Ông Nguyễn Hữu Lương, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phước Hải cho biết: Nơi đây khá thích nghi với cây trồng ngắn ngày, nên vào tháng 8-2014, xã quyết định thành lập “Tổ hợp tác RAT Bàu Ấu” với 13 thành viên tham gia. Đến nay, diện tích đã nâng lên 5,3 ha, mang lại hiệu quả kinh tế cao, đời sống nông dân được cải thiện nhiều.
Nông dân Trần Tấn Thái chăm sóc vườn măng tây.
Anh Trần Tấn Thái, Tổ trưởng Tổ hợp tác RAT cho biết: Trước kia, khu vực này là một bãi đất trống, không trồng được cây gì. Khi nghe xã thông tin sẽ thành lập Tổ hợp tác RAT, tôi đăng ký tham gia. Nhờ định hướng của tổ hợp tác, trên 6 sào đất cằn cỗi đó, tôi đầu tư trồng măng tây, dưa hấu… trừ chi phí sản xuất, thu nhập khoảng 150 triệu đồng/năm.
Khi tham gia thành viên Tổ hợp tác RAT, bà con được tập huấn về cách phun thuốc phòng ngừa sâu bệnh, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản… theo phương pháp VietGAP. Trước tình trạng khô hạn kéo dài, hầu hết thành viên đã chủ động khoan giếng, đào ao, lắp đặt hệ thống phun tưới tiết kiệm,… nên cây trồng tăng trưởng tốt. Nhiều thành viên cho hay, khi tham gia vào Tổ hợp tác RAT, thu nhập tăng lên, đời sống được cải thiện đang kể. Điều đáng biểu dương là bà con đã nỗ lực mang đến cho vùng “cát trắng” khô cằn một sức sống mới.
Mặc dù thời tiết trên địa bàn tỉnh ta đang nắng hạn nhưng màu xanh từ những vùng sản xuất của Tổ hợp tác RAT ở đây đã mở ra triển vọng mới cho việc chuyển đổi cây trồng phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng và với nhiều sáng tạo trong sản xuất của nông dân, không ngừng nâng cao năng suất cây trồng, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương ngày càng phát triển.
Phan Hiếu