Hãy lắng nghe trẻ...

(NTO) Có lần con gái tôi và hai bạn chơi bán đồ hàng trước sân. Ngồi trong nhà, tôi nghe được câu chuyện của các bé.

- An ghét nhất là khi lỡ phạm lỗi dù rất nhỏ cũng bị mẹ mắng một trận tơi bời. Mẹ la xong tới bà nội, ông nội. Chiều về, ba biết chuyện còn la thêm. Tối ăn cơm, cả nhà nhắc lại chuyện rồi cùng trách. Có khi cô Út cũng tham gia mắng nữa. Chỉ một tội mà bị “xử” đến bốn, năm lần.

Con tôi góp vào:

- Ai biểu An lỳ, không chịu nghe lời người lớn.

- Không chịu nghe hồi nào đâu? Tại An hay quên thôi. Nhưng cũng có khi mọi người bực chuyện khác rồi quay sang quát An. Vy có bị vậy không?

- Không. Tội nghiệp An ghê.

Bé Ngọc sau khi lắng nghe chia sẻ của hai bạn, chợt lên tiếng:

- Mình cũng bị như thế.

Tôi đã giật mình trước những bức xúc của hai bé nhà hàng xóm. Khi tôi thuật lại những điều nghe được với mẹ của hai cháu, các chị có vẻ chột dạ bởi đã không ít lần cảm thấy bực bội vì những căng thẳng trong công việc, cuộc sống, sau đó về nhà trút giận lên con khi trẻ lân la đến gần. Tệ hơn là đã quát mắng một lỗi của trẻ nhiều lần như thể có như vậy, trẻ mới sợ và không dám tái phạm… Sau buổi chuyện trò, hai chị bảo nhau sẽ rút kinh nghiệm, cư xử mềm mỏng với con, đồng thời sẽ lưu ý đến suy nghĩ, cảm xúc của trẻ.

Tuần trước, tôi ghé thăm nhà cô bạn thân. Nhà bạn có một cháu trai 3 tuổi. Hai ngày gần kề, bé đến lớp và… đánh bạn học. Vợ chồng cô hơi chột dạ, trộm nghĩ và chia sẻ với tôi rằng, có lẽ do tuần trước bé bệnh, hơi quấy khóc, nghịch ngợm nên hay la mắng, đánh con. Vì vậy bé mới có biểu hiện lạ như thế. Từ nay sẽ nhẹ nhàng dạy bảo, chăm sóc, vỗ về con hơn...

Cô con gái nhỏ của tôi cũng không ít lần sai phạm, như lỡ làm mất sách, bị điểm thấp hay hơi nghịch phá. Những lúc ấy, tôi nhẹ nhàng nhắc nhở, lắng nghe lý do sai phạm từ trẻ, sau đó phân tích ngắn gọn lẽ đúng, sai. Đồng thời gợi mở biện pháp giúp con hiểu vấn đề, biết cách khắc phục, tránh lặp lại những lỗi tương tự. Cha mẹ nên tránh trường hợp trút tức giận vào trẻ không có lý do hoặc la mắng một lỗi nhiều lần. Ngược lại, với những ưu điểm, có thể nhắc lại để động viên con tiếp tục phát huy. Bên cạnh đó, cha mẹ cần làm bạn cùng trẻ, tạo sự gắn kết với trẻ, tạo điều kiện cho con thoải mái nêu suy nghĩ về những việc liên quan đến bản thân để kịp thời đưa ra biện pháp giáo dục phù hợp. Từ đó, trẻ sẽ tự tin, “ngoan”, đáng yêu vô cùng.