ủy ban nhân dân tỉnh

Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trên địa bàn tỉnh năm 2015

UBND tỉnh vừa ban hành Quyết định số 979/QĐ-UBND về Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận năm 2015.

Mục tiêu của Chương trình nhằm nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của các cấp, các ngành, các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Xây dựng, triển khai các biện pháp để thực hiện có hiệu quả; việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; tổ chức thanh tra, kiểm tra nhằm ngăn chặn và đẩy lùi thực trạng lãng phí, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý, tạo sự ổn định, thúc đẩy phát triển KT-XH của tỉnh.

Trong quá trình quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức, đơn vị có trách nhiệm: Các cơ quan đơn vị, địa phương và doanh nghiệp nhà nước có sử dụng ngân sách nhà nước phải có trách nhiệm rà soát lại nhiệm vụ, bố trí và tổ chức hợp lý bộ máy, biên chế, cơ cấu và công việc để thực hiện tiết kiệm 10% dự toán chi thường xuyên (trừ lương và các khoản có tính chất như lương) để tạo nguồn cải cách tiền lương và coi đây là nhiệm vụ trọng tâm phải thực hiện của cơ quan, đơn vị mình, góp phần thực hiện tiết kiệm chi ngân sách nhà nước.

Chấp hành nghiêm túc các quy định của nhà nước về công tác lập dự toán, quyết toán và điều hành các nguồn vốn, kinh phí được giao đảm bảo việc quản lý, sử dụng đúng tiêu chuẩn, định mức và mục đích yêu cầu, có hiệu quả; Thực hiện tiết kiệm tối thiểu 12% chi tiêu trong hội nghị, hội thảo, tọa đàm; cử cán bộ, công chức, viên chức đi công tác; tiếp khách, khánh tiết, tổ chức lễ hội, lễ kỷ niệm; sử dụng điện, nước văn phòng phẩm, sách, báo, tạp chí trong cơ quan, đơn vị.

Tiết kiệm tối thiểu 15% chi đoàn ra, đoàn vào. Không bố trí chi đoàn ra trong chi thường xuyên các Chương trình mục tiêu quốc gia. Thực hiện quản lý chặt chẽ đoàn ra, đoàn vào đúng người, đúng mục đích và căn cứ trên dự toán và danh mục đoàn ra, đoàn vào được phê duyệt từ đầu năm của mỗi cơ quan,đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước. Hạn chế tối đa các đoàn đi công tác nước ngoài bổ sung không theo dự toán, danh mục từ đầu năm; chỉ tiến hành bổ sung khi có nhiệm vụ đột xuất, đặc biệt cần thiết.

Chấp hành nghiêm các quy định về mua sắm, quản lý và sử dụng trang thiết bị, tài sản. Thực hiện xây dựng kế hoạch trang bị tài sản hàng năm kết hợp với việc đánh giá thực trạng tài sản hiện có để sử dụng tài sản có hiệu quả; bố trí hợp lý các nguồn kinh phí cho mua sắm tài sản phục vụ công tác chuyên môn theo đúng quy định của nhà nước.

Về quản lý đầu tư xây dựng cơ bản, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện tiết kiệm từ chủ trương đầu tư; tiến hành rà soát cắt giảm 100% các dự án không nằm trong quy hoạch, kế hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Chủ đầu tư thực hiện nghiêm túc các quy trình giám sát, quản lý chặt chẽ ngay từ khâu khảo sát, thiết kế, giải pháp thi công, thẩm định dự án nhằm chống lãng phí, thực hiện tiết kiệm từ 10% đến 15% tổng mức đầu tư đề ra.

Không tổ chức lễ động thổ, lễ khởi công, khánh thành các công trình xây dựng cơ bản, trừ các công trình quan trọng quốc gia; công trình có giá trị lớn, có ý nghĩa quan trọng về kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội của địa phương. Xử lý dứt điểm tình trạng nợ đọng trong xây dựng cơ bản theo Chỉ thị số 07/CT-TTg ngày 30/4/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường biện pháp xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản nguồn vốn đầu tư công.

Về quản lý, sử dụng đất đai, trụ sở làm việc, nhà công vụ và tài nguyên thiên nhiên, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở Tài chính, Sở Xây dựng, UBND các huyện, thành phố hàng năm căn cứ vào khả năng nguồn ngân sách của mỗi cấp, tổng diện tích nhà làm việc hiện có, số lượng cán bộ, công chức của từng cơ quan, đơn vị, xã, phường và tiêu chuẩn, định mức sử dụng trụ sở làm việc theo quy định hiện hành để đầu tư xây dựng đáp ứng yêu cầu và có hiệu quả; thu hồi 100% nhà công vụ sử dụng không đúng mục đích, không đúng đối tượng, đối tượng hết thời gian sử dụng nhà công vụ theo quy định.

Về quản lý, sử dụng vốn và tài sản tại doanh nghiệp nhà nước, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu giám đốc các doanh nghiệp nhà nước tiến hành rà soát lại các định mức kinh tế kỹ thuật, định mức tiêu hao nguyên nhiên vật liệu …để thực hiện triệt để tiết kiệm năng lượng, vật tư,chi phí đầu vào; ứng dụng công nghệ mới để nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh hàng xuất khẩu, tiết kiệm chi phí sản xuất kinh doanh; đăng ký và thực hiện tiết giảm chi phí quản lý (từ 5% trở lên), phấn đấu thực hiện tiết giảm tối đa chi phí quảng cáo, tiếp thị, khuyến mại, hoa hồng môi giới, chi tiếp tân, khánh tiết, hội nghị, chi chiết khấu thanh toán, chi phí năng lượng.

Để tổ chức thực hiện có hiệu quả chương trình, Chủ tịch UBND giao giám đốc các Sở, Thủ trưởng Ban, ngành, đoàn thể thuộc tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố và giám đốc các doanh nghiệp Nhà nước căn cứ vào Kế hoạch phát triển KT-XH hàng năm của UBND tỉnh đã thông qua HĐND tỉnh hàng năm, căn cứ Chương trình này và trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao triển khai xây dựng kế hoạch thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tại cơ quan, đơn vị mình. Khi xây dựng nội dung chương trình, kế hoạch thực hành tiết kiệm, chống lãng phí cần lựa chọn các nội dung trọng tâm, trọng điểm liên quan đến phạm vi, lĩnh vực quản lý để tập trung chỉ đạo; Chương trình, kế hoạch thực hiện phải sát với thực tiễn yêu cầu, mục tiêu, giải pháp; quy định cụ thể thời hạn thực hiện và hoàn thành, phân công từng người chịu trách nhiệm từng khâu công việc trong cơ quan, đơn vị, địa phương mình. Nghiêm khắc xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật.