Công tác chính sách góp phần huy động sức mạnh to lớn của cả dân tộc

Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước có nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân quan trọng là Đảng, Nhà nước đã thực hiện tốt chính sách đối với quân đội và hậu phương quân đội (HPQĐ). Việc làm đó góp phần huy động được sức mạnh của toàn dân tộc để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược.

Trong suốt thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, tuy điều kiện đất nước còn nhiều khó khăn, song Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, cấp ủy, chính quyền các địa phương và nhân dân cả nước luôn dành sự quan tâm đặc biệt, có nhiều chủ trương, giải pháp lớn và phong trào hành động thiết thực nhằm thực hiện tốt các chính sách đối với quân đội và HPQĐ. Bởi vậy, đã kịp thời động viên sức người, sức của, xây dựng nhân tố chính trị-tinh thần và quyết tâm chiến đấu cho bộ đội; duy trì, phát huy nguồn lực con người của tiền tuyến lớn miền Nam và hậu phương lớn miền Bắc XHCN, phục vụ cho công cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà.

Thanh niên xung phong trong kháng chiến chống Mỹ. Ảnh minh họa/tư liệu.

Có được những thành tựu trong thực hiện chính sách đối với quân đội và HPQĐ thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, vấn đề đầu tiên là cấp ủy các cấp thường xuyên quán triệt các quan điểm, nguyên tắc chỉ đạo của Đảng, nắm vững thực tiễn chiến tranh, yêu cầu xây dựng, chiến đấu của quân đội, chủ động đề xuất, ban hành và thực hiện các chính sách đãi ngộ phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ của từng giai đoạn cách mạng, đặc thù hoạt động và chiến đấu của LLVT. Theo đó, ngay sau khi kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp; Đảng, Chính phủ tập trung chỉ đạo thực hiện các chính sách lớn, góp phần chấn chỉnh tổ chức lực lượng; ban hành mới các chính sách phục vụ nhiệm vụ xây dựng quân đội chính quy, quy định định lượng ăn cơ bản của bộ binh và quân binh chủng kỹ thuật; chế độ tiền lương và phụ cấp thâm niên, khu vực, phụ cấp đông con, phụ cấp chức vụ… Đặc biệt, để đáp ứng yêu cầu chiến tranh, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng kịp thời đề xuất Đảng, Nhà nước ban hành và liên tục bổ sung các chính sách đối với từng đối tượng, sát với thực tiễn. Cùng với đó, các cấp, ngành, các đơn vị còn làm tốt công tác giáo dục, động viên, khen thưởng chiến trường. Thực hiện các chủ trương trên góp phần quan trọng tạo nên động lực chính trị-tinh thần to lớn cho bộ đội chiến đấu và chiến thắng.

Cùng với đó, Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã tập trung chỉ đạo, thực hiện tốt chính sách thương binh, liệt sĩ (TB-LS). Kế thừa và phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, cùng kinh nghiệm trong kháng chiến chống Pháp, công tác chính sách TB-LS trong kháng chiến chống Mỹ được tiến hành với quyết tâm cao nhất. Việc cứu chữa, vận chuyển, điều trị, điều dưỡng thương binh được thực hiện với nỗ lực vượt bậc của nhiều cấp, ngành, nhiều tổ chức, lực lượng, với nhiều hình thức và thiết chế tổ chức linh hoạt, rộng khắp, đáp ứng yêu cầu của chiến tranh quy mô ngày càng lớn. Công tác liệt sĩ trở thành kỷ luật chiến trường, thể hiện trách nhiệm chính trị cao và tình cảm thủy chung của cán bộ, chiến sĩ quân đội. Hệ thống các chính sách ưu đãi đối với thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ được bổ sung, hoàn thiện và xã hội hóa ngày càng sâu rộng. Do làm tốt công tác TB-LS nên quân số và sức mạnh chiến đấu của từng đơn vị được duy trì, ngay cả trong những tình huống ác liệt. Đặc biệt, việc kết hợp chặt chẽ giữa công tác chính sách với công tác giáo dục chính trị tạo động lực tinh thần to lớn, biến đau thương thành hành động, nêu cao ý chí quyết tâm chiến đấu cho bộ đội; đồng thời, góp phần ổn định đời sống thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và tình hình ở các địa phương.

Thực hiện công tác chính sách trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước còn thể hiện rõ tính hiệu quả của việc huy động các nguồn lực xã hội. Theo đó, để góp phần khắc phục khó khăn cả về vật chất lẫn tinh thần, Đảng và Chính phủ chỉ đạo: “Nhất thiết không để một gia đình quân nhân nào không được chăm sóc, không một gia đình nào có khó khăn mà không được giúp đỡ thích đáng”; “Nhất thiết không để một người vợ quân nhân nào có khả năng lao động mà không có việc làm”. Với tinh thần ấy, từ hậu phương miền Bắc đến các vùng giải phóng, vùng địch hậu đều tăng cường củng cố thế trận, xây dựng các tiềm lực, tất cả đều hướng về tiền tuyến lớn miền Nam, cung cấp sức người, sức của, tạo sự động viên to lớn và niềm tin chiến thắng mãnh liệt cho công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất nước nhà.

Đặc biệt, trước yêu cầu và quy mô của chiến tranh, lực lượng được huy động và bổ sung cho chiến trường, số lượng gia đình quân nhân, thương binh, bệnh binh và gia đình liệt sĩ cần được chăm sóc ngày càng lớn. Vì vậy, các cấp, các ngành và nhân dân các địa phương đã có nhiều phong trào, hình thức, biện pháp, phong phú hỗ trợ, chăm sóc kịp thời, chu đáo, kịp thời động viên cán bộ, chiến sĩ ngoài mặt trận giữ vững tinh thần chiến đấu; ổn định đời sống gia đình quân nhân và củng cố HPQĐ. Các lực lượng làm công tác chính sách, ngành Chính sách Quân đội không ngừng được kiện toàn, bổ sung; bám sát yêu cầu nhiệm vụ trên các chiến trường, tình hình gia đình quân nhân ở các địa phương, tham mưu, đề xuất đúng, trúng và làm nòng cốt giải quyết các vấn đề chính sách bức xúc, đáp ứng yêu cầu chiến tranh.

Những thành tựu to lớn của công tác chính sách thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đã đóng góp quan trọng vào công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Cùng với các mặt công tác khác, công tác chính sách góp phần nâng cao sức mạnh chiến đấu của quân đội, xây dựng HPQĐ vững mạnh, tiếp tục khẳng định và thực hiện đúng di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Quân đội mạnh là nhờ giáo dục khéo, nhờ chính sách đúng và nhờ kỷ luật nghiêm”. Đồng thời, để lại nhiều kinh nghiệm quý báu về công tác nghiên cứu, đề xuất và thực hiện chính sách đối với cán bộ, chiến sĩ tại ngũ; thực hiện chính sách thương binh, liệt sĩ, HPQĐ; phát huy sức mạnh tổng hợp của đất nước, của hậu phương; chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho quân đội và HPQĐ...

Hiện nay, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tăng cường quốc phòng, xây dựng quân đội đang đặt ra yêu cầu rất cao đối với công tác chính sách. Để thực hiện tốt chính sách đối với quân đội và HPQĐ, từng cấp, từng ngành, mỗi đơn vị, địa phương cần phát huy những thành tựu, vận dụng những kinh nghiệm trong thực hiện công tác chính sách thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước phù hợp với điều kiện mới. Theo đó, các cơ quan, đơn vị cần quán triệt sâu sắc quan điểm, phương hướng, nguyên tắc về chính sách xã hội của Đảng, Nhà nước. Đây vừa là bài học kinh nghiệm thực tiễn phong phú, vừa là vấn đề có tính nguyên tắc trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác chính sách đối với quân đội và HPQĐ. Đồng thời phải luôn bám sát thực tiễn đời sống kinh tế-xã hội, yêu cầu nhiệm vụ của quân đội, từng bước bổ sung, hoàn thiện các chính sách đối với quân đội và gia đình quân nhân. Tập trung đề xuất và thực hiện tốt các chính sách theo sự phát triển chung của đất nước; ưu tiên các chính sách động viên, khuyến khích đối với các lực lượng làm nhiệm vụ nơi khó khăn, gian khổ, biên giới, biển, đảo, các lực lượng làm nhiệm vụ mới, có yêu cầu cao, phức tạp. Chú trọng đề xuất và thực hiện các chính sách có tính đột phá, đãi ngộ phù hợp các lực lượng tiên phong trong quá trình hiện đại hóa quân đội; giữ gìn, thu hút nguồn lực chất lượng cao vào phục vụ quân đội… Nghiên cứu, đề xuất các chính sách phải hướng đến phát triển toàn diện con người, làm cho mọi thành phần, lực lượng phục vụ trong quân đội thông qua thụ hưởng chính sách của Đảng, Nhà nước luôn cảm thấy vinh dự, tự hào, nâng cao trách nhiệm cống hiến, sẵn sàng xả thân vì Tổ quốc.

Tiếp tục thực hiện tốt chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, người tham gia kháng chiến, giải quyết tốt tồn đọng chính sách sau chiến tranh; đẩy mạnh công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ. Giải quyết có hiệu quả các vấn đề nêu trên vừa là trách nhiệm, sự tri ân đối với cống hiến, hy sinh của các thế hệ đi trước, vừa là yêu cầu nội tại của quá trình phát triển, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đối với quân đội, việc làm đó không chỉ thể hiện trách nhiệm, tình cảm đồng chí, đồng đội thủy chung, sâu nặng, mà còn nhằm giáo dục, bồi đắp truyền thống yêu nước, truyến thống cách mạng cho cán bộ, chiến sĩ, nhất là thế hệ trẻ.

Phát huy những thành tựu, kinh nghiệm trước đây, vận dụng phù hợp với tình hình mới, xây dựng HPQĐ vững mạnh, làm chỗ dựa bảo đảm cho việc nâng cao sức mạnh chiến đấu của quân đội cần phải được lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện với các chủ trương, giải pháp mới, hiệu quả, thiết thực hơn, cả trước mắt và lâu dài. Cùng với sự phát triển toàn diện của đất nước, mọi chủ trương, giải pháp xây dựng HPQĐ cần hướng mạnh hơn nữa vào xây dựng “thế trận lòng dân”, tạo sự đồng thuận nhất trí cao của toàn xã hội đối với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, xây dựng quân đội, tăng cường quốc phòng. Cấp ủy, chỉ huy các cấp cần tiếp tục nghiên cứu bổ sung, hoàn thiện và thực hiện tốt các chính sách xã hội có liên quan đến công tác quốc phòng-an ninh, chính sách đãi ngộ đối với gia đình quân nhân, những người làm nhiệm vụ quân sự, quốc phòng ở địa phương; đào tạo, hỗ trợ và giải quyết tốt việc làm cho quân nhân xuất ngũ, quan tâm chăm sóc những người có nhiều công lao, cống hiến cho cách mạng, quân đội; chăm lo chu đáo các trường hợp bị thương, hy sinh khi làm nhiệm vụ, hỗ trợ kịp thời gia đình quân nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn…

Tiếp tục đổi mới công tác chính sách, nâng cao chất lượng nghiên cứu, đề xuất và thực hiện chính sách đối với quân đội và HPQĐ; đồng thời, thường xuyên quan tâm kiện toàn cơ quan và đội ngũ cán bộ làm công tác chính sách trong quân đội đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Nguồn Báo điện tử Quân đội nhân dân