Đổi giấy phép lái xe không cần giấy chứng nhận sức khỏe

(NTO) Do nhầm lẫn thông tin, nên liên tục trong 2 tuần gần đây, người dân tỉnh ta đã đến làm thủ tục cấp, đổi giấy phép lái xe (GPLX) tăng đột biến, khiến điểm cấp đổi trở nên quá tải. Báo Ninh Thuận đã có cuộc trao đổi với đồng chí Trần Minh Từ, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) xoay quanh vấn đề này.

Đồng chí Trần Minh Từ
Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải

Phóng viên: Đồng chí cho biết, vì sao những ngày gần đây số lượng người dân đến đổi GPLX tăng đột biến?

Đồng chí Trần Minh Từ: Theo thông tin mà chúng tôi tiếp nhận được thì có 3 lý do khiến người dân tỉnh ta đổ xô đến cấp đổi GPLX đông hơn mọi ngày. Thứ nhất, là do mọi người cho rằng đến ngày 1-5 tới, phí cấp đổi GPLX sẽ tăng lên; thứ hai là thời hạn chuyển đổi GPLX cũ sang GPLX thẻ nhựa (PET) sắp hết, nếu quá thời hạn thì sẽ bị phạt và phải thi sát hạch lại; thứ ba, sau thời điểm 1-5, hồ sơ đổi GPLX đòi hỏi phải có giấy chứng nhận sức khỏe.

Phóng viên: Vậy thủ tục cấp, đổi GPLX hiện nay được quy định ra sao? Trường hợp nào thì không bắt buộc phải có giấy chứng nhận sức khỏe?

Đồng chí Trần Minh Từ: Để giảm bớt các thủ tục rườm rà và khuyến khích người dân đổi GPLX ô tô, xe máy còn hạn sử dụng sang thẻ PET, ngày 31-12-2014, Bộ GTVT đã ban hành Thông tư số 87/2014/TT-BGTVT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 46/2012/TT-BGTVT. Theo đó, thủ tục hồ sơ đổi GPLX cũ sang GPLX thẻ PET hiện nay khá đơn giản, gồm: Bản photocopy GPLX và CMND (kèm bản chính để đối chiếu). Ngoài ra, khi đến đổi GPLX, người lái xe được cơ quan cấp GPLX chụp ảnh để làm thẻ. Sau khi đã nộp hồ sơ đầy đủ, không quá 5 ngày việc đổi GPLX được hoàn tất. Đặc biệt, từ ngày 15-2-2015 trở đi, những người có GPLX các hạng A1, A2, A3 khi đổi sang thẻ PET hoàn toàn không cần giấy chứng nhận sức khỏe; những người có GPLX hạng A4, GPLX ô tô nếu còn hạn sử dụng trên 3 tháng thì cũng không bắt buộc phải có giấy chứng nhận sức khỏe.

Phóng viên: Đồng chí cho biết cụ thể lộ trình chuyển GPLX bằng giấy sang thẻ PET như thế nào?

Đồng chí Trần Minh Từ: Theo Thông tư số 38/2013/TT-BGTVT của Bộ GTVT quy định, thời hạn để người dân trong cả nước thực hiện việc cấp đổi GPLX các loại từ vật liệu giấy bìa sang vật liệu thẻ PET sẽ được chia ra nhiều giai đoạn. Trong đó: Đối với GPLX ô tô các hạng, đến ngày 31-12-2015, hoàn thành việc cấp đổi. Hạng A4 trước ngày 31-12-2015 phải hoàn thành việc cấp đổi. Đối với GPLX không thời hạn, gồm các loại A1, A2, A3 nếu cấp trước năm 2003 phải chuyển đổi trước ngày 31-12-2016; nếu cấp trước năm 2004, đến ngày 31-12-2017 phải hoàn thành cấp đổi; cấp trước năm 2007, phải chuyển đổi trước ngày 31-12-2018; cấp trước năm 2010, hạn chuyển đổi trước 31-12-2019 và cấp sau 2010, hạn cấp đổi trước 31-12-2020. Về tiến độ cấp đổi GPLX, hiện toàn tỉnh ta đang có 8.950 GPLX ô tô và trên 158.700 GPLX mô tô. Đến ngày 15-4, Sở đã cấp đổi được 11.600 GPLX mô tô và 6.320 GPLX ô tô bằng vật liệu PET, đạt khoảng 70% kế hoạch.

Phóng viên: Trường hợp người dân không đổi GPLX theo đúng lộ trình nói trên có bị phạt không? Chi phí đổi GPLX như thế nào?

Đồng chí Trần Minh Từ: Đến thời điểm hiện nay chưa có một quy định nào về việc xử phạt người chậm đổi GPLX không đúng lộ trình, Bộ GTVT chỉ khuyến khích người dân có GPLX bằng giấy đổi sang bằng thẻ PET. Vì thế, người dân khi có nhu cầu đổi GPLX trước thời hạn theo quy định có thể liên hệ với Sở GTVT để được giải quyết một cách nhanh nhất. Về lệ phí cấp đổi GPLX, theo quy định của Bộ Tài chính là 135.000 đồng/bộ hồ sơ, bao gồm chi phí làm hồ sơ và chụp ảnh tại nơi cấp đổi GPLX của các Sở GTVT tỉnh, thành phố.

Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí!