Bẻ gãy cuộc phản công chiến lược lần thứ nhất của Mỹ

Đến hết năm 1965, lực lượng viễn chinh Mỹ và quân chư hầu ở miền Nam đã lên tới hàng chục vạn tên. Lực lượng bộ binh có 13 sư đoàn, 5 trung đoàn và 30 tiểu đoàn, với hơn 2000 máy bay các loại. Đế quốc Mỹ mở cuộc phản công chiến lược mùa khô năm 1965-1966 với mục tiêu là đánh bại chủ lực của ta để củng cố ngụy quyền tay sai. Hai hướng chiến lược được Mỹ lựa chọn là đồng bằng Khu 5 và miền Đông Nam Bộ.

Một đơn vị súng ĐK75 quân giải phóng đã lập thành tích xuất sắc bắn tan xác 13 xe bọc thép của Mỹ,
mùa khô 1965-1966 (Ảnh tư liệu Bảo tàng Lịch sử quốc gia)

Để thực hiện đợt phản công này, Mỹ-ngụy đã tổ chức tới 450 cuộc hành quân lớn nhỏ. Cuộc nhỏ nhất là có 3 tiểu đoàn tham gia. Cuộc lớn nhất lên tới 21 tiểu đoàn. Trên chiến trường, địch muốn tập trung lực lượng phản công, tiêu diệt chủ lực ta theo tính chất dứt điểm từng khu vực. Nhưng bằng nhiều hình thức, phương pháp tác chiến khác nhau, ta đã buộc địch phải phân tán lực lượng, đưa chúng vào thế bị động đối phó. Ta buộc địch đang từ ý định phản công giành thế chủ động quay về thế buộc phải phòng ngự. Với các trận đánh lớn như: Trận chống càn ở Củ Chi (Gia Định), trận Phú Yên, trận tập kích Nhà Đỏ-Bông Trang (Thủ Dầu Một), trận Đồng Giáp (Quảng Ngãi)… ta đã tiêu diệt hàng chục nghìn tên địch, bắn rơi hàng trăm máy bay, bắn cháy và phá hủy hàng trăm xe tăng, xe bọc thép của địch. Cùng với việc đánh bại các cuộc hành quân lớn của địch, ta chủ trương đưa chiến tranh vào sâu trong hậu cứ của chúng. Với các trận tập kích táo bạo vào khách sạn Vích-to-ri-a, tập kích hỏa lực vào sân bay Chu Lai, sân bay Tân Sơn Nhất… ta đã vừa tiêu hao, tiêu diệt sinh lực địch, phá hủy phương tiện chiến tranh của địch, vừa làm cho chúng “ăn không ngon, ngủ không yên”.

Kết thúc đợt tác chiến mùa khô năm 1965-1966, năm đầu tiên quân viễn chinh Mỹ và chư hầu vào miền Nam Việt Nam, địch đã bị loại khỏi vòng chiến đấu hàng trăm nghìn tên. Ta đã bắn rơi, phá hủy 1.430 máy bay, 600 xe tăng, xe thiết giáp cùng nhiều phương tiện chiến tranh khác của chúng.

Viết về chiến thắng mùa khô năm 1965-1966, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã khẳng định: “Ý nghĩa rất quan trọng của thắng lợi lớn này là: Chúng ta đã chiến thắng “chiến tranh cục bộ” của Mỹ-ngụy ngay từ đầu; quân và dân miền Nam ta chẳng những đã tiếp tục đánh thắng và làm tan rã quân ngụy mà còn đánh thắng hiệp đầu quân viễn chinh Mỹ, một quân đội hùng mạnh và hiện đại nhất của thế giới tư bản. Chúng ta đã giành thắng lợi cả về chính trị và quân sự, và chủ yếu đó là thắng lợi quân sự. Chiến thắng này một lần nữa chứng minh rằng, đường lối chính trị của ta đã thắng và sẽ toàn thắng đường lối chính trị xâm lược thực dân kiểu mới của Mỹ; đường lối quân sự, chiến lược, chiến thuật của chúng ta đã thắng và sẽ toàn thắng chiến lược, chiến thuật “chiến tranh cục bộ” của Mỹ”.

Từ tháng 6-1966, ta tiếp tục mở mặt trận Đường số 9-Bắc Quảng Trị, thành lập Quân khu Trị-Thiên để vừa cắt đứt các đường giao thông chiến lược của địch đồng thời tiêu diệt một phần lớn lực lượng địch trên địa bàn, tạo thời cơ chín muồi cho tổng công kích. Trong suốt 3 tháng hoạt động (từ tháng 6 đến tháng 9-1966), các lực lượng trên Mặt trận Đường số 9-Bắc Quảng Trị đã loại khỏi vòng chiến đấu 8.700 tên địch, giải phóng 400 thôn, xã với 40 vạn dân. Hiệu quả tác chiến trên Mặt trận Đường số 9-Bắc Quảng Trị cùng với chiến thắng mùa khô 1965-1966 trên toàn miền Nam đã tạo ra bước nhảy vọt trên chiến trường có lợi cho ta và khiến quân viễn chinh Mỹ dần lún sâu vào thế sa lầy trên chiến trường.

Nguồn Báo điện tử Quân đội nhân dân