Tín dụng chính sách xã hội do Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện là một giải pháp sáng tạo, thiết thực, hiệu quả và có tính nhân văn sâu sắc. Những năm qua, Ngân hàng Chính sách xã hội đã phối hợp với Uỷ ban nhân dân và các tổ chức chính trị- xã hội các cấp triển khai thực hiện tốt chính sách tín dụng ưu đãi trên địa bàn tỉnh. Đến cuối năm 2014, Ngân hàng Chính sách xã hội đã triển khai cho vay 11 chương trình tín dụng chính sách, có tổng dư nợ hơn 1.231 tỷ đồng với 73.004 hộ gia đình vay/91.708 món vay. Vốn tín dụng ưu đãi đã giúp cho hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách khác có nguồn vốn để đầu tư phát triển kinh tế, góp phần quan trọng thực hiện có hiệu quả mục tiêu giảm nghèo, tạo việc làm, phát triển nguồn nhân lực, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.
Tuy nhiên, nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội chưa thật sự ổn định, cơ cấu nguồn vốn hiện nay phần lớn phụ thuộc vào Trung ương nên chưa đáp ứng nhu cầu thực tế; chất lượng tín dụng chưa đồng đều, chưa bền vững; tỷ lệ nợ quá hạn còn cao (0,78%, so với toàn quốc là 0,41%), lãi tồn đọng còn lớn, một bộ phận hộ vay chưa chấp hành tốt nghĩa vụ trả nợ, chất lượng thực hiện nhiệm vụ uỷ thác, hoạt động của Tổ tiết kiệm và vay vốn chưa đồng đều, nhiều nơi còn thấp. Một số cấp uỷ đảng và chính quyền ở cơ sở chưa thực sự vào cuộc, chưa quan tâm đúng mức tới hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội...
Để nâng cao hiệu quả của tín dụng chính sách xã hội, tổ chức thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 40-CT/TW, ngày 22-11-2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội. Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận và các tổ chức chính trị-xã hội trong tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện tốt những nhiệm vụ chủ yếu sau:
1- Tổ chức phổ biến kịp thời, quán triệt sâu kỹ nội dung Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư đến toàn thể đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên và quần chúng nhân dân trên địa bàn tỉnh, nhằm nâng cao nhận thức về vai trò của tín dụng chính sách xã hội, góp phần thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về giảm nghèo, tạo việc làm, phát triển nguồn nhân lực, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị và phát triển kinh tế, xã hội tỉnh nhà.
2- Các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp cần xác định nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ đạo đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội là một trong những nhiệm vụ trong chương trình, kế hoạch và hoạt động thường xuyên của mình. Chỉ đạo tổ chức thực hiện tốt chủ trương huy động các nguồn lực cho tín dụng chính sách xã hội, gắn với phát triển nông nghiệp, nông thôn, phát triển giáo dục, dạy nghề, tạo việc làm, bảo đảm an sinh xã hội và giảm nghèo bền vững.
Tăng cường trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền trong việc củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách xã hội; công tác điều tra, xác định đối tượng được vay vốn. Quan tâm chỉ đạo phối hợp các hoạt động huấn luyện kỹ thuật, đào tạo nghề và chuyển giao công nghệ với hoạt động cho vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội, giúp người vay sử dụng vốn có hiệu quả.
Định kỳ tham gia dự họp với Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội cùng cấp để kịp thời nắm bắt, chỉ đạo và tháo gỡ những vướng mắc trong hoạt động tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn.
3- Đảng đoàn HĐND chỉ đạo HĐND tỉnh hàng năm xem xét quyết định dành một phần nguồn vốn từ ngân sách tỉnh để bổ sung nguồn vốn ủy thác cho chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện cho vay đối với các hộ nghèo, cận nghèo, các đối tượng chính sách xã hội trên địa bàn. Đồng thời khuyến khích các huyện, thành phố tăng thu tiết kiệm chi, dành một phần ngân sách để ủy thác cho các phòng giao dịch huyện để cho vay theo chương trình, dự án của huyện.
4- Ban Cán sự Đảng UBND chỉ đạo UBND tỉnh: Cân đối ngân sách hàng năm của tỉnh báo cáo Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định dành một tỷ lệ ngân sách tỉnh để chuyển cho chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh bổ sung nguồn vốn cho vay. Tập trung các nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước vào một đầu mối là Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh. Quan tâm hỗ trợ cơ sở vật chất và tạo điều kiện thuận lợi để Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh hoàn thành tốt nhiệm vụ, nhằm phục vụ tốt cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác.
5- Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh phát huy vai trò tập hợp các tầng lớp Nhân dân, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về tín dụng chính sách xã hội đến toàn dân, nhất là người nghèo và các đối tượng chính sách; nâng cao hiệu quả giám sát của Nhân dân đối với công tác tín dụng chính sách xã hội. Mở rộng cuộc vận động vì người nghèo để huy động sự đóng góp của các tổ chức, cá nhân bổ sung nguồn vốn cho tín dụng chính sách xã hội.
Các tổ chức chính trị-xã hội nhận ủy thác của Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh có trách nhiệm thực hiện đầy đủ các nội dung được ủy thác; cân đối hợp lý cơ cấu nguồn vốn ủy thác giữa các tổ chức chính trị-xã hội để đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ nhận ủy thác. Phối hợp chặt chẽ với các địa phương, đơn vị trong việc củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách xã hội; hướng dẫn, bình xét công khai các đối tượng vay vốn; quản lý tốt nguồn vốn cho vay, giải ngân kịp thời đến các đối tượng thụ hưởng. Tăng cường kiểm tra, giám sát xử lý nợ quá hạn, đôn đốc thu hồi nợ đến hạn, hướng dẫn người vay sử dụng vốn có hiệu quả; lồng ghép với các chương trình, dự án của các tổ chức chính trị-xã hội; nâng cao chất lượng hoạt động của Tổ tiết kiệm và vay vốn do Hội quản lý. Làm tốt công tác tư vấn, hướng dẫn xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất, kinh doanh điển hình, giúp nhau thoát nghèo và vươn lên làm giàu.
6- Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội các cấp làm tốt công tác chỉ đạo, điều hành hoạt động tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn; tổ chức họp định kỳ theo đúng quy định; thường xuyên chỉ đạo việc củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách xã hội nhằm hạ thấp tỷ lệ nợ quá hạn của tỉnh xuống còn bằng bình quân toàn quốc. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho Ngân hàng Chính sách xã hội và các tổ chức chính trị-xã hội trong quá trình hoạt động.
Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát nội bộ; chủ động thực hiện tốt việc huy động, quản lý và sử dụng vốn có hiệu quả; tổ chức giải ngân kịp thời đến các đối tượng thụ hưởng; nâng cao hiệu quả phương thức ủy thác cho các tổ chức chính trị-xã hội; phát triển các sản phẩm, dịch vụ hỗ trợ đem lại tiện ích cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp và chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ.
7- Các đơn vị Công an, Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân, cơ quan thi hành án dân sự tỉnh hỗ trợ giải quyết, xác minh các trường hợp khởi kiện, các trường hợp bỏ đi khỏi địa phương lâu ngày (trên 2 năm) và các trường hợp khác liên quan đến chính sách, pháp luật hiện hành để giúp Ngân hàng Chính sách xã hội thuận tiện trong việc thu hồi và xử lý nợ.
8- Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Ninh Thuận tăng cường công tác tuyên truyền về vai trò của tín dụng chính sách xã hội trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo, giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh xã hội của tỉnh; quyền lợi và trách nhiệm của các đối tượng chính sách trong thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi.
9- Đảng đoàn HĐND, Ban cán sự Đảng UBND, các ban Đảng, ban cán sự Đảng, Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các tổ chức chính trị-xã hội, các cấp ủy đảng, chính quyền, các đơn vị có liên quan và chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh có trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện tốt chỉ thị này.
Văn phòng Tỉnh uỷ chủ trì, phối hợp với Ban cán sự Đảng UBND tỉnh theo dõi kiểm tra, đôn đốc việc tổ chức thực hiện Chỉ thị; định kỳ báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh uỷ. Chỉ thị này được phổ biến đến các chi bộ.