Vấn đề hôm nay:

Nghịch lý!

(NTO) Những năm gần đây rau xanh đã trở thành nhu cầu thiết yếu trong bữa ăn hàng ngày của rất nhiều người, nhất là ở đô thị thay vì phải dùng nhiều chất đạm từ thịt động vật như heo, gà, hải sản... Chủ yếu là để giảm mắc phải các bệnh phổ biến như máu nhiễm mỡ, nhất là bệnh gút, tiểu đường...

Đã có cung thì ắt phải có cầu, vậy là nhiều vùng nông thôn nông dân đã phát triển trồng các loại rau xanh, củ quả để cung cấp cho thị trường. Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây không phải là ở sự phát triển diện tích mà là “phát triển” rau, củ bằng các chất kích thích độc hại được cho là của Trung Quốc và sử dụng quá mức, không theo quy trình về thuốc bảo vệ thực vật. Ngay chính người sản xuất cũng không nắm rõ tác dụng của thuốc cũng như nguồn gốc xuất xứ mà đơn thuần chỉ “học tập” kinh nghiệm lẫn nhau. Nếu có “mục sở thị” mới thấy “giật mình” vì quy trình trồng rau “tăng tốc” của nhiều nông hộ, thường thì rút ngắn thời gian từ 5 ngày trở lên so với cách làm truyền thống để giảm chi phí đầu tư, công chăm sóc, đồng thời hạ giá thành sản phẩm để “cạnh tranh”!.

Người tiêu dùng chọn mua rau xanh tại siêu thị Co.op mart Thanh Hà. Ảnh Sơn Ngọc

Trước thực trạng đó, một số nơi được hỗ trợ để trồng rau hoặc trồng theo quy trình và đạt tiêu chuẩn VietGAP với mục đích là cung cấp rau, củ “sạch” các chất kích thích, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong sản phẩm… cho người tiêu dùng. Thực ra đây là “quy trình” truyền thống của người trồng rau trước đây như khâu làm đất được bón lót bằng phân chuồng hoai mục, không sử dụng thuốc kích thích, thuốc sâu... Nay để chống côn trùng một số nông hộ còn đầu tư thêm nhà lưới, công chăm sóc cũng tăng lên..., như vậy cũng có nghĩa là chi phí sản xuất “đầu vào” cao hơn khá nhiều từ 20-30% so với kiểu làm “mì ăn liền” khá phổ biến như đã nói trên.

Vậy người tiêu dùng đón nhận rau,củ “sạch” ra sao?. Có thể nói là chưa thật “mặn mà” bởi nhiều lẽ. Một là, thiếu thương hiệu để tạo niềm tin cũng như quảng bá thương hiệu cho nhiều người tiêu dùng biết. Hai là, chưa có "đầu ra" ổn định, mặc dù các siêu thị có nhận tiêu thụ nhưng chỉ bằng một phần nhỏ so với sản lượng làm ra. Ba là, chưa nhận được sự hỗ trợ tích cực của ngành chức năng, nhất là giúp “kết nối” với “4 nhà” để ổn định “đầu ra”. Thực tế cần nhìn nhận nông dân sản xuất rau, củ chưa có đủ kiến thức về thị trường nên chủ yếu tự sản, tự tiêu tại các chợ dẫn đến rau “sạch” cũng như rau không sạch lẫn lộn trong khi giá cả lại chênh nhau. Về tâm lý người tiêu dùng thì không những không có kiến thức đầy đủ để phân biệt mà thường là chọn giá rẻ, rau tươi xanh mơn mởn... để mua mà không biết rằng đó chính là rau “tăng trọng”!. Mặt khác, rau xanh thu hoạch đúng lứa không thể giữ lâu, thu hoạch xong là phải tiêu thụ ngay…đây cũng là yếu tố bất lợi cho người sản xuất và cũng là “nhược điểm” để tư thương “bắt thóp” ép giá từ 20-30% so với mặt bằng trên thị trường nếu phân phối qua “kênh” này.

Nhu cầu rau sạch của người tiêu dùng là rất cao nhưng ai sẽ là người tháo gỡ nghịch lý này để kết nối giữa người trồng rau an toàn với người tiêu dùng?. Câu trả lời xin dành cho cả “3 nhà”: nhà quản lý, nhà nông và cả nhà... nội trợ!.