Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội Ksor Phước phát biểu ý kiến. (Ảnh: TTXVN)
Tham gia thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý đánh giá cao nội dung Báo cáo kết quả giám sát, cho rằng, Báo cáo khá công phu, phân tích rõ tình hình oan, sai trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử. Tuy nhiên, về nguyên nhân tình hình oan sai, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý đề nghị làm rõ, đâu là nguyên nhân khách quan, chủ quan...
Đồng thời, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý đề nghị cân nhắc con số % tỷ lệ Quốc hội giao sẽ đưa vào Nghị quyết về “Tăng cường các biện pháp phòng, chống oan, sai và bảo đảm bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự” như: Bảo đảm 100% trường hợp khởi tố bị can, bắt tạm giam có căn cứ, đúng pháp luật; không để xảy ra lạm dụng tạm giam đối với bị can về tội ít nghiêm trọng; bảo đảm 100% trường hợp truy tố đúng người, đúng tội, đúng pháp luật; triệt để khắc phục các trường hợp đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án miễn trách nhiệm hình sự không đúng quy định tại Điều 25 của Bộ luật Hình sự, vì cho rằng, sẽ gây khó khăn trong thực hiện.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước cũng đồng tình đánh giá cao Báo cáo kết quả giám sát đã nêu được tình hình oan, sai trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử và phần kiến nghị khá toàn diện. Theo Chủ tịch Hội đồng dân tộc Ksor Phước, Quốc hội phải thể hiện sự kiên quyết đối với oan sai và cơ quan chức năng phải khẩn trương xem xét ngay khi các vụ việc nổi lên.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước đề nghị, phải tăng cường trách nhiệm người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo các đơn vị đối với từng vụ án và phải cách chức những cán bộ có trách nhiệm để oan sai quá nhiều, hay dung túng cho cấp dưới cùng tham gia bức cung, nhục hình. Đồng thời, kiến nghị các ngành Công an, Viện kiểm sát, Tòa án cần phải phối hợp chặt chẽ, lên kế hoạch và tập trung vào giải quyết vấn đề oan sai, đề ra biện pháp phòng ngừa hiệu quả, cùng đánh giá, rút kinh nghiệm.
Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai nhìn nhận, số vụ oan sai 0,02% tỉ lệ không cao nhưng tính chất, tác động xã hội rất lớn. Vì vậy, Báo cáo cần có đánh giá tác động để rút kinh nghiệm và có biện pháp khắc phục.
Một số ý kiến đề nghị, cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát và Tòa án các cấp tiếp tục quán triệt sâu sắc Hiến pháp năm 2013 và các nghị quyết của Đảng, của Quốc hội về công tác tư pháp, nghiêm túc chấp hành pháp luật trong việc khởi tố, bắt, giam giữ, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự; không để người nào bị khởi tố, bị bắt, tạm giữ, tạm giam, bị điều tra, truy tố và xét xử trái pháp luật; không để xảy các trường hợp làm oan người vô tội do hình sự hóa các quan hệ hành chính, dân sự, kinh tế hoặc bỏ lọt người phạm tội do hành chính hóa các quan hệ hình sự.
Đồng thời, đề nghị Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Đoàn đại biểu Quốc hội các địa phương tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, giám sát thường xuyên đối với hoạt động điều tra, truy tố, xét xử và việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong tố tụng hình sự; tích cực đôn đốc, yêu cầu và có những kiến nghị xác đáng, kịp thời để cơ quan có thẩm quyền chấn chỉnh, khắc phục các trường hợp oan, sai, bỏ lọt tội phạm./.
Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam