Kỷ niệm 50 năm Truyền thống Ngành Hàng hải

Nhân dịp kỷ niệm 50 năm Truyền thống Ngành Hàng hải Việt Nam (5/5/1965 – 5/5/2015), sáng 9/5, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã tới dự lễ kỷ niệm và đón nhận Huân chương Độc lập Hạng Ba của Ngành.

Tròn nửa thế kỷ dũng cảm, sáng tạo, vượt khó, cán bộ, nhân viên Cục Hàng hải Việt Nam đã đóng góp nhiều công sức nối liền mạch máu giao thông, kiến thiết hệ thống giao thông vận tải hàng hải của đất nước ngày càng hoàn thiện, hiện đại, hội nhập với quốc tế, góp phần cùng đất nước phấn đấu trở thành quốc gia biển giàu mạnh. Bước vào giai đoạn ác liệt nhất của cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, năm 1965, Hội đồng Chính phủ quyết định thành lập Cục Vận tải đường biển Việt Nam (tiền thân của Cục Hàng Hải Việt Nam) với chức năng trực tiếp quản lý và điều hành cơ sở vật chất của ngành hàng hải, nhằm đáp ứng đòi hỏi to lớn của đất nước. Những năm tháng chiến tranh, cán bộ, viên chức, người lao động ngành vận tải đường biển đã không quản gian khổ, hy sinh, vượt qua hệ thống phong tỏa bằng thủy lôi từ tính và bom từ trường dày đặc của Mỹ, đưa hàng hóa ra vào cảng Hải Phòng, các cảng biển miền trung và tiền tuyến miền nam, mà chiến dịch vận tải "VT5" là một kỳ tích tiêu biểu thời kỳ kháng chiến chống đế quốc Mỹ.

Đồng chí Nguyễn Sinh Hùng dự lễ kỉ niệm 50 năm ngày truyền thống ngành Hàng hải. 
(Ảnh: TTXVN)

Từ sau ngày thống nhất đất nước, ngành đã thể hiện tinh thần tiên phong, đi đầu trong mở cửa, đổi mới. Các dự án mở rộng cảng biển lớn, ứng dụng khoa học - công nghệ tiên tiến đã được triển khai từ những năm đầu mở cửa, đang tiếp tục được đầu tư trên cơ sở Quy hoạch cảng biển đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Cơ sở hạ tầng hàng hải đến nay đã tương đối hoàn thiện với 44 cảng biển (219 bến cảng, trong đó nhiều bến cảng đủ năng lực tiếp nhận tàu đến 100 nghìn DWT, phục vụ trực tiếp các tuyến biển xa) và 42 tuyến luồng hàng hải, hằng năm đón nhận hơn 120 nghìn lượt tàu biển. Ðội tàu biển quốc gia phát triển với hơn 1.800 tàu hoạt động trên toàn thế giới, đang được tái cơ cấu theo Quy hoạch vận tải biển đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Trong thời gian qua, ngành công nghiệp tàu thủy có tốc độ tăng trưởng cao (bình quân 10 năm gần đây đạt 25 - 30%/năm) trên các lĩnh vực đóng - sửa chữa tàu, công nghiệp hỗ trợ, đào tạo. Hiện cả nước có khoảng 120 nhà máy đóng tàu trọng tải từ 1.000 DWT trở lên, về cơ bản hình thành được cơ sở vật chất kỹ thuật quan trọng của ngành công nghiệp đóng tàu biển quốc gia. Từ năng lực ban đầu chỉ đóng được tàu 3.000 DWT, đến nay Việt Nam đã đóng được hầu hết các gam tàu, bao gồm các loại tàu tổng hợp, tàu hàng rời, tàu dầu, tàu chở ô-tô,... đáp ứng nhu cầu đóng mới, sửa chữa tàu biển trong nước và xuất khẩu. Hiện cả nước có hơn 45 nghìn thuyền viên đạt tiêu chuẩn quốc tế, cơ bản bảo đảm nhu cầu trong nước cũng như xuất khẩu thuyền viên làm việc trên tàu biển nước ngoài.

Ngành Hàng Hải Việt Nam cũng là một trong những ngành đi đầu thực hiện huy động xã hội hóa đầu tư kết cấu hạ tầng hàng hải. Cho đến nay, tổng vốn đầu tư từ các nguồn vốn xã hội hóa đạt gần tám tỷ USD. Ðảng, Nhà nước đã trao tặng ngành Hàng Hải Việt Nam nhiều phần thưởng cao quý: danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; Huân chương Hồ Chí Minh; Huân chương Ðộc lập các hạng; Huân chương Kháng chiến các hạng,...

Tại buổi Lễ, thay mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng trân trọng trao Huân chương Độc lập Hạng Ba tặng tập thể Cục Hàng Hải Việt Nam về những thành tích đặc biệt xuất sắc trong xây dựng và phát triển đất nước.

Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng chúc mừng toàn thể cán bộ, công nhân viên Ngành Hàng Hải Việt Nam qua các thời kỳ. Bộ trưởng nhấn mạnh, Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 4 Khóa X đã xác định mục tiêu đến năm 2020 là “phấn đấu đưa nước ta trở thành một quốc gia mạnh về biển và làm giàu từ biển”, đến năm 2020 kinh tế hàng hải đứng vị trí thứ hai (sau dầu khí) và sau 2020 vươn lên đứng vị trí thứ nhất. Nhiệm vụ phía trước rất lớn, trong đó vai trò của quản lý nhà nước, của thể chế chính sách tạo đột phá phát triển, có tính chất quyết định rất lớn. Điều này đòi hỏi Cục Hàng hải Việt Nam phải đổi mới toàn diện, quyết liệt hơn, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Trên tinh thần đó, Bộ trưởng Đinh La Thăng đề nghị, Cục Hàng Hải Việt Nam tập trung hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách, văn bản pháp luật về hàng hải; đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện dự án Bộ luật Hàng Hải sửa đổi; nêu cao tinh thần chủ động trong cải cách hành chính theo chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Giao thông vận tải, coi đây là yêu cầu cấp bách để tăng cường quản lý Nhà nước và phục vụ người dân và doanh nghiệp một cách tốt nhất. Ngành Hàng Hải cần đầu tư phát triển mạnh mẽ hệ thống cảng biển để nhanh chóng nâng cao năng lực vận tải, dịch vụ hậu cẩn sau cảng, đảm bảo an toàn, an ninh hàng hải, bảo vệ môi trường biển nhằm nâng cao vị thế và uy tín của hàng hải Việt Nam trên trường quốc tế. Toàn Ngành cũng cần chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững của ngành trong tương lai.

Bộ trưởng Đinh La Thăng hy vọng, tập thể cán bộ, công nhân viên Ngành Hàng Hải Việt Nam sẽ vượt qua mọi khó khăn, khắc phục tốt mọi tồn tại, yếu kém, phát huy truyền thống vẻ vang của Ngành, tiếp tục đạt được những thành tựu mới, đáp ứng kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và nhân dân.

Nguồn Báo Tin tức - TTXVN