Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu khai mạc hội nghị. (Ảnh: TTXVN)
Phát biểu khai mạc hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho biết: Còn hơn 1 tháng nữa, Quốc hội sẽ khai mạc Kỳ họp thứ 9. Kỳ họp có thành công hay không tùy thuộc vào công tác chuẩn bị của các cơ quan của Quốc hội, của các đại biểu Quốc hội và đặc biệt là các đại biểu chuyên trách.
Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao nỗ lực của các cơ quan của Chính phủ, các cơ quan hữu quan đã nỗ lực phối hợp các cơ quan của Quốc hội xây dựng các dự án luật, nhất là triển khai thi hành Hiến pháp 2013. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nêu rõ: Tại hội nghị này, các đại biểu sẽ cho ý kiến vào 4 dự án Luật bao gồm: Dự án Luật Ban hành văn bản pháp luật, Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi); Luật Tổ chức chính quyền địa phương và Luật Ngân sách Nhà nước (sửa đổi). Riêng với dự án Luật tổ chức chính quyền địa phương, các đại biểu sẽ dành một ngày để thảo luận và phiên thảo luận sẽ được truyền hình trực tuyến tới 63 tỉnh, thành phố trong cả nước.
Sau phiên khai mạc, tại phiên họp sáng nay, các đại biểu thảo luận về một số vấn đề lớn, còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Ban hành văn bản pháp luật bao gồm phạm vi điều chỉnh và tên gọi của Luật; thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền địa phương và của một số cơ quan, tổ chức; Về kiến nghị, đề nghị về luật, pháp lệnh của đại biểu Quốc hội và việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, pháp lệnh, nghị quyết.
Hội nghị đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý báo cáo về một số vấn đề lớn trong giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Ban hành văn bản pháp luật (sửa đổi). Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý, qua nghiên cứu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đề nghị Quốc hội cho giữ phạm vi điều chỉnh của Luật là điều chỉnh việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đồng thời đổi tên là Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật cho phù hợp với phạm vi điều chỉnh và thống nhất với tên gọi của dự án Luật, thống nhất với yêu cầu ban hành Luật hợp nhất giữa hai luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật của trung ương và địa phương như được đề ra khi Quốc hội quyết định Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh.
Đối với cấp xã, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị không giao cho cấp này thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật vì đây là cấp cơ sở có trách nhiệm triển khai thực hiện pháp luật. Hơn nữa thực tế cho thấy, trước đây, có nhiều văn bản quy phạm pháp luật loại này chỉ sao chép văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên, thậm chí không đúng với văn bản cơ quan cấp trên.
Theo đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) đề nghị, giữ quy định thông tư liên tịch như một loại văn bản quy phạm pháp luật. Với việc thành lập Hội đồng tư vấn chính sách pháp luật. Đây là trách nhiệm của Bộ Tư pháp, chính xác là Ban soạn thảo, từng thành viên ban soạn thảo. Cần tránh việc đẩy trách nhiệm cho tập thể. Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Bá Thuyền đề nghị trao trách nhiệm giải trình tiếp thu cho Ban soạn thảo, thay vì giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội như hiện nay.
Tuy nhiên, cũng có một số ý kiến không tán thành với đề nghị này và cho rằng, chính quyền cấp xã là đại diện cơ quan quản lý Nhà nước tại cơ sở. Vì vậy vẫn cần có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật để đảm bảo chức năng của cơ quan quản lý Nhà nước. Các ý kiến cho rằng, việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật ở cấp xã còn hạn chế là do năng lực cán bộ, chứ không phải do không có nhu cầu ban hành văn bản quản lý Nhà nước ở địa phương. Do đó, cần quy định thẩm quyền này cho cấp xã.
Tuy nhiên, theo các đại biểu chuyên trách, cần phải có sự cân nhắc thận trọng đối với vấn đề này để tránh tình trạng chính quyền cấp xã gặp nhiều khó khăn trong thực thi chức trách, nhiệm vụ bởi không có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Nếu cho rằng chất lượng ban hành của UBND cấp xã còn thấp, chưa đảm bảo, còn sao chép thì phải tạo cơ chế tìm giải pháp khắc phục chứ không phải là ngừng giao quyền.
Một số ý kiến cho rằng, Dự thảo luật sửa đổi lần này cần xác định rõ nguyên tắc về thẩm quyền ban hành văn bản lập pháp với thẩm quyền lập quy. Cụ thể, thẩm quyền lập quy thuộc cơ quan nào dưới Quốc hội phải được quy định chi tiết trong chính Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật./.
Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam