Về mô hình tổ chức chính quyền địa phương (CQĐP) tại địa bàn đô thị, nông thôn, trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho biết, đây là vấn đề các ý kiến còn rất khác nhau, do đó, trên cơ sở tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo 2 phương án về tổ chức chính quyền địa phương để các vị đại biểu Quốc hội tiếp tục thảo luận như sau:
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: dangcongsan.vn)
Phương án 1: Tất cả các đơn vị hành chính quy định tại khoản 1 Điều 110 của Hiến pháp năm 2013 đều tổ chức cấp chính quyền địa phương (gồm HĐND và UBND) nhưng làm rõ trong Luật Tổ chức chính quyền địa phương những điểm khác biệt về cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương ở nông thôn, đô thị và hải đảo.
Phương án 2: Các đơn vị hành chính như tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương, xã, thị trấn đều tổ chức cấp chính quyền địa phương (gồm Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân). Riêng ở phường, do đặc điểm đô thị, không tổ chức cấp chính quyền địa phương, chỉ tổ chức UBND để thực hiện nhiệm vụ của chính quyền địa phương tại phường.
Hiện tại, đa số các ý kiến tán thành với phương án 1 và dự thảo Luật cũng đang được thể hiện theo hướng này.
Nhất trí cao với phương án 1, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Danh Út cho rằng, phương án này đúng với quy định của Hiến pháp, phù hợp với Điều 2, Điều 6 của Hiến pháp. Theo Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Danh Út, nếu lựa chọn phương án 2 là không tổ chức HĐND ở cấp phường không mang lợi ích cho quốc gia, làm đảo lộn bộ máy hành chính, không bảo đảm quyền dân chủ của nhân dân, khó bảo đảm hiệu quả giám sát của HĐND đối với chính quyền phường.
Đồng quan điểm, đại biểu (ĐB) Phạm Ngọc Tuấn, Thường trực HĐND Đồng Nai cũng cho rằng, nên tổ chức HĐND ở các cấp để bảo đảm tính ổn định của tổ chức bộ máy nhà nước, không làm xáo trộn mô hình tổ chức chính quyền địa phương hiện nay; thể hiện sự thống nhất giữa việc phân chia đơn vị hành chính với việc thiết lập tổ chức chính quyền địa phương ở các đơn vị hành chính đó và cũng phù hợp với tổ chức của hệ thống chính trị hiện nay của nước ta.
Chỉ ra chủ trương thí điểm không tổ chức bộ máy chính quyền địa phương (CQĐP) tại HĐND cấp quận, huyện, phường thời gian qua còn đang nhiều ý kiến khác nhau, kết quả chưa đạt như mong đợi, đại biểu, nhân dân chưa có nhiều thông tin đầy đủ về việc thực hiện chủ trương này, ĐB Tô Văn Tám (KonTum) cho rằng, cần nghiên cứu kỹ khi đưa thí điểm thực hiện chính quyền đô thị tại Dự thảo Luật lần này.
Tuy nhiên, ĐB Nguyễn Thanh Thủy (Hậu Giang) lại nêu quan điểm: Dự thảo Luật phải làm rõ chức năng, nhiệm vụ của CQĐP từng cấp, những điểm giống nhau, khác nhau của từng mô hình như: hải đảo, nông thôn…trên cơ sở đó chọn mô hình CQĐP như thế nào để phát huy hiệu quả.
Theo ĐB Nguyễn Thanh Thủy, chưa phương án nào hoàn hảo. Bởi không thể cho rằng lựa chọn phương án 2 thì bảo đảm bộ máy tinh gọn và phát huy hiệu quả hơn. Còn chọn phương án 1 nếu không khắc phục bất cập hạn chế hiện nay, trong đó phải kể đến hoạt động của HĐND cấp huyện và xã, còn mang tính hình thức thì không bảo đảm phát huy hiệu lực, hiệu quả. “ Dự thảo Luật cần phải khắc phục được vấn đề này”, ĐB Thủy nói.
ĐB Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh) đề xuất, mạnh dạn tiến tới tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, cấp tỉnh và cấp cơ sở, nhằm tăng dân chủ cho cơ sở, thực quyền cho nhân dân. “Nếu theo phương án này thì sẽ không xáo trộn và không ảnh hưởng gì tới hệ thống chính trị”, ĐB Trần Du Lịch nói.../.
Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam