo gồm 10 Chương, 76 Điều, quy định việc quản lý tổng hợp tài nguyên, môi trường biển từ chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; điều tra cơ bản, nghiên cứu khoa học về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; quản lý tổng hợp tài nguyên, môi trường vùng bờ; quản lý tài nguyên hải đảo, bảo vệ môi trường biển.
Thảo luận về những nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật, nhiều ý kiến nhất trí với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết ban hành Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo. Luật tạo cơ sở pháp lý đồng bộ, thống nhất để điều phối, phối hợp các hoạt động quản lý, khai thác, sử dụng, quản lý tổng hợp và thống nhất hoạt động điều tra cơ bản, nghiên cứu khoa học về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; quy định cụ thể về kiểm soát ô nhiễm môi trường biển, nhận chìm ở biển, ứng phó sự cố môi trường phù hợp với đặc thù của biển; trách nhiệm quản lý, nguyên tắc, nội dung phối hợp trong quản lý tổng hợp tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.
Đồng thời, việc ban hành dự thảo Luật nhằm khắc phục tình trạng có sự xung đột trong khai thác, sử dụng tài nguyên, làm cho tài nguyên biển dần bị suy thoái, tình trạng ô nhiễm môi trường biển diễn biến phức tạp, một số chức năng của vùng bờ bị khai thác quá mức…
Tuy nhiên, vẫn còn ý kiến khác nhau về một số nội dung của dự thảo Luật như: Phạm vi điều chỉnh và tên gọi của Luật; chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo; điều tra cơ bản, nghiên cứu khoa học về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ; chương trình quản lý tổng hợp tài nguyên vùng bờ…
Đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh Đoàn Nguyễn Thùy Trang phát biểu ý kiến.
Ảnh: Phương Hoa - TTXVN
Về phạm vi điều chỉnh và tên gọi của dự thảo Luật, đại biểu Đoàn Nguyễn Thuỳ Trang (TP Hồ Chí Minh) cho rằng: Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo đã tạo hành lang pháp lý cho việc quản lý tổng hợp và thống nhất tài nguyên môi trường biển và hải đảo, kết hợp nhiều ngành nhiều lĩnh vực trên cơ sở một đầu mối. Phương thức quản lý tổng hợp tài nguyên, môi trường biển và hải đảo đã được nhiều nước có biển sử dụng. Đây là phương thức quản lý còn khá mới, nên việc thiết lập, thể chế hoá thành Luật rất cần điều chỉnh tên gọi dự án Luật Quản lý tổng hợp tài nguyên, môi trường biển và hải đảo. Như vậy mới làm rõ được tính định hướng, mục tiêu của việc ban hành Luật, thấy được sự khác biệt cũng như tính bao trùm của Luật trong các luật chuyên ngành khác liên quan đến biển.
Về quản lý, khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo, đại biểu Trần Văn Huynh (Kiên Giang) cho rằng, mục tiêu và chính sách của nhà nước về khai thác, sử dụng tài nguyên, môi trường biển, hải đảo trong dự thảo là chưa rõ ràng. Khác với các Luật liên quan như Luật Tài nguyên nước, Luật Khoáng sản…, dự thảo Luật thiếu các quy định thực chất điều chỉnh các hoạt động, đặc biệt là các hoạt động kinh tế của tổ chức cá nhân, doanh nghiệp. Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo tăng cường các quy định về nhóm các hoạt động kinh tế liên quan tới tài nguyên, môi trường biển đối với các nội dung quản lý trong dự thảo.
Đại biểu Bùi Thị An (Hà Nội) cho rằng, việc phân quản lý chuyên ngành sâu chưa tốt; việc phối hợp quản lý giữa các bộ, ngành còn chồng chéo, dẫn đến việc quy hoạch khai thác tiềm năng biển chưa hiệu quả. Bởi vậy, Chính phủ, Quốc hội nên nghiên cứu thành lập Bộ Kinh tế biển để quản lý tốt lĩnh vực này, vì đây là lĩnh vực quan trọng đóng góp khoảng 50% GDP của cả nước.
Về vấn đề khai thác giao thông biển, đại biểu cho rằng, hệ thống đường sắt nối các cảng biển còn hạn chế, bất cập. Chính phủ, Quốc hội cần nghiên cứu, có kinh phí hỗ trợ cho việc xây dựng hệ thống đường sắt nối cảng biển, tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế biển.
Cùng quan điểm trên, đại biểu Nguyễn Viết Nhiên (Hải Phòng) cho rằng: "Trách nhiệm quản lý tổng hợp tài nguyên, môi trường biển, hải đảo của Chính phủ, các bộ, ngành chưa cụ thể, còn chung chung dẫn đến chồng chéo trong hoạt động".
"Tôi cũng đề nghị bổ sung rõ nội dung liên quan, chỉ rõ trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Quốc phòng… Đồng thời quy định rõ trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn trong hoạt động kinh tế biển, nhất là lực lượng kiểm ngư hỗ trợ ngư dân khai khác trên biển. Bổ sung nhiệm vụ tuyên truyền biển, hải đảo cho các bộ, ngành liên quan", đại biểu Nguyễn Viết Nhiên kiến nghị.
Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam