Điểm quan trọng đầu tiên đó là việc quy định bắt buộc tham gia BHYT. Đây là một trong những giải pháp hết sức mạnh mẽ. Điểm mới thứ hai là Luật BHYT sửa đổi quy định bắt buộc tham gia BHYT theo hộ gia đình và bổ sung thêm cơ chế khuyến khích nếu có 100% thành viên trong gia đình tham gia BHYT thì sẽ được giảm mức đóng. Cụ thể, người trong hộ gia đình thứ nhất khi mua BHYT sẽ đóng tối đa bằng 6% mức lương cơ sở. Người thứ hai, thứ ba, thứ tư lần lượt có mức đóng là 70%, 60% và 50% mức đóng của người thứ nhất. Kể từ người thứ năm trong hộ gia đình trở đi mức đóng chỉ còn bằng 40% mức đóng của người thứ nhất. Thực tế hiện nay mức đóng phí BHYT chỉ bằng 4,5% mức lương cơ sở, tương đương 621.000 đồng.
Ban quản lý thôn Văn Lâm 3 (Phước Nam, Thuận Nam) trao thẻ BHYT cho người nghèo. Ảnh: Sơn Ngọc
Nhiều người cũng băn khoăn có nên hay không nên “bắt buộc”!. Tuy nhiên, theo lý giải của ngành BHXH thì tính pháp lý của sự “bắt buộc” này còn mang một ý nghĩa nhân văn, đó là lợi ích chăm sóc sức khỏe cho mỗi thành viên, mỗi cá nhân và cho cả cộng đồng.
Nhà nước cũng đã có các phương án để hỗ trợ gia đình nghèo, khó khăn; chia thành nhiều nhóm đối tượng để hỗ trợ tiền mua thẻ BHYT. Hiện có tới 13 nhóm đối tượng được cấp thẻ miễn phí như: Trẻ em dưới 6 tuổi, người nghèo, thân nhân người có công, cán bộ xã, phường nghỉ hưu… Ngoài ra còn có 3 nhóm đối tượng được hỗ trợ một phần như người cận nghèo được hỗ trợ 70% tiền mua thẻ, hỗ trợ 50% cho đối tượng học sinh, sinh viên; 30% cho hộ nông, ngư, diêm dân có mức thu nhập trung bình... Mặc dù có rất nhiều quy định theo hướng có lợi cho người dân ở Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT này, tuy nhiên do chưa được tuyên truyền, giải thích thấu đáo từ cơ sở, chủ yếu là cấp xã, phường như theo quy định, thậm chí là ngay cán bộ được giao nhiệm vụ quan hệ và bán thẻ BHYT cho người dân cũng chưa nắm rõ Luật cũng như các quy định… để vận động người dân tham gia. Thậm chí có nơi còn giải thích sai dẫn đến bức xúc cho người có nhu cầu mua BHYT cho bản thân và gia đình.
Suy cho cùng, gia đình là tế bào của xã hội và bản chất của BHYT không phải quỹ tương trợ, mà đó là cơ chế tài chính để chia sẻ rủi ro giữa cộng đồng những người tham gia. Do vậy, ngay bản thân trong hộ gia đình các thành viên phải có trách nhiệm đối với nhau, sau đó có trách nhiệm với cộng đồng, rồi từ đó cộng đồng có trách nhiệm trở lại với cá nhân. Cho nên, tuy có một số khó khăn trước mắt nhưng xét về lâu dài BHYT sẽ là trợ thủ đắc lực cho những rủi ro của sức khỏe về sau mà không ai có thể lường trước được.
Hạ Huyền