Giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật tổ chức Chính phủ (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý cho hay, về cơ cấu tổ chức của Chính phủ hiện có 2 loại ý kiến, một là tán thành không quy định trong Luật số lượng, tên gọi cụ thể của các bộ, cơ quan ngang bộ; hai là đề nghị ghi cụ thể vấn đề này ngay trong Luật.
Trước 2 loại ý kiến khác nhau, Ủy ban thường vụ Quốc hội nghiêng về ý kiến không quy định cứng số lượng, tên gọi của các bộ, cơ quan ngang bộ trong Luật, vì cho rằng sẽ tạo điều kiện chủ động hơn trong việc quy định cơ cấu của Chính phủ nhằm đảm bảo phù hợp với thực tiễn yêu cầu từng thời kỳ phát triển của đất nước. Hơn nữa, đầu nhiệm kỳ của mỗi khóa Quốc hội, Quốc hội sẽ quyết định cụ thể số lượng, tên gọi của các bộ, cơ quan ngang bộ cho nhiệm kỳ đó.
Đại biểu Lê Nam Thanh Hoá phát biểu ý kiến. (Ảnh: TTXVN)
Góp ý vấn đề này, đại biểu Lê Nam (Thanh Hóa) cho rằng cần phải quy định cụ thể số lượng, tên gọi của bộ, cơ quan ngang bộ ngay trong Luật để bảo đảm tính ổn định cho cơ cấu của Chính phủ, nếu cần thêm hay phải bớt số lượng các bộ thì cũng quy định luôn trong Luật, nếu không sẽ để lại khoảng trống lớn trong luật.
Ngoài ra, ĐB Lê Nam cho rằng, cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng đang được xem là nhiệm vụ cấp bách, thế nhưng vai trò của Chính phủ trong công tác phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí như trong Luật hết sức mờ nhạt; chưa thấy được nhiệm vụ cụ thể của Thủ tướng, các thành viên Chính phủ trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng mà đáng lẽ đây phải là nhiệm vụ hàng đầu. Do vậy, ĐB Lê Nam đề nghị Luật cần làm nổi bật vai trò nhiệm vụ và quyền hạn của Chính phủ trong phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí.
Nhiều ý kiến các vị đại biểu Quốc hội đề nghị quy định rõ hơn về nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ; đề nghị cụ thể hóa quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ theo các khoản của Điều 96 của Hiến pháp. Có ý kiến đề nghị rà soát lại quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ trong các lĩnh vực cụ thể để bảo đảm quy định đầy đủ bao quát nhưng tránh chồng chéo, trùng lặp.
Ngoài ra, các đại biểu đề nghị quy định rõ trong Luật số lượng cấp phó ở bộ, cơ quan ngang bộ và các đơn vị thuộc bộ, cơ quan ngang bộ. ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) góp ý số lượng tối đa thứ trưởng, phó thủ trưởng cơ quan ngang bộ chỉ là 4, trừ Bộ Quốc phòng, Bộ Công an là 5; cấp phó của tổng cục tối đa là 3; cấp phó của vụ là 2, vì như vậy để bảo đảm hiệu quả công việc, quan trọng hơn là phải lựa chọn con người. Nếu cứ chạy theo số lượng, dễ biến tướng như “hàm vụ trưởng”, “hàm vụ phó”, do đó phải quy định cứng và thực hiện nghiêm. Mặt khác, ĐB Bá Thuyền cũng đề nghị phải quy định luôn số lượng Phó Thủ tướng vào trong Luật.
Về phân cấp của Chính phủ và bộ, cơ quan ngang bộ với chính quyền địa phương, ĐB Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh) đề nghị phải thực hiện theo nguyên tắc việc gì cấp dưới làm tốt, thì cấp trên không làm; cấp trên quản lý nhà nước, không làm việc cụ thể. Mặt khác, để hạn chế thực trạng đùn đẩy việc giữa trung ương và địa phương, thì cần phải phân quyền, phân cấp hay ủy quyền cụ thể cho địa phương, Chính phủ chỉ kiểm tra, giám sát, không làm thay việc.
Một số ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị quy định rõ trong Luật về vai trò và trách nhiệm của Thủ tướng Chính phủ trong bộ máy nhà nước. Có ý kiến đề nghị bổ sung một số quy định về thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ trong việc giao quyền Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ trong trường hợp khuyết Bộ trưởng hoặc Thủ trưởng cơ quan ngang bộ trong khi chờ Quốc hội phê chuẩn và Chủ tịch nước bổ nhiệm; cũng như tạm thời giao quyền Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong trường hợp chưa bầu được Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Ngược lại, ý kiến khác đề nghị không bổ sung thẩm quyền này./.
Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam