Kiên quyết không để lọt vào Ban Chấp hành những người không đủ tiêu chuẩn

Ngày 9/5, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội ứng cử tại đơn vị bầu cử số 1 đã dành chọn cả ngày để tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIII tại quận Ba Đình và Tây Hồ thành phố Hà Nội.

 Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri quận Ba Đình, Hà Nội.
(Ảnh: dangcongsan.vn)

Bày tỏ sự đồng tình với những nội dung Hội nghị Trung ương lần thứ 11 đã thảo luận về tiêu chuẩn Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, nhiều cử tri cho rằng, việc xác định cụ thể các tiêu chuẩn như vậy là rất quan trọng, đúng đắn, nghiêm túc, được cử tri rất hoan ngênh và phấn khởi. Tuy nhiên, các cử tri băn khoăn liệu việc thực hiện trên thực tế sẽ thế nào? Làm sao để xác định được ai bè cánh, ai mị dân, ai tiêu cực, tham nhũng? Bởi vì trong cuộc sống những việc có thể thấy rất rõ nhưng để chứng minh được lại rất khó. Các cử tri cũng mong muốn Đại hội Đảng XII tới đây sẽ lựa chọn được Ban Chấp hành Trung ương Đảng xứng đáng, đủ mạnh để lãnh đạo đất nước trong những năm tới.

Đề cập đến những vấn đề được nêu trong dự thảo Luật Tổ chức Chính phủ sửa đổi sẽ được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp Quốc hội tháng 5, cử tri Lưu Huy Vinh, phường Thành Công, quận Ba Đình cho rằng, các Chương 2,3,4 mới chỉ nêu về quyền hạn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng… mà thiếu đi phần trách nhiệm, như vậy là chưa tương xứng. Bên cạnh đó, cũng cần quy định rõ hơn nhiệm vụ của Chính phủ trong công tác phòng chống tham nhũng và lãng phí.

Đề cập đến Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng và công tác phòng chống tham nhũng, một số cử tri cho rằng, Nghị quyết Trung ương 4 và việc phòng chống tham nhũng chưa đạt tới mục tiêu đặt ra là làm để không ai dám tham nhũng, có thể tham nhũng mà mới chỉ đạt được một phần mục tiêu thấp hơn là răn đe. Nhưng tham nhũng ngày càng tinh vi hơn. Cử tri đề nghị công khai trong việc lựa chọn cán bộ ở các cấp mới mong đạt được mục tiêu đặt ra. Đồng thời phải có những biện pháp kiểm soát các nguồn thu nhập của cán bộ qua tài khoản ở ngân hàng thì mới phát hiện được những khoản thu nhập không chính đáng. Mặt khác, phải làm chặt chẽ, công khai hơn nữa việc kê khai tài sản, thu nhập…

Một số vấn đề liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội, việc xây dựng Sân bay Quốc tế Long Thành, đổi mới cách đánh giá học sinh tiểu học, vấn đề tiêu thụ nông sản của nông dân, trợ cấp cho người có công, quan tâm đến các doanh nghiệp tư nhân… và các vấn đề dân sinh bức xúc trên địa bàn cũng được cử tri kiến nghị với mong muốn Quốc hội tăng cường sự giám sát, kiểm tra và các bộ, ngành thấy rõ trách nhiệm của mình.

Thay mặt đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trân trọng tiếp thu ý kiến tâm huyết của cử tri đã đóng góp nhiều vấn đề phong phú, có lĩnh vực thuộc địa phương, có lĩnh vực thuộc Trung ương, góp ý cho kỳ họp Quốc hội, góp ý cho hoạt động của Đảng. Đề cập đến nội dung Hội nghị Trung ương 11 vừa qua, Tổng Bí thư cảm ơn những ý kiến đồng tình, ủng hộ của cử tri đối với các tiêu chuẩn nhân sự chuẩn bị cho Đại hội Đảng XII.

Tổng Bí thư khẳng định: Công tác nhân sự hết sức hệ trọng, là công việc gốc của Đảng. Muốn Đảng mạnh trước hết cơ quan Đảng phải mạnh. Ý thức được điều đó nên thời gian vừa qua, Trung ương đã chuẩn bị rất kỹ, xin ý kiến các địa phương, rồi đến Trung ương đều thống nhất cao. Đây là định hướng rất lớn mà sắp tới chúng ta có cơ sở để chuẩn bị cho công tác nhân sự đại hội XII. Tuy nhiên Tổng Bí thư cũng thừa nhận, đây là việc vô cùng khó khăn, phức tạp. Từ xưa đến nay, bất kỳ đại hội nào công tác chuẩn bị nhân sự cũng có ý kiến này ý kiến khác. Thậm chí toàn dân bàn nhân sự, trong chưa bàn nhưng dư luận đã có rất nhiều phương án, thậm chí dân còn quy hoạch phương án này, phương án kia. Các thế lực thù địch cũng lợi dụng để tung tin đồn chống phá chúng ta.

Theo Tổng Bí thư, để xây dựng được một cơ quan lãnh đạo tốt nhất, chúng ta phải làm từng bước, theo quy trình rất chặt chẽ, quan trọng nhất là theo đúng nguyên tắc của Đảng, đúng điều lệ Đảng. Đây là vấn đề rất lớn, rất nhạy cảm. Cách làm vừa dân chủ vừa tập trung, kiên quyết không để lọt vào Ban Chấp hành những người không đủ tiêu chuẩn nhưng làm thế nào để đạt được điều đó không hề đơn giản. “Vừa rồi xây dựng quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị Ban Bí thư, các chức danh chủ chốt, chúng ta đã mở các lớp đào tạo nguồn, lấy phiếu tín nhiệm, phải trải qua rất nhiều bước theo đúng quy trình, cấp ủy cấp dưới giới thiệu lên, sàng lọc, qua nhiều bước lấy ý kiến… Vì quy trình nhân sự giới thiệu từ dưới lên rồi mới sàng lọc, đánh giá và lựa chọn, mong cử tri phát hiện, giới thiệu những người xứng đáng vào trung ương”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói.

Xung quanh ý kiến của cử tri về chống tham nhũng và Nghị quyết Trung ương 4, Tổng Bí thư cho rằng, thực ra Nghị quyết Trung ương 4 đã làm được rất nhiều việc. Việc xây dựng quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương rồi việc lấy phiếu tín nhiệm đều từ Nghị quyết Trung ương 4. Nói đến Nghị quyết Trung ương 4 không chỉ dừng ở chỗ kỷ luật được ai. Quan trọng nhất là người ta phải tự sửa, tự điều chỉnh. Từ việc lấy phiếu tín nhiệm ở Quốc hội đã khuyến khích mỗi người tiến bộ. Vấn đề này còn làm lâu dài, mấy nhiệm kỳ nữa, chúng ta rút kinh nghiệm để làm tiếp. Chúng ta có quyết tâm, có biện pháp làm cho đúng, nhưng vì nó khó quá vì đụng đến con người từ lợi ích, danh dự, quan hệ, mong cử tri chia sẻ và Trung ương sẽ làm cố gắng đến mức tối đa. Chúng ta có quyết tâm cao, biện pháp làm khoa học, quan trọng nhất là sự đồng thuận.

 

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trò chuyện với cử tri. (Ảnh: dangcongsan.vn)

Trao đổi về mô hình tổ chức chính quyền địa phương, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng, đây là vấn đề quan trọng, nhạy cảm, liên quan đến cả hệ thống chính trị, khó, lớn, nhiều ý kiến khác nhau nên làm phải rất thận trọng. Hội nghị Trung ương 11 sau khi thảo luận, đã cho định hướng là thực hiện theo Điều 110 của Hiến pháp 2013, tất cả các cấp đều có HĐND và UBND. Ở đâu có chính quyền ở đó có giám sát của một cơ quan quyền lực do dân bầu ra. Đây là sự kết hợp của Đảng lãnh đạo, nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ. Tổng Bí thư cũng bày tỏ: Nói như thế không có nghĩa là duy trì cách như cũ, HĐND cũng phải cải tiến, HĐND ở nông thôn phải khác đô thị, khác hải đảo. Tức là nội hàm hoạt động của HĐND phải đối mới và làm sao cho HĐND hoạt động thực quyền, tránh hình thức. Muốn làm được điều này, đúng như các cử tri nói, phải bao gồm từ việc cán bộ đủ trình độ; tạo điều kiện về cơ chế, phương tiện làm việc, bộ máy giúp việc, thêm người ngoài Đảng… Cùng với đó, đổi mới phương thức hoạt động của UBND và đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng.

Trả lời ý kiến của một số cử tri về quan hệ quốc tế, trong đó có quan hệ với Trung Quốc, Tổng Bí thư cho biết, quan hệ Việt Nam với Trung Quốc là vấn đề rất lớn, liên quan đến độc lập chủ quyền quốc gia, đến giữ vững môi trường ổn định hòa bình để phát triển đất nước và đặt trong quan hệ quốc tế. Độc lập chủ quyền quốc gia là thiêng liêng. Sách lược của chúng ta phải kiên quyết, không khoan nhượng nhưng phải linh hoạt, mềm dẻo. Chuyến đi thăm Trung Quốc, tới đây là thăm Mỹ, chúng ta vừa tăng cường quan hệ, vừa tranh thủ diễn đàn thể hiện rõ lập trường của Việt Nam, đôi bên hạn chế tối đa bất đồng, nếu có bất đồng thì giải quyết bằng phương pháp hòa bình trên nguyên tắc luật pháp quốc tế và những điều đã thỏa thuận./.

Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam