Triển khai từ cuối năm 2011, mô hình Vay vốn nuôi bò có “bảo hành” tại 3 xã Công Hải, Lợi Hải, Bắc Sơn (Thuận Bắc) trở thành mô hình có hiệu quả, giúp nhiều phụ nữ có điều kiện phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống gia đình. Tham gia mô hình, mỗi hộ được vay 1 con bò cái trị giá 10 triệu đồng, người nuôi được đến tận trang trại của nhà cung cấp chọn giống.
Thêu tay-một trong những nghề giúp hội viên, phụ nữ tỉnh ta tăng thu nhập, ổn định cuộc sống.
Trước khi bàn giao, bò được kiểm tra, tiêm phòng đầy đủ, được “bảo hành” trong vòng 2 năm, đảm bảo phát triển tốt cho đến lúc sinh sản. Qua hơn 3 năm triển khai, từ 117 con bò ban đầu, đến nay tổng số bò đã tăng lên 156 con và phát triển tốt. Nhiều chị nhờ tham gia mô hình đã vươn lên thoát nghèo, điển hình như chị Lượng Thị Tới, Thành Thị Đói… ở thôn Bỉnh Nghĩa (xã Bắc Sơn). Đưa chúng tôi đi xem cặp bò của gia đình, chị Tới vui vẻ tâm sự: Sau hơn 3 năm chăm sóc, bò đã đẻ được 2 con bê. Có cặp bò làm vốn nên gia đình rất phấn khởi. Tương tự như chị Tới, chị Thành Thị Đói cũng đã vươn lên thoát nghèo, gia đình không những trả hết nợ mà còn “dư” 2 con bê làm vốn. Chị Lượng Thị Ánh, Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Bắc Sơn cho biết: Ngoài gia đình chị Tới, chị Đói, năm 2011 toàn xã Bắc Sơn còn có 45 hộ phụ nữ nghèo tham gia mô hình. Sau hơn 3 năm nuôi bò, đến nay 100% số hộ đã hoàn trả xong vốn, trên 50% số hộ tham gia mô hình vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống gia đình.
Ngoài mô hình Vay vốn nuôi bò có “bảo hành”, từ năm 2010 đến nay, sau các lớp tập huấn chăn nuôi, trồng trọt… Hội LHPN tỉnh còn triển khai thí điểm 3 mô hình tạo việc làm cho hội viên, phụ nữ như: Mô hình “Phụ nữ chăn nuôi bò sinh sản” thôn Tà Dương” (xã Phước Thái, huyện Ninh Phước), thôn Láng Ngựa (xã Nhơn Sơn, huyện Ninh Sơn), thôn Xóm Đèn (xã Công Hải, huyện Thuận Bắc) với kinh phí 150 triệu đồng/mô hình. Mô hình thâm canh lúa nước được thực hiện trên 7 ha cho 21 phụ nữ dân tộc Raglai thôn Suối Đá (xã Lợi Hải, Ninh Hải) và 10 ha cho 40 phụ nữ dân tộc Chăm thôn Bỉnh Nghĩa (xã Bắc Sơn, Thuận Bắc)… Mô hình sản xuất thủ công mỹ nghệ từ hạt cây rừng thôn Cầu Gãy (xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải), góp phần tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo, khôi phục nghề thủ công truyền thống, đồng thời tham gia bảo vệ Vườn Quốc gia Núi Chúa.
Ngoài ra, Hội còn đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, giới thiệu việc làm, tích cực vận động chị em thành lập các tổ Tiết kiệm mùa xuân, tổ Góp vốn xoay vòng… Chỉ tính từ năm 2010 đến nay, Hội đã vận động 62.199 hội viên, phụ nữ tham gia tiết kiệm trên 28,5 tỷ đồng; các cấp Hội giúp 57.466 lượt hộ nghèo, trong đó có 8.328 hộ do phụ nữ làm chủ hộ; giới thiệu việc làm cho 2.350 người; phối hợp với Doanh nghiệp Tư nhân Phương Trâm (Lâm Đồng) tổ chức 19 lớp thêu tay cho 505 phụ nữ ở 9 xã, phường. Sau học nghề chị em nhận hàng về thêu, có thu nhập từ 1 đến 3 triệu đồng/tháng, đơn cử như hộ chị Nguyễn Thị Hoài Thúy (ở thôn Thái Giao, xã Phước Thái, Ninh Phước). Chị Thúy bày tỏ niềm vui: Năm 2014, tôi đăng ký tham gia lớp thêu tay của Hội Phụ nữ xã. Sau gần 2 tháng học nghề, bản thân chủ động nhận hàng về làm. Ban đầu do chưa quen nên để hoàn thành một bức tranh thêu phải làm từ 8-10 ngày, bây giờ trong 5 ngày là hoàn thành 1 bức, với tiền công từ 400-450 ngàn đồng/bức tranh, mỗi tháng cho thu nhập trên 2,5 triệu đồng.
Phạm Lâm