Tham gia góp ý, đại biểu Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) cho rằng, thu ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2013 tăng 12.348 tỷ đồng, nhưng thực chất là hụt thu vì tăng thu chủ yếu từ giá dầu và tiền sử dụng đất. Giá dầu dự kiến 90 USD, bán 113 USD. Nếu không có số này thì chúng ta hụt thu. Về bội chi NSNN từ 5,3% lên 6,6%, theo đại biểu Mạnh Hùng, đây là cả vấn đề vì khả năng về chi trả, hoàn trả số lượng bội chi lớn như thế.
Quốc hội thảo luận tại hội trường. (Ảnh: dangcongsan.vn)
Đại biểu kiến nghị, trước khi biểu quyết thông qua quyết toán NSNN năm 2013, đề nghị Chính phủ báo cáo thêm về bội chi để Quốc hội có thêm cơ sở quyết định; đồng thời, tăng cường hơn nữa kỷ luật tài chính, công khai minh bạch hơn nữa về quản lý NSNN; có chế tài cho những trường hợp chưa thực hiện nghiêm kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước.
Đại biểu Lê Nam (Thanh Hóa) cho rằng, cần phải có cơ chế, chính sách để có thể tăng thu sản xuất kinh doanh trong nước .Mặt khác, Chính phủ cần giải trình rõ, vì sao tăng 55,2% cho đầu tư phát triển. Việc đầu tư cho hạ tầng đất nước là cần thiết, tuy nhiên, trong vượt chi cũng phải cho thấy kỷ luật, kỷ cương về tài chính, đặc biệt trong thực hiện chưa nghiêm, làm tăng đầu tư, tăng chi tiêu.
Đại biểu Lê Nam cũng đề nghị, bội chi đã đến ngưỡng rồi thì nên áp dụng chính sách quyết liệt để chấm dứt tình trạng này.
Đại biểu Bùi Đức Thụ (Lai Châu) đề nghị, Chính phủ tăng cường chỉ đạo quyết liệt bộ, ngành, địa phương bảo đảm thu thuế đúng, đủ, kịp thời, vì hiện nay tình trạng nợ đọng thuế tương đối phổ biến, kéo dài. Riêng năm 2013, nợ của ngành thuế quản lý tăng trên 25%.
“Từ báo cáo quyết toán, nhìn lại tình hình kinh tế - xã hội năm 2013 cho thấy, nền kinh tế năm 2013 giữ được ổn định, nhưng đó là do chúng ta dốc toàn lực. Trong lúc đó, tốc độ thu ngân sách giai đoạn 2006-2010 hàng năm tăng khoảng 20%, nhưng từ năm 2013 thì tốc độ tăng thu chỉ trên 10%. Trong khi đó, tốc độ tăng nợ công rất cao, nhưng tốc độ tăng GDP thấp hơn giai đoạn 2006-2010, tăng thu ngân sách cũng thấp hơn. Như vậy, có thể thấy, thu ngân sách tuy vượt, nhưng thâm hụt ngân sách cũng vượt ngưỡng” – đại biểu Nguyễn Đức Kiên (Sóc Trăng) đánh giá.
Đại biểu Nguyễn Đức Kiên kiến nghị, cần siết chặt kỷ luật trong chi ngân sách. Trong xây dựng cơ bản, tránh tình trạng làm rồi thì chưa được quyết toán, nhưng chưa làm cũng được “giữ chỗ” để ghi vốn lại chuyển nguồn cho năm sau.
Trước đó, Quốc hội đã nghe Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Trương Hòa Bình trình bày Tờ trình dự án Luật Tố tụng hành chính (sửa đổi).
Theo Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, qua thực tiễn hơn 3 năm thi hành Luật Tố tụng hành chính cho thấy, mặc dù số lượng các vụ án hành chính ngày càng gia tăng, nhưng chất lượng giải quyết, xét xử các vụ án hành chính chưa thực sự bảo đảm; có những khiếu kiện hành chính đơn giản, chứng cứ rõ ràng, nhưng việc giải quyết, xét xử phải qua đầy đủ các giai đoạn tố tụng nên tốn kém thời gian, chi phí của người dân và Toà án; việc thi hành các bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính chưa thực sự hiệu quả, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích chính đáng của cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan, mặc dù đã có phán quyết của Toà án về việc buộc người bị kiện phải sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế quyết định hành chính, dừng, khắc phục hành vi hành chính bị khởi kiện… Do đó, Luật Tố tụng hành chính cần phải sửa đổi.
Thẩm tra dự án Luật này, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho biết, đa số ý kiến trong Ủy ban không tán thành quy định mở rộng thẩm quyền cho Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh, thành xét xử sơ thẩm các khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của UBND cấp huyện, Chủ tịch UBND cấp huyện như dự thảo Luật, vì quy định này không phù hợp với yêu cầu cải cách tư pháp đã nêu trong Nghị quyết của Bộ Chính trị về mở rộng thẩm quyền cho TAND cấp huyện. Đồng thời, đa số ý kiến cho rằng, quy định như vậy không đề cao được vai trò, bản lĩnh của đội ngũ Thẩm phán TAND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương trong giải quyết sơ thẩm án hành chính./.
Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam