* Sự kiện
- Ngày 4-4-1926: Nguyễn Ái Quốc với bút danh Mộng Liên, viết bài “Về sự bất công” đăng trên mục “Dành cho phụ nữ” của báo “Thanh Niên” xuất bản tại Quảng Châu, Trung Quốc. Bài báo nêu lên những quan niệm khinh rẻ phụ nữ của xã hội cũ: “Đại đức Khổng Tử nói: Chồng phải dạy vợ. Đức Mạnh Tử lại lưu ý rằng: Đàn bà và trẻ con khó dạy bảo... Người Trung Quốc thường so sánh phụ nữ với con gà mái. Ở An Nam, chúng ta nói: Đàn bà phải quanh quẩn trong bếp” rồi nêu vấn đề: “Trong xã hội và trong gia đình, người phụ nữ bị hạ thấp tột bậc và không được hưởng chút quyền gì. Hỡi chị em! Vì sao chị em lại phải chịu sự áp bức bất công này.”
- Ngày 4-4-1965: Thành lập Hội Luật gia Việt Nam. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và được sự đồng ý của Nhà nước, ngày 29-3-1955, 40 luật gia hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau, trong đó có các luật sư Phan Anh, Phạm Văn Bạch, Trần Công Tường, GS Nguyễn Ngọc Minh, Vũ Trọng Khánh, Vũ Đình Hoè... đã thành lập Hội Luật gia Việt Nam. Luật sư Phan Anh, Bộ trưởng Bộ Công thương, được bầu làm Chủ tịch Hội. Đồng chí Hoàng Quốc Việt, Ủy viên Bộ Chính trị, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao được bầu làm Phó Chủ tịch Hội. Ngày 4-4-1955, Hội chính thức hoạt động và từ đó, ngày này được lấy làm ngày thành lập Hội. Trải qua 60 năm xây dựng và phát triển, Hội Luật gia Việt Nam đã có những đóng góp quan trọng trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
- Ngày 4-4-1965: Nguyễn Bá Ngọc lấy thân mình che bom cho các em nhỏ. Nguyễn Bá Ngọc là học sinh lớp 4B (năm học 1964- 1965), trường phổ thông cấp I xã Quảng Trung, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa. Ngày 4-4-1965, giặc Mỹ bắn phá, ném bom quê Ngọc. Lúc ấy người lớn đã ra đồng làm việc, còn Ngọc đang chạy xuống hầm trú ẩn. Nghe tiếng bom nổ bên cạnh nhà và tiếng khóc của Khương, không chút do dự, Ngọc nhảy vụt lên chạy sang nhà Khương thì thấy bạn của mình bị thương còn Oong, Đơ là hai em của Khương đều kêu khóc. Ngọc nhanh chóng dìu hai em xuống hầm rồi lấy thân mình làm lá chắn che chở cho hai em. Ngọc bị thương, máu ra nhiều, đến 2 giờ sáng ngày 5-4-1965 thì mất tại bệnh viện. Tấm gương dũng cảm của Nguyễn Bá Ngọc đã được Đảng và Nhà nước truy tặng danh hiệu liệt sĩ và Huân chương Chiến công hạng Ba.
- Ngày 4-4-1975: Quân ủy Trung ương chỉ thị giải phóng các đảo do Quân đội Sài Gòn chiếm đóng thuộc quần đảo Trường Sa. Ngày 4-4-1975, Quân ủy Trung ương chỉ thị cho Khu ủy, Quân khu ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 và Bộ Tư lệnh Hải quân nhanh chóng vượt biển tiến công giải phóng các đảo do Quân đội Sài Gòn chiếm đóng thuộc quần đảo Trường Sa trên lãnh thổ Việt Nam. Chỉ thị nhấn mạnh: Đây là một nhiệm vụ rất quan trọng. Trong khi đó, ngày 4-4-1975, Tổng thống chính quyền Sài Gòn Nguyễn Văn Thiệu gửi điện hoả tốc cho Quân đoàn 3 Quân đội Sài Gòn, chỉ thị bằng bất cứ giá nào cũng phải tổ chức cố thủ từ Ninh Thuận trở vào, nếu cần sẽ đem hết lực lượng ra đó quyết chiến đồng thời, quyết định sáp nhập 2 tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận vào Quân khu 3, tổ chức Bộ Tư lệnh tiền phương Quân khu 3 ngụy do Trung tướng Nguyễn Vĩnh Nghi làm Tư lệnh đóng tại Phan Rang. Cùng ngày, Quân đoàn 3 được lệnh hành quân vào miền Đông Nam Bộ.
* Nhân vật
- Ngày 4-4-1908: Ngày sinh của đồng chí Hà Huy Giáp. Ông quê ở Hà Tĩnh, là người từng giữ nhiều chức vụ quan trọng như: Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Thứ trưởng Bộ Giáo dục, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Viện trưởng Viện bảo tàng Hồ Chí Minh. Ông là một trong những nhà lãnh đạo hàng đầu của Xứ ủy Nam Kỳ, của Đảng bộ thành phố Sài Gòn-Gia Định từ lúc Đảng ta mới ra đời. Trong kháng chiến chống Pháp, ông đã tổ chức thực hiện thành công tư tưởng chỉ đạo của Bác Hồ “Kháng chiến hóa văn hóa và văn hóa hóa kháng chiến”, ra sức “chống giặc đói, chống giặc dốt, chống giặc ngoại xâm”...Ông được tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh và nhiều phần thưởng cao quý khác. Hà Huy Giáp mất ngày 3-12-1995, tại TP. Hồ Chí Minh.
Theo TTXVN