1. Sau 8 ngày thương lượng thâu đêm, ngày 2-4 nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Anh, Nga, Pháp, Trung Quốc cùng với Đức) và Iran đã đạt được thỏa thuận khung về chương trình hạt nhân của Tehran. Theo đó, nhóm P5+1 và Iran đã nhất trí về các nội dung và định hướng lớn, mở đường hướng tới một thỏa thuận cuối cùng trong ba tháng còn lại, kết thúc ngày 30-6.
Phát biểu tại cuộc họp báo sau đàm phán, Ngoại trưởng Iran Javad Zarif cho biết, các cuộc đàm phán giữa Tehran và nhóm P5+1 đã đạt được một bước đột phá đáng kể. “Những kết quả đạt được ngày hôm nay rất quan trọng vì nó là cơ sở cho một thỏa thuận đầy đủ. Bây giờ các bên có thể bắt đầu chuẩn bị một dự thảo thỏa thuận cuối cùng với các điều khoản có liên quan, dựa trên các giải pháp mà chúng tôi đã đạt được trong vài ngày qua. Iran sẽ có thể tiếp tục chương trình hạt nhân hòa bình của mình nhưng sẽ có những hạn chế về mức độ và thời gian của chương trình làm giàu urani cũng như số lượng nguyên liệu hạt nhân được lưu trữ”, ông Zarif nói.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry phát biểu rằng, thỏa thuận sơ bộ hạt nhân giữa Iran và nhóm P5+1 là một cơ sở vững chắc cho một hiệp ước nhằm chấm dứt bế tắc 12 năm đàm phán hạt nhân giữa Tehran và phương Tây.
2. Ngày 2-4,Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon đã kịch liệt lên án “hành động khủng bố” của nhóm Hồi giáo al-Shabaab ở Somalia nhằm vào trường Cao đẳng Garissa thuộc Đại học Moi ở thị trấn Garissa (Đông Bắc Kenya) làm gần 150 người thiệt mạng.
Tổng Thư ký bày tỏ chia buồn sâu sắc với gia đình các nạn nhân, đồng thời khẳng định tình đoàn kết với nhân dân và Chính phủ Kenya. Ông nhấn mạnh LHQ tiếp tục ủng hộ Kenya và các nước khu vực trong nỗ lực ngăn chặn và chiến đấu chống chủ nghĩa khủng bố và chủ nghĩa cực đoan bạo lực.
Cùng ngày, Nhà Trắng ra tuyên bố cho biết, Mỹ “lên án một cách mạnh mẽ nhất vụ tấn công khủng bố nhằm vào những người vô tội” ở ngôi trường trên. Ấn Độ cũng kịch liệt lên án “hành động tấn công hèn hạ” nói trên, đồng thời bày tỏ tình đoàn kết và chia sẻ với các gia đình có người thiệt mạng và bị thương trong vụ này.
Đây là vụ tấn công đẫm máu nhất ở Kenya kể từ sau vụ đánh bom Đại sứ quán Mỹ năm 1998. Ít nhất 147 người đã thiệt mạng, 79 người bị thương. Đa phần các nạn nhân là sinh viên, ngoài ra có hai cảnh sát, một binh sỹ quân đội. Trung tâm Thảm họa quốc gia (NDO) ngày 3-4 thông báo chiến dịch giải cứu con tin đã kết thúc sau 16 tiếng đồng hồ, với việc toàn bộ 4 phần tử khủng bố bắt giữ con tin trong vụ này đã kích hoạt bom tự sát.
Khu vực phía Đông và Bắc Kenya giáp giới Somalia là một trong những địa bàn hoạt động mạnh nhất của nhóm phiến quân al-Shabaab có liên hệ với mạng lưới khủng bố quốc tế Al-Qaeda.
3. Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) ngày 1-4 đã nâng mức trợ giúp thanh khoản khẩn cấp (ELA) tối đa dành cho các ngân hàng Hy Lạp thêm 700 triệu euro, đưa mức trần trợ giúp đó lên 71,8 tỷ euro (77,3 tỷ USD).
Các ngân hàng của Hy Lạp hiện đang phải phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn hỗ trợ tài chính từ ECB để đáp ứng nhu cầu thanh toán, trong bối cảnh ECB không còn xem các trái phiếu chính phủ của Hy Lạp như một tài sản thế chấp để cấp vốn vay cho nước này.
Nếu quan hệ giữa Hy Lạp và các chủ nợ tiếp tục xấu đi, thì nguy cơ người gửi rút hết tiền từ tài khoản ở các ngân hàng càng tăng lên. Hậu quả là các ngân hàng này sẽ bị kiểm soát chặt chẽ về vốn và bị áp đặt các biện pháp đặc biệt khác, khi đó tư cách thành viên Eurozone của Hy Lạp sẽ bị đặt dấu hỏi.
Trong một diễn biến liên quan, cuộc đàm phán giữa Hy Lạp với Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) về vấn đề nợ và cải cách của Hy Lạp diễn ra trong ngày 1-4 chưa đạt được kết quả cụ thể.
Hy Lạp hy vọng những cải cách, trong đó có đề xuất về xử lý tham nhũng và trốn thuế, có thể mang đến nguồn thu ít nhất 4,7 tỷ euro cho đất nước. Tuy nhiên, “bộ ba chủ nợ” quốc tế là IMF, EU và ECB cho rằng những biện pháp cải cách mà Athens đưa ra chỉ mang tính ý tưởng hơn là một kế hoạch cụ thể.
PV