Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, phần lớn thời gian của phiên họp này được dành để cho ý kiến về báo cáo bổ sung của Chính phủ về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2014; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2015; phương án phân bổ số vượt thu ngân sách Trung ương năm 2014; cho ý kiến về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2013; báo cáo thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2014; về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII cũng sẽ được UBTVQH cho ý kiến.
Bên cạnh đó, UBTVQH sẽ cho ý kiến vào Dự án Bộ luật Dân sự (sửa đổi), Luật Trưng cầu ý dân cũng sẽ được trình xin ý kiến tại phiên họp này. UBTVQH sẽ xem xét báo cáo của Chính phủ về quy định tại Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 về bảo hiểm xã hội một lần, cùng nhiều nội dung quan trọng khác.
Khai mạc Phiên họp thứ 38 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. (Ảnh: TTXVN)
Sau phát biểu khai mạc của Chủ tịch Quốc hội, UBTVQH đã nghe báo cáo bổ sung của Chính phủ về thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2014, tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội những tháng đầu năm 2015.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết, trong tổng số 14 chỉ tiêu kế hoạch Quốc hội giao, có 10 chỉ tiêu đạt cao hơn so với số ước thực hiện đã báo cáo Quốc hội, không có chỉ tiêu nào thấp hơn so với số đã báo cáo Quốc hội. So với kế hoạch năm 2014, có 13/14 chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu đề ra. Chỉ có 01 chỉ tiêu không đạt kế hoạch là Tỷ lệ lao động qua đào tạo.
Tiếp theo, UBTVQH nghe báo cáo về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện ngân sách nhà nước năm 2014, tình hình triển khai thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2015; phương án phân bổ số vượt thu ngân sách Trung ương năm 2014.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, tổng thu ngân sách nhà nước (NSNN) thực hiện đạt hơn 863 nghìn tỷ đồng, tăng 80,82 nghìn tỷ đồng (10,3%) so với dự toán, tăng 17,12 nghìn tỷ đồng so báo cáo Quốc hội; Tổng chi NSNN năm 2014 đạt hơn 1.087 nghìn tỷ đồng, tăng 8% (80,82 nghìn tỷ đồng) so với dự toán, tăng 17,12 nghìn tỷ đồng so báo cáo Quốc hội.
Bội chi NSNN năm 2014 giữ ở mức Quốc hội quyết định 224 nghìn tỷ đồng, bằng 5,69% GDP thực hiện, trong đó vốn vay ODA giải ngân tạm xác định bằng dự toán; khi quyết toán, số vốn vay ODA giải ngân vượt dự toán, kiến nghị cho phép điều chỉnh tăng tương ứng vào số bội chi NSNN năm 2014.
Cũng theo báo cáo, tính đến ngày 31/12/2014, dư nợ công bằng 59,6%GDP, dư nợ Chính phủ bằng 47,4%GDP, dư nợ ngoài nước bằng 40,3%GDP, trong giới hạn cho phép.
Qua tình hình 4 tháng đầu năm 2015, hoạt động của nền kinh tế nói chung và NSNN nói riêng vẫn duy trì được sự tăng trưởng ổn định. Tuy nhiên, bên cạnh những yếu tố thuận lợi, cũng đã phát sinh nhiều khó khăn, thách thức. Đáng chú ý là diễn biến giá dầu thô thế giới từ đầu năm 2015 đến nay vẫn rất phức tạp, tăng giảm đan xen, tuy đã tạm ổn định và phục hồi trong thời gian gần đây, nhưng xu hướng giá dầu trong thời gian tới vẫn rất khó dự báo, tác động không nhỏ đến việc thực thi các chính sách kinh tế vĩ mô và tiềm ẩn nguy cơ mất cân đối NSNN năm 2015.
Để hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội và NSNN năm 2015 đã được Quốc hội quyết định, sẵn sàng ứng phó với việc giảm thu ngân sách do giá dầu giảm, đảm bảo sự chủ động trong điều hành và giữ vững cân đối NSNN năm 2015, Chính phủ đề nghị các Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương cần tiếp tục thực hiện có hiệu quả các giải pháp theo các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã đề ra.
Tham gia đóng góp ý kiến, Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai cho rằng, 4 tháng đầu năm 2015 nên bổ sung đánh giá đời sống nông dân rất khó khăn, một số mặt hàng nông sản không đi vào thị trường được, giá cả thấp, xã hội phải chung tay bán dưa hấu, hành tím cho nông dân. Theo bà, đây là giải pháp mang tính cộng đồng cùng chung tay góp sức, còn về lâu dài Chính phủ nên quan tâm phân tích có giải pháp mạnh mẽ hơn đối với vấn đề này để hỗ trợ người nông dân, nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm.
Mặt khác, bà Trương Thị Mai chỉ rõ, tỷ lệ giảm nghèo đã đi được những bước đi đáng kể, cuối năm nay sẽ chuyển sang chuẩn nghèo đa chiều. Do đó, cần khẩn trương xem xét công bố chuẩn nghèo từ 2016, điều tra số hộ nghèo để chủ động ngân sách. Cùng với đó, Chính phủ cần điều hành nhịp nhàng tăng giá trị dịch vụ công, đồng bộ với cơ chế tài chính cho y tế, thúc đẩy bảo hiểm y tế.
Năng suất lao động Việt Nam được Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) đánh giá đã dần thu hẹp khoảng cách so với ASEAN. Đây là đánh giá tích cực nhưng với cơ cấu lao động như hiện nay, nếu dùng năng suất lao động là giá trị sản phẩm tạo ra trên 1 người lao động thì với tình hình nông nghiệp như hiện nay, năng suất lao động của Việt Nam thấp. Do đó, Chính phủ cần có giải pháp mạnh mẽ hơn.
Tăng năng suất lao động sẽ tăng tiền lương thực tế, cải thiện đời sống lâu dài cho người lao động đồng thời tăng khả năng cạnh tranh cho doanh nghiệp. Nếu không tiền lương tiếp tục là vấn đề khó khăn.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển đánh giá cao tín hiệu tích cực của nền kinh tế - xã hội 4 tháng đầu năm 2015. Tuy nhiên, theo ông Phùng Quốc Hiển, phải hết sức chú ý đến lĩnh vực công nghiệp, thực hiện đưa khoa học công nghệ mới vào công nghiệp như thế nào? Liệu chúng ta có trở thành công xưởng của thế giới, sử dụng lao động giá rẻ mà không đi theo xu hướng phát triển khoa học công nghệ, đổi mới khoa học công nghệ hay không? Nếu không đưa khoa học công nghệ vào phát triển công nghiệp thì việc rơi vào bẫy thu nhập trung bình là vấn đề rất đáng lưu tâm. Việc áp dụng khoa học công nghệ tuy có tăng nhưng chưa đủ để đánh giá đây là yếu tố tích cực.
Bên cạnh đó, đầu ra của nhiều sản phẩm nông nghiệp hiện nay đang gặp khó khăn, nhiều sản phẩm sẽ thua ngay trên sân nhà. Nếu không thay đổi tư duy, không gắn với thị trường, không gắn với sự phân phối thì không chỉ năm nay mà các năm sau sẽ vẫn hết sức khó khăn – Chủ nhiệm Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh./.
Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam