Hạn hán đã gây thiệt hại đáng kể đến sản xuất, tác động đến đời sống của hàng chục ngàn người dân trong tỉnh nhất là ở các xã miền núi, vùng sâu, vùng xa. Tuy nhiên, với tinh thần chủ động, tỉnh đã chỉ đạo các địa phương tập trung thực hiện cung cấp nước sinh hoạt cho người dân những vùng thiếu nước, hỗ trợ lương thực kịp thời, cấp kinh phí để đào ao, giếng lấy nước cứu cây trồng... Nhờ đó, đến nay tuy nắng hạn ngày càng gay gắt, thiếu nước trầm trọng nhưng không để xảy ra trường hợp người dân nào thiếu nước ăn, uống, thiếu đói.
Anh Tàin Ró (thôn Đồng Dày, xã Phước Trung) đào ao gieo trồng 5 sào đậu xanh
ít sử dụng nước tưới trong vụ hè thu 2015. Ảnh: Sơn Ngọc
Trong nắng hạn điều đáng quý nữa là tinh thần phát huy “nội lực”, chủ động chống hạn của người dân để tiếp tục duy trì sản xuất, chăn nuôi, tạo thu nhập bảo đảm cho cuộc sống. Đồng thời cũng toát lên tinh thần tương trợ, hợp tác, giúp nhau trong sản xuất và đời sống của người dân trong cùng địa phương... mà không trông chờ, ỷ lại vào sự trợ giúp của Nhà nước. Đã có nhiều cách chống hạn hiệu quả như đào ao, đào giếng, thậm chí người dân ở khu vực hồ Ông Kinh (Ninh Hải) còn “sáng tạo” đào giếng ngay dưới lòng hồ đã cạn lấy nước bơm chuyền lên bể chứa, từ bể chứa tiếp tục bơm tưới cho cây trồng, có nơi xa hàng cây số. Lại có mô hình thuê đất trồng cỏ để lấy thức ăn cho đàn gia súc mà không phải chạy vạy đâu xa. Có dịp về thôn Đồng Dày (xã Phước Trung, Bác Ái) nghe người chăn nuôi kể về cách giữ đàn gia súc mới thấy hết nỗi lo và cách làm hay của người dân. Đó là, do khó di chuyển đàn dê, cừu đến nơi có nguồn nước, thức ăn vì muốn vậy phải di chuyển cả chuồng trại đi theo, mà điều này thì khó có thể làm được. Cho nên người dân đành phải mua rơm, cỏ cho đàn cừu ăn cầm chừng. Có trường hợp cừu sinh con cũng đành dứt lòng bỏ con để giữ mẹ!. Một số nông hộ có điều kiện đã mua gom cừu vùng hạn để về nuôi thúc bán cho thương lái. Giá mua hiện tại từ 70.000 đến 80.000 đồng/kg cừu thịt (cừu đực) nên cũng giúp cho người nuôi tỉa bán để mua thức ăn duy trì đàn... Còn nhiều và nhiều cách làm hay trong mùa hạn như chủ động chuyển đất lúa sang trồng đậu xanh, dưa hấu, bắp... ít sử dụng nước nhưng cho hiệu quả khá. Theo thống kê chưa đầy đủ, riêng kinh phí người dân đầu tư để “tự cứu” cho cây trồng, đàn gia súc tại các xã ven biển của 2 huyện Ninh Hải và Ninh Phước với trên 80 ao, giếng, kinh phí trên 2,5 tỷ đồng. Điều đáng nói là người có điều kiện thì tự đầu tư và hỗ trợ cho người không có điều kiện cùng bơm tưới hoặc cùng hùn tiền để đào giếng, đào ao... Chính cách làm này không những giúp nhau trong lúc khó khăn mà còn “thắp sáng” tình đoàn kết của người dân trong sản xuất, đời sống.
Mong muốn người dân hiện nay, đó là tỉnh cần hỗ trợ kịp thời kinh phí để tiếp tục đào ao, giếng ở những khu vực có mạch nước ngầm để duy trì cây trồng, nhất là nho, táo vì nếu để thiệt hại phải mất khá nhiều thời gian để phục hồi. Cả đàn gia súc cũng vậy, thức ăn không còn phải quá căng thẳng vì vụ đông-xuân đã và đang thu hoạch nhưng nước uống thì rất cần thiết bởi lượng nước được cung cấp hàng ngày chỉ đủ cho sinh hoạt tối thiểu của người dân. Dịch bệnh cũng đang là mối lo. Nếu tập trung số lượng gia súc khá lớn tại các vùng có nước thì nguy cơ xảy ra dịch bệnh là rất cao. Do vậy, cơ quan chức năng cần giúp người dân phòng ngừa đồng thời xử lý kịp thời khi dịch bệnh xảy ra, tránh lây lan làm thiệt hại đến tài sản người dân vốn đã gặp nhiều khó khăn.
Theo dự báo, nắng hạn còn tiếp tục kéo dài và điều đó cũng có nghĩa là người dân vùng hạn tiếp tục “gồng mình” chống hạn. Hy vọng với tinh thần chủ động, sáng tạo của chính người dân, sự hỗ trợ tích cực của Trung ương và của tỉnh sẽ góp phần giảm thiểu thiệt hại cho người sản xuất.
Hạ Huyền