Vì lẽ đó mà hàng quán đã “mọc” lên ngày càng nhiều, chỉ tính trên địa bàn thành phố Phan Rang-Tháp Chàm có đến hàng trăm điểm, quán ăn từ bình dân đến cao cấp, từ vỉa hè đến nhà hàng sang trọng... và trong số đó đa phần các món ăn đều sử dụng phụ gia tẩm, ướp trong quá trình chế biến thực phẩm để phục vụ nhu cầu thực khách. Một số món thịt nướng như sườn heo, cừu, chân gà, vịt quay... đều có mùi thơm ngát, đặc trưng dễ “dẫn dụ” thực khách. Tuy nhiên, trong các chất phụ gia để tạo nên mùi thơm đó khó có thể đoán biết liệu có an toàn hay không đối với sức khỏe người dùng. Theo số liệu khảo sát từ ngành chức năng thì phụ gia thực phẩm (PGTP) đã và đang được sử dụng tràn lan và “có mặt” từ 70-98% trong các loại thực phẩm chế biến. Trong số này có từ 50-80% PGTP nằm ngoài danh mục cho phép và nếu nằm trong danh mục thì hàm lượng vượt quá mức giới hạn từ 22-90% tùy loại thực phẩm. Đơn cử như chỉ ở món giò chả, qua phân tích có không dưới 10 loại phụ gia được dùng để tạo độ dai, giòn, kết dính, tạo mùi, tạo vị, chất chống nhiễm khuẩn, chống mốc, bột ngọt... trong khi người dùng chỉ nghĩ đơn thuần là thực phẩm này có ngon hay không mà thôi. Cũng vì lẽ đó mà vô tình đã “nạp” vào cơ thể một lượng chất độc hại mà nguy cơ cao vẫn là tác nhân gây nên ung thư.
Hàng quán vỉa hè khu vực chợ Phan Rang. Ảnh: Sơn Ngọc
Theo một khảo sát mới đây, đối với người tiêu dùng thì đa số chọn thực phẩm theo cảm tính, trong đó có trên 42% người kinh doanh và gần 70% người tiêu dùng chưa hiểu biết đầy đủ và đúng về PGTP. Do vậy, khi có nhu cầu cứ đến các hàng gia vị tại chợ hoặc tiệm tạp hóa để mua về sử dụng, thậm chí còn “cố” mua hàng giá rẻ về tẩm ướp đồ nấu mà không biết rằng đây là các chất độc hại, thậm chí là chất chỉ được dùng trong công nghiệp như bột màu chẳng hạn.
Thực trạng là vậy nhưng ngành chức năng gần như không quản lý được mà có chăng cũng chỉ giải quyết khi có sự cố ngộ độc thực phẩm xảy ra. Một số thời điểm có kiểm tra nhưng các cơ sở sản xuất cũng như người bán thực phẩm có nhiều “mưu” để đối phó nên không dễ phát hiện. Cho nên vấn đề đặt ra là người tiêu dùng cần tự thay đổi nhận thức về thực phẩm và cảnh giác với các loại phụ gia không rõ nguồn gốc khi có nhu cầu sử dụng. Mặt khác, ngành chức năng như quản lý thị trường, vệ sinh an toàn thực phẩm cần thường xuyên kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi kinh doanh, sử dụng PGTP trái với quy định để sản xuất, chế biến thực phẩm.
Tất nhiên, lời khuyên tốt nhất vẫn là hãy bảo vệ sức khỏe của bản thân và gia đình bằng việc sử dụng thực phẩm sạch, có nguồn gốc rõ ràng.
Hạ Huyền