Khai mạc phiên họp thứ 37, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII

Sáng 6/4, phiên họp thứ 37, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII đã khai mạc tại Hà Nội. Phiên họp lần này dự kiến sẽ kéo dài đến hết ngày 10/4, tập trung thảo luận nhiều nội dung quan trọng chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII diễn ra vào tháng 5 tới.

 Khai mạc phiên họp thứ 37 của UBTVQH sáng 6/4. (Ảnh: TTXVN)

Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, phần lớn thời gian của phiên họp này được dành để cho ý kiến vào nhiều dự án luật quan trọng như: Bộ luật Hình sự (sửa đổi); Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi); Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân; Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi); Luật Tổ chức chính quyền địa phương và một số dự án Luật khác.

UBTVQH cũng sẽ nghe và cho ý kiến về báo cáo giám sát về tình hình oan, sai trong áp dụng pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự và việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, các thành viên UBTVQH cũng sẽ dành thời gian để cho ý kiến về dự kiến chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội, UBTVQH trong năm 2016, đồng thời nghe báo cáo kết quả Đại hội đồng Liên minh Nghị viện Thế giới lần thứ 132 (IPU-132) vừa được tổ chức tại Hà Nội.

Sau phát biểu khai mạc của Chủ tịch Quốc hội, UBTVQH đã nghe báo cáo và cho ý kiến về Dự án Luật An toàn thông tin.

Theo tờ trình về Dự án Luật An toàn thông tin do Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son trình bày, mạng Internet đã trở thành trung tâm của nền kinh tế - xã hội của mọi quốc gia. Tuy nhiên, mạng Internet đang trở thành môi trường cho những mối đe dọa mới mà chúng ta phải tìm cách để vượt qua, đưa Việt Nam trở thành nước công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển mạnh trong một thế giới cạnh tranh và toàn cầu hóa.

Mặt khác, tính hai mặt của công nghệ Internet đang là thách thức đối với việc thực thi luật pháp để điều chỉnh những hành vi lợi dụng mạng Internet nhằm truyền đưa, lưu trữ, phát tán thông tin sai trái, độc hại, vi phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức. Do đó, việc xây dựng Luật An toàn thông tin nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý ổn định về an toàn thông tin theo hướng áp dụng các quy định pháp luật một cách đồng bộ, khả thi trong thực tiễn thi hành; phát huy các nguồn lực của đất nước để bảo đảm an toàn thông tin, phát triển lĩnh vực an toàn thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh,

Góp ý cho Dự thảo Luật, nhiều ý kiến cho rằng, một số nội dung Dự thảo Luật còn khá rộng, chưa có những quy định cụ thể, rõ ràng với thực tiễn, cần phải điều chỉnh, rà soát lại như: vấn đề về quản lý mật mã dân sự; trách nhiệm thẩm định về an toàn thông tin; chủ quyền quốc gia về không gian mạng…

Về vấn đề mật mã dân sự, Dự thảo Luật quy định tổ chức, cá nhân được tự do lựa chọn sản phẩm mật mã và lựa chọn tổ chức cung cấp sản phẩm mật mã dân sự của tổ chức được cấp phép; không được sử dụng sản phẩm mật mã tự nghiên cứu chế tạo hoặc sản phẩm mật mã không rõ nguồn gốc. Đồng thời, sử dụng sản phẩm mật mã hoặc thiết bị kỹ thuật mật mã của nước ngoài mà không thông qua tổ chức cung cấp được cấp phép phải được Cơ quan mật mã quốc gia phê chuẩn; trừ cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan đại diện lãnh sự và cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế liên chính phủ.

Vấn đề này, có nhiều ý kiến cho rằng, không nên quản lý mật mã như những quy định trên. Bởi việc lựa chọn đơn vị tiêu thụ sản phẩm mật mã dân sự thông qua hình thức cấp phép có thể ảnh hưởng đến những cam kết của Việt Nam khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Hơn nữa, mật mã nói chung và mật mã dân sự nói riêng là sản phẩm có 2 mục đích sử dụng, vì vậy có thể gây phương hại đến an ninh quốc gia, chủ quyền lãnh thổ, ảnh hưởng đến trật tự xã hội, kinh tế, thương mại nên phải là nhóm sản phẩm kinh doanh có điều kiện. Hơn nữa, theo kinh nghiệm quốc tế, một số nước đã thực hiện quản lý mật mã dân sự rất chặt chẽ như chỉ định đơn vị nghiên cứu khoa học, sản xuất, tiêu thụ mật mã dân sự hoặc yêu cầu bỏ phần mã hóa trong các sản phẩm điện thoại di động.

Về trách nhiệm thẩm định về an toàn thông tin, Dự thảo Luật quy định trách nhiệm “thẩm định về an toàn thông tin trong hồ sơ thiết kế hệ thống thông tin” của Bộ Thông tin và Truyền thông là khá rộng.

Việc thiết kế an toàn thông tin trong các hệ thống thông tin là hết sức quan trọng và phải được cơ quan có thẩm quyền thẩm định. Tuy nhiên, để đảm bảo tính khả thi khi thẩm định về an toàn các hệ thống thông tin, Chính phủ nên chỉ đạo Bộ Thông tin và Truyền thông căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ được giao, phân cấp cho các Sở Thông tin và Truyền thông thực hiện theo thẩm quyền phân cấp để thẩm định hồ sơ thiết kế hệ thống an toàn thông tin.

Đồng quan điểm, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng nhấn mạnh: Dự thảo Luật liên quan đến việc triển khai Hiến pháp và có sự liên quan nhiều luật, đặc biệt là Luật Dân sự nên cần nghiên cứu để quy định cho chặt chẽ. Bên cạnh đó, các quy định cần phải đáp ứng yêu cầu quản lý nhưng không được ảnh hưởng, xâm phạm đến quyền con người và trật tự xã hội.

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị cần rà soát thêm một số nội dung còn có ý kiến khác nhau, hoàn thiện để trình Quốc hội tại kỳ họp tới./.

Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam