Để giải quyết vấn đề này, từ năm 2007, tỉnh ta đã có Đề án về chế độ khuyến khích, thu hút cán bộ y tế về tỉnh làm việc. Bác sĩ, dược sĩ, cử nhân được bố trí công tác tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, nơi có môi trường làm việc tốt, tạo điều kiện nâng cao tay nghề, chuyên môn. Tuy nhiên, qua gần 10 năm thực hiện, số cán bộ y tế thu hút được vẫn chưa đạt được như mong muốn.
Bệnh viện Đa khoa tỉnh được đầu tư, trang bị hiện đại phục vụ khám và điều trị cho nhân dân.
Ảnh: Văn Miên
Theo Đề án Chế độ khuyến khích cán bộ y tế tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2007–2010, mỗi cán bộ y tế có một trong những học hàm, học vị: giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ chuyên khoa II sẽ được trợ cấp ban đầu 40.000.000 đồng; cán bộ y tế có trình độ thạc sĩ, chuyên khoa I sẽ được trợ cấp ban đầu 30.000.000 đồng; bác sĩ, dược sĩ đại học, cử nhân điều dưỡng, kỹ thuật viên cao cấp hệ chính quy được trợ cấp ban đầu 20.000.000 đồng. Đối với bác sĩ, cử nhân ngoài tỉnh còn được mua đất ở với giá ưu đãi, tạo điều kiện về nơi ăn, chốn ở nhằm tạo tâm lý ổn định, an tâm làm việc, gắn bó lâu dài với địa phương. Tuy nhiên, so với các địa phương khác, mức hỗ trợ này còn quá thấp. Chính vì vậy, trong 2 năm 2007, 2008, tỉnh chỉ thu hút 4 bác sĩ, 3 cử nhân. Các năm 2009, 2010, không thu hút được trường hợp nào. Để đáp ứng yêu cầu tình hình thực tế, giai đoạn 2, từ năm 2011, tỉnh cũng đã tăng các mức hỗ trợ này lên gấp 2 lần. Nhằm tăng thêm sức thu hút, ngoài tiền hỗ trợ của tỉnh, từ năm 2014, Bệnh viện Đa khoa tỉnh còn hỗ trợ thêm 40 triệu đồng cho mỗi bác sĩ, dược sĩ, cử nhân về làm việc tại bệnh viện. Hằng năm, Ban lãnh đạo bệnh viện còn trực tiếp đến các trường đại học y dược vận động, mời gọi các bác sĩ trẻ vừa tốt nghiệp về làm việc. Nhờ đó, năm 2014, số bác sỹ, cử nhân về làm việc đã tăng vọt là 23 người, trong đó có 20 bác sĩ.
“Mời gọi” được đã khó, giữ chân các bác sĩ cũng là một vấn đề nan giải. Khoảng cách quá lớn về mức thu nhập, các chế độ đãi ngộ trong quá trình công tác giữa bệnh viện với nhiều bệnh viện ở các tỉnh, thành phố khác đã tác động không nhỏ đến tâm lý của đội ngũ cán bộ y tế nói chung và các bác sĩ trẻ nói riêng. Chị Nguyễn Thị Trúc Phương, Trưởng Phòng Tổ chức-Cán bộ Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: Để nâng cao thu nhập cho thầy thuốc trẻ, mỗi cán bộ có bằng đại học trở lên (thâm niên dưới 5 năm) nếu mức lương chưa đến 6 triệu đồng/tháng thì bệnh viện sẽ hỗ trợ thêm để đạt được mức lương này. Ngoài ra, hàng tháng xem xét, đánh giá hệ số lương, bằng cấp và năng lực của mỗi người, bệnh viện có mức thưởng tương xứng. Nhờ đó, mức thu nhập của các bác sĩ, dược sĩ… cũng được cải thiện hơn so với trước đây. Tuy nhiên, cũng chưa đủ hấp dẫn để chắc chắn giữ chân một số bác sĩ, nhất là bác sỹ giỏi, có chuyên môn, tay nghề cao.
Phẫu thuật thay khớp háng nhân tạo tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.
Ngoài yếu tố thu nhập, một nguyên nhân quan trọng khác đó là công tác đào tạo vẫn chưa đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của đội ngũ bác sĩ trẻ. Với quy mô 500 giường bệnh, cùng với các trang thiết bị y học được đầu tư khá đồng bộ, hiện đại như những năm qua, cần phải có đội ngũ bác sĩ, kỹ thuật có chuyên môn cao sử dụng, khai thác hiệu quả các trang thiết bị này. Ngoài ra, theo định hướng phát triển, bệnh viện đang tập trung thành lập các khoa điều trị chuyên sâu để nâng cao chất lượng khám và điều trị bệnh. Chính vì vậy, đòi hỏi cần có đội ngũ bác sỹ được đào tạo chuyên khoa. Tuy nhiên, đa số bác sĩ trẻ thu hút những năm qua đều tốt nghiệp đa khoa, đó là chưa kể kinh nghiệm, tay nghề hạn chế. Để trở thành bác sĩ trực chính cần ít nhất thêm 5 năm đào tạo nữa. Do nguồn nhân lực thiếu thốn, việc cho các bác sĩ trẻ đi đào tạo dài hạn phải cân nhắc, có kế hoạch dài hơi, gặp nhiều khó khăn. Bác sĩ Thái Phương Phiên, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: Sau khi tiếp nhận, ngoài tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng, bệnh viện sẽ xem xét, đánh giá khả năng, năng lực của từng bác sĩ trẻ sau đó cho đi học định hướng chuyên khoa trong thời gian 9 tháng. Mặc dù đã rất nỗ lực nhưng thời gian qua, chỉ có thể cho 2 trong số bác sĩ trẻ thu hút được đi đào tạo sau đại học.
Như vậy, để thu hút thêm nhiều thầy thuốc về làm việc, ngành Y tế nói chung và Bệnh viện Đa khoa tỉnh cần có những giải pháp hợp lý giải quyết những khó khăn trên. Bác sĩ Lê Minh Định, Giám đốc Sở Y tế cho biết: Hiện sở cũng đang xây dựng tờ trình để HĐND tỉnh xem xét tại kỳ họp HĐND tỉnh sắp đến về các giải pháp thu hút nguồn nhân lực của ngành Y tế. Trong đó, ngành đề nghị tỉnh tăng mức tiền hỗ trợ ban đầu cho cán bộ y tế thu hút, tạo điều kiện về nơi ăn, chốn ở, đặc biệt các bác sĩ, dược sĩ, cử nhân… được thu hút về sẽ được tuyển thẳng mà không qua quy trình xét tuyển như hiện nay nhằm tăng thêm sức hút, thực hiện mục tiêu đến năm 2020 xây dựng nguồn nhân lực y tế đủ về số lượng, bảo đảm về chất lượng, nâng cấp Bệnh viện Đa khoa tỉnh lên bệnh viện hạng 1 theo kế hoạch đề ra.
Uyên Thu