Tại phiên khai mạc hội thảo về kế thừa thành tựu của Việt Nam trong thực hiện các mục tiêu phát triển thiên niên kỉ (MDGs) cho chương trình nghị sự phát triển sau năm 2015 với các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs), chiều 17/4, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định: Việt Nam luôn chú trọng ưu tiên đầu tư cho y tế, giáo dục, thông tin... và các dịch vụ xã hội khác cho mọi người dân, nhất là cho trẻ em, phụ nữ và người dân, đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng khó khăn.
Hội thảo về phát triển bền vững sau năm 2015 nhận được nhiều quan tâm của cộng đồng quốc tế. Ảnh: VGP/Đình Nam
Sau nhiều nỗ lực và nhờ sự giúp đỡ của cộng đồng quốc tế, nhiều chỉ tiêu của MDGs ở Việt Nam đã về đích sớm, tạo đà để cơ bản hoàn thành tất trong năm 2015 và chuẩn bị cho các bước phát triển tiếp theo.
Từ thực tiễn Việt Nam, Phó Thủ tướng cho rằng chương trình thực hiện MDGs là đóng góp thiết thực nhất, ý nghĩa nhất cho công tác xóa đói giảm nghèo tại các nước đang phát triển.
Tuy nhiên, không ít nơi trên thế giới vẫn còn phải đối mặt với nguy cơ xung đột, thậm chí chiến tranh, cũng như nhiều yếu tố mới mang tính toàn cần như: Thay đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh… Đa phần nguyên nhân của tình trạng này do chính con người gây ra từ những hành vi ứng xử, thói quen sinh hoạt thiếu khoa học đến những chính sách phát triển, những hành vi như phá rừng, khai thác cạn kiệt nguồn tài nguyên, xả khí thải công nghiệp…
“Để cho thế giới hòa bình, không còn đói nghèo, để cho hành tinh xanh và bền vững chúng ta cần trách nhiệm, cần sự chung tay của tất cả cộng đồng thế giới”, Phó Thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Chính phủ Việt Nam luôn hết sức ủng hộ, đồng hành cùng sáng kiến
về Chương trình nghị sự phát triển sau năm 2015 của Liên Hợp Quốc. Ảnh: VGP/Đình Nam
Vì vậy, việc đánh giá những kết quả, chia sẻ kinh nghiệm trong việc thực hiện MDGs góp phần tạo nền móng, tạo đồng thuận trong cộng đồng quốc tế để cùng quyết tâm củng cố những kết quả và hướng tới Chương trình nghị sự phát triển sau năm 2015.
Với ý nghĩa đó, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định Chính phủ Việt Nam luôn hết sức ủng hộ, đồng hành cùng sáng kiến về Chương trình nghị sự phát triển sau năm 2015 của Liên Hợp Quốc. Các cơ quan của Chính phủ Việt Nam đã, đang và sẽ nỗ lực cùng với tất cả các bạn thảo luận, xây dựng mục tiêu nhưng quan trọng hơn nữa là cách tiếp cận, giải pháp sao cho thiết thực, phù hợp với điều kiện của các nước đang phát triển.
Tại hội thảo, Thủ tướng Na Uy Erna Solberg chúc mừng những thành tựu to lớn mà Việt Nam đạt được trong việc thực hiện MDGs. Khi Việt Nam không chỉ xóa đói giảm nghèo thành công, cải thiện về y tế và giáo dục mà còn là nguồn cảm hứng cho các cuộc thảo luận về phát triển trên toàn cầu.
Thủ tướng Na Uy Erna Solberg: Những thành tựu thực hiện MDGs của Việt Nam là nguồn cảm hứng
cho các cuộc thảo luận về phát triển trên toàn cầu.. Ảnh: VGP/Đình Nam
Chia sẻ kinh nghiệm về cách tiếp cận và các hoạt động chuẩn bị cho SDGs, bà Erna Solberg cho biết Na Uy ưu tiên đạt được các mục tiêu về tỷ lệ tử vong ở bà mẹ khi sinh, tỷ lệ tử vong trẻ sơ sinh và sức khoẻ tình dục và sức khoẻ sinh sản, tăng cường tập trung vào các bệnh dịch không lây lan trong các chính sách phát triển trong và ngoài nước. Đồng thời, chủ động hợp tác để thúc đẩy bình đẳng giới trong cả lĩnh vực giáo dục, đây không chỉ là vấn đề nhân quyền mà rất có ý nghĩa kinh tế:
“Các mục tiêu phát triển bền vững sẽ phổ cập trên toàn cầu và áp dụng trong mọi quốc gia, sau năm 2015 chúng ta cần tập trung vào tính bền vững trong một loạt các lĩnh vực. Cần tăng cường nỗ lực nhằm thúc đẩy bình đẳng, phát triển dành cho mọi người và tạo nhiều việc làm, môi trường đầu tư, chuyển đổi nền kinh tế và quản trị tốt. Đặc biệt, tập trung vào các nhóm dễ bị tổn thương, các nhóm người dân bị ảnh hưởng do xung đột và khủng hoảng, những người dễ bị gạt ra bên lề nhất. Chúng ta phải làm mọi thứ trong khả năng để không ai bị bỏ lại phía sau", bà Solberg nói.
Đến nay đã có 17 Mục tiêu phát triển bền vững mới đầy tham vọng được đề xuất, từ xoá bỏ nghèo đói, đến tăng trưởng và phát triển công bằng, bền vững, bảo vệ môi trường và thúc đẩy xã hội hoà bình và dành cho tất cả mọi người.
* Trước đó, Thủ tướng Na Uy Erna Solberg, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chứng kiến lễ ký kết giữa Điều phối viên thường trú của Liên Hợp Quốc tại Việt Nam Pratibha Mehta và Đại sứ Na Uy tại Việt Nam Siren Gjerme Eriksen về khoản tài trợ của Na Uy trị giá 1,28 triệu USD cho Quỹ Một kế hoạch chung II của Liên Hợp Quốc tại Việt Nam.
Nguồn www.chinhphu.vn