Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí chủ trương ban hành Luật phí, lệ phí

Tiếp tục phiên họp thứ 37, chiều 6/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật phí, lệ phí. Đa số các ý kiến thống nhất cần thiết ban hành Luật phí, lệ phí.

Theo Tờ trình, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, Danh mục phí kèm theo Luật sẽ bao gồm: 51 khoản phí. Trong đó, 36 khoản phí kế thừa Danh mục phí hiện hành và 15 khoản phí đang được quy định tại các Luật chuyên ngành.

Đối với Danh mục lệ phí, qua rà soát sẽ gồm: 39 khoản. Trong đó, 30 khoản lệ phí kế thừa Danh mục lệ phí hiện hành và 09 khoản lệ phí đang được quy định tại các Luật chuyên ngành.

 

Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng phát biểu ý kiến. (Ảnh: TTXVN)

Làm rõ thêm nguyên tắc xây dựng Danh mục phí và lệ phí, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho hay, để khuyến khích thu hút các thành phần kinh tế tham gia cung cấp dịch vụ công, cần thiết rà soát các khoản phí, chuyển các khoản phí sang cơ chế giá dịch vụ. Theo đó, chỉ các dịch vụ công liên quan trực tiếp đến hoạt động quản lý nhà nước (công việc chỉ có cơ quan nhà nước thực hiện) như: Phí phòng dịch y tế, phí thẩm định cấp giấy phép hành nghề,... thì quy định thu phí. Và với nguyên tắc này, Chính phủ tiếp tục rà soát và chuyển 19 khoản phí trong Danh mục Pháp lệnh phí và lệ phí sang thực hiện theo cơ chế giá.

Việc chuyển các khoản phí này đã có tính đến sự phù hợp với quy định pháp luật về giá, để đảm bảo việc chuyển sang cơ chế giá không ảnh hưởng đến hoạt động cung cấp dịch vụ này. Cụ thể, nhóm này được phân thành 02 loại: Các khoản phí chuyển sang cơ chế giá thị trường như: Phí giới thiệu việc làm; phí đấu giá; phí bến bãi, phí kiểm nghiệm chất lượng hàng hóa,... Các khoản phí chuyển sang cơ chế giá do Nhà nước định giá như: Phí sử dụng đường bộ hoàn vốn các dự án BOT; phí chợ; phí bến bãi...

Cho ý kiến dự án Luật phí, lệ phí, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý đề nghị, về chế độ thu nộp phí, lệ phí không nên trích lại ngay, mà theo quy định, tất cả các khoản thu đều phải nộp về ngân sách. Ngân sách nhà nước phải được quản lý thống nhất. Sau đó, các khoản chi sẽ được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và ngân sách sẽ cấp lại.

Về Danh mục kèm theo, Chủ nhiệm Phan Trung Lý đề nghị, rà soát lại cho đầy đủ, vì so với các quy định phí còn thiếu như: Phí kiểm định chất lượng giáo dục; phí tuyển sinh; phí vận hành hệ thống điện; phí dịch vụ điều hành thị trường điện đã được quy định trong luật chuyên ngành, nhưng chưa được thể hiện trong dự thảo Luật.

Cũng có ý kiến cho rằng, Danh mục phí, lệ phí chưa cụ thể, chỉ quy định theo nhóm, loại phí, lệ phí; một số loại phí, lệ phí chưa rõ về tên gọi với nội hàm. Do đó, đề nghị Chính phủ cần nghiên cứu, bổ sung và quy định chi tiết các khoản phí, lệ phí, có phân loại theo nhóm ngành cụ thể ngay trong Dự thảo Luật.

Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng nhất trí chủ trương ban hành Luật phí, lệ phí, coi đây là bước triển khai Hiến pháp 2013. Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, cần rà soát để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, phù hợp với các luật khác có liên quan. Mặt khác, việc giải thích từ ngữ được quy định trong Dự thảo Luật chưa phân định rõ bản chất của phí, lệ phí do cơ quan nhà nước thực hiện cung ứng dịch vụ công với các hoạt động có tính chất giá dịch vụ. Do đó, đề nghị nghiên cứu, bổ sung, làm rõ các khái niệm về phí, lệ phí, giá dịch vụ,... đảm bảo rõ ràng, minh bạch, làm căn cứ phân loại Danh mục phí, lệ phí, giá dịch vụ được chính xác.

Về phạm vi điều chỉnh, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cho rằng tương đối rõ về yêu cầu, nhưng còn nội dung liên quan đến các tổ chức, cá nhân người nước ngoài thì chưa rõ; chẳng hạn, đối với người nước ngoài, các chủ đầu tư, nhất là trong tương quan giữa các nước, trong mối quan hệ làm ăn, thì chúng ta tính như thế nào?

Cũng liên quan đến phạm vi điều chỉnh, Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai cho rằng, quy định như trong Dự thảo Luật điều chỉnh, bao gồm cả phí, lệ phí do các tổ chức và cá nhân ngoài Nhà nước thực hiện là chưa thật phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước trong việc thực hiện xã hội hóa một số lĩnh vực cần khuyến khích. Do đó, đề nghị phạm vi điều chỉnh của Luật phí và lệ phí chỉ quy định đối với khoản thu phí, lệ phí thuộc dịch vụ công do cơ quan nhà nước thực hiện, không điều chỉnh đối với các khoản phí, lệ phí do các tổ chức và cá nhân ngoài Nhà nước thực hiện như trong Dự thảo Luật. Như thế, các dịch vụ do các tổ chức và cá nhân ngoài Nhà nước thực hiện sẽ được thực hiện theo cơ chế giá dịch vụ nhằm đẩy mạnh xã hội hóa và phù hợp với thông lệ quốc tế. Đồng thời, để bảo đảm tính khả thi của Luật, đáp ứng được các yêu cầu thực tiễn phát sinh, đề nghị, bổ sung điều, khoản giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định bổ sung, điều chỉnh Danh mục phí, lệ phí khi Chính phủ trình và báo cáo Quốc hội.

Về miễn, giảm phí, lệ phí, Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai cho rằng, quy định như Dự thảo Luật chưa thực sự hợp lý, chưa bao quát được hết các đối tượng cần miễn, giảm trong thực tiễn, chẳng hạn: Không nên dùng cụm từ ”vùng sâu, vùng xa” mà cần thay bằng ”vùng kinh tế đặc biệt khó khăn”... Do vậy, đề nghị Ban soạn thảo Luật cần nghiên cứu, rà soát lại các đối tượng để đảm bảo tính bao quát, phù hợp và khả thi trong thực tiễn./.

Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam