Lực lượng “đặc biệt tinh nhuệ” góp công trong Đại thắng mùa Xuân 1975

Trong Đại thắng mùa Xuân 1975, Bộ đội Đặc công - lực lượng đặc biệt tinh nhuệ của Quân đội ta - đã chiến đấu anh dũng, mưu trí sáng tạo, lập được nhiều chiến công xuất sắc, góp phần to lớn cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Theo Thiếu tướng Đỗ Thanh Bình, Tư lệnh Binh chủng Đặc công, nghệ thuật sử dụng lực lượng đặc công tác chiến trong Chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975 đạt đến đỉnh cao trong chiến tranh giải phóng. Công tác tổ chức lực lượng và chuẩn bị thế trận để tham gia chiến dịch hiệp đồng binh chủng quy mô lớn được tiến hành chu đáo, có hiệu quả nhất.

Bộ đội Đặc công Rừng Sác. Nguồn ảnh: Cổng TTĐT Bộ Quốc phòng

Trong Chiến dịch Tây Nguyên

Thực hiện quyết tâm chiến lược của Bộ Chính trị, Bộ Tổng Tư lệnh quyết định sử dụng lực lượng chủ lực mạnh (1 quân đoàn tăng cường) mở Chiến dịch Tây Nguyên, đánh chiếm thị xã Buôn Ma Thuột, giải phóng tỉnh Đắk Lắk và toàn bộ địa bàn chiến lược Tây Nguyên.

Thị xã Buôn Ma Thuột được chọn làm mục tiêu chủ yếu, đồng thời là trận then chốt mở màn chiến dịch. Nhiệm vụ của các đơn vị đặc công là: Luồn sâu, đánh chiếm giữ một số mục tiêu quan trọng trên hướng chủ yếu ở Buôn Ma Thuột, nghi binh, kiềm chế, chia cắt địch ở Pleiku, Kon Tum.

Từ ngày 4-9/3/1975, bộ đội ta tác chiến nghi binh tạo thế, triển khai lực lượng, chia cắt chiến dịch. Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho trận then chốt mở đầu chiến dịch, đêm ngày 8 rạng ngày 9/3/1975, Tiểu đoàn Đặc công của Sư đoàn 10 tiến hành luồn sâu vào mỏm B (chi khu Đức Lập) đồng loạt nổ súng.

Sau 2 giờ chiến đấu, quân ta đã làm chủ hoàn toàn mỏm B để chủ lực triển khai hỏa lực (pháo 85 mm) bắn thẳng vào chi khu Đức Lập, tạo điều kiện cho bộ binh đánh chiếm toàn bộ chi khu vào ngày 10/3.

Trên hướng tiến công chủ yếu, đêm ngày 9, rạng ngày 10/3/1975, các Tiểu đoàn 4, 5, 27 của Trung đoàn Đặc công 198 bất ngờ, đồng loạt tiến công sân bay thị xã, kho đạn Mai Hắc Đế, sân bay Hòa Bình, hậu cứ Trung đoàn 44, căn cứ Trung đoàn 53 của quân ngụy.

Sau khi tiến công, các đơn vị đã tổ chức chiếm giữ mục tiêu, kiên cường bám trụ đánh bại nhiều đợt phản kích của địch, tạo bàn đạp thuận lợi cho binh chủng hợp thành tiến công giải phóng thị xã Buôn Ma Thuột.

Trong Chiến dịch Tây Nguyên, đặc công đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, góp phần quan trọng vào thắng lợi chung của chiến dịch; đồng thời bổ sung, phát triển lý luận về nghệ thuật tác chiến và sử dụng đặc công trong chiến dịch tiến công; tác chiến binh chủng hợp thành; sử dụng đặc công tiến công đồng loạt các mục tiêu chủ yếu, quan trọng trong các trận then chốt, then chốt quyết định và chiếm giữ mục tiêu... làm cơ sở cho chỉ đạo hoạt động tác chiến tiếp theo trên các chiến trường.

Giải phóng quần đảo Trường Sa

Ngày 5/4/1975, Bộ Tổng Tư lệnh quyết định sử dụng lực lượng đặc công và hải quân giải phóng các đảo thuộc quần đảo Trường Sa.

Thực hiện mệnh lệnh của Bộ Tổng Tư lệnh, Bộ Tư lệnh Hải quân điều gấp 4 tàu của Đoàn 125 và lực lượng đặc công của Đoàn đặc công nước 126 từ Hải Phòng vào Đà Nẵng.

Ngày 14/4, Đội 4 (Đoàn đặc công nước 126) giải phóng đảo Song Tử Tây. Tiếp theo, từ ngày 21/4, ta giải phóng đảo Côn Sơn, rồi Nam Yết, Sinh Tồn, Trường Sa, An Bang. Ngày 29/4, quân ta giải phóng hoàn toàn các đảo do quân ngụy Sài Gòn chiếm giữ.

Quyết tâm giải phóng các đảo thuộc quần đảo Trường Sa là một chủ trương nhạy bén, kịp thời của Đảng ta, là thắng lợi có ý nghĩa chiến lược góp phần vào Đại thắng mùa Xuân 1975.

Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh

Ngày 31/3/1975, Bộ Chính trị Trung ương Đảng họp quyết định mở chiến dịch quyết chiến chiến lược cuối cùng nhằm đánh bại toàn bộ lực lượng địch còn lại, giải phóng Sài Gòn, giải phóng hoàn toàn miền Nam, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Chiến dịch lịch sử giải phóng Sài Gòn - Gia Định mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Đặc công được giao nhiệm vụ đánh chiếm và giữ 14 cây cầu (Rạch Bà, Biên Hòa, Rạch Chiếc, Tân Cảng, Bình Phước, Tân An, Chợ Mới, cầu Sắt, cầu Bông, cầu Sáng, Bà Hom, Nhị Thiên Đường, cầu Ghềnh, Rạch Cát) và 6 căn cứ án ngữ cửa ngõ Sài Gòn; bắn phá sân bay Tân Sơn Nhất, đánh chiếm cảng Nhà Bè, chia cắt sông Lòng Tàu, tạo thuận lợi và bảo đảm đường cơ động cho bộ đội binh chủng hợp thành thần tốc tiến công, đánh chiếm những mục tiêu quan trọng bên trong nội đô, hỗ trợ quần chúng nổi dậy.

Trong chiến dịch, ta đã sử dụng tập trung một lực lượng đặc công lớn đảm nhiệm vai trò như một lực lượng đột phá, thực hiện nhiệm vụ tiến công các mục tiêu hiểm yếu, quan trọng trong chiều sâu chiến dịch, tạo đầu cầu, bàn đạp cho chủ lực tiến công. Đặc công tác chiến ở địa bàn chiến lược trọng điểm, địa hình là thành phố lớn, nhiều sông, rạch, sình lầy, có nhiều cầu cống trên các trục đường chính, nhiều căn cứ án ngữ lợi hại. Địch tập trung lực lượng lớn, bố phòng vững chắc, ngoan cố phòng giữ sào huyệt cuối cùng... Vì thế, Bộ Chỉ huy chiến dịch đã đề ra cách đánh bảo đảm cho cuộc tổng công kích vào Sài Gòn một cách nhanh nhất, ít tổn hại đến sinh mạng của bộ đội và nhân dân, ít tổn hại đến tài sản và nhanh chóng làm chủ, ổn định được tình hình sau chiến thắng.

Chiến dịch Hồ Chí Minh khẳng định Bộ đội Đặc công là một thành phần quan trọng của chiến dịch hiệp đồng binh chủng quy mô lớn, một lực lượng không thể thiếu trong các cuộc tổng tiến công và nổi dậy.

Mặc dù thời gian chuẩn bị trong giai đoạn của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 đều rất gấp, chúng ta phải “thần tốc” để chớp thời cơ, nhưng cơ quan tham mưu chiến dịch đều xây dựng được kế hoạch sử dụng đặc công. Do có kế hoạch nên việc tổ chức các lực lượng đặc công rất chặt chẽ, nhiệm vụ các đơn vị rất rõ ràng, các mục tiêu được phân công cụ thể, thời gian, tín hiệu hiệp đồng được quy định trước.

Đây thực sự là bước phát triển quan trọng của nghệ thuật sử dụng đặc công trong chiến đấu hiệp đồng quân, binh chủng.

Nguồn chinhphu.vn