Thủ tướng chỉ thị tăng cường chỉ đạo Kỳ thi THPT quốc gia 2015
Thủ tướng Chính phủ vừa có Chỉ thị 04/CT-TTg yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo, các Bộ, ngành, cơ quan liên quan và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường chỉ đạo Kỳ thi trung học phổ thông (THPT) quốc gia năm 2015.
Để tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 an toàn, nghiêm túc, chất lượng, đạt hiệu quả cao, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, các cơ sở giáo dục và đào tạo, các địa phương liên quan trong việc tổ chức kỳ thi; có trách nhiệm tiếp tục hoàn thiện phương án, kế hoạch triển khai thực hiện tổ chức tốt Kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 (Kỳ thi) trên cơ sở tiếp thu đầy đủ, rộng rãi ý kiến góp ý xác đáng của xã hội.
Xây dựng cụ thể và công bố công khai kế hoạch bố trí các cụm thi trên địa bàn các tỉnh, thành phố một cách hợp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh, nhất là các cụm thi dành cho các thí sinh không có nguyện vọng học đại học, cao đẳng hoặc sẽ tham gia Kỳ thi/xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng có phương án tuyển sinh không sử dụng kết quả Kỳ thi; lưu ý để có dự báo sát thực về các khả năng, tình huống có thể gây khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức triển khai tổ chức Kỳ thi để chủ động có phương án xử lý, giải quyết phù hợp.
Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm ban hành đầy đủ các quy định, hướng dẫn liên quan phục vụ cho Kỳ thi từ việc tổ chức coi thi, chấm thi, sử dụng kết quả thi để xét công nhận tốt nghiệp và đăng ký tuyển sinh vào đại học, cao đẳng, dạy nghề đến những nội dung khác liên quan như: Quy định về phí dự thi và tuyển sinh; hoạt động quản lý các cụm coi thi, chấm thi; việc giải quyết các khiếu nại, tố cáo, nguyện vọng, quyền lợi của thí sinh và cán bộ coi thi, người phục vụ kỳ thi; khẩn trương hướng dẫn cụ thể về đề thi đáp ứng với yêu cầu Kỳ thi để giúp học sinh có định hướng rõ trong việc ôn luyện và làm quen; lưu ý có dự báo và giải pháp phù hợp để giải quyết những khó khăn, bất cập phát sinh trong việc đi lại của thí sinh và cán bộ coi thi; làm tốt công tác bảo vệ, giám sát, vận chuyển và bảo quản, giữ bí mật các đề thi, bài thi...
Tạo điều kiện thuận lợi nhất cho học sinh tham dự Kỳ thi
Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các trường đại học, cao đẳng sớm công bố rộng rãi, công khai về phương án tuyển sinh của trường mình, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho học sinh có định hướng và thực hiện việc đăng ký tham dự Kỳ thi, đăng ký tuyển sinh; thực hiện tốt việc hướng dẫn, phân công cụ thể cho các trường đại học làm tốt công tác chuẩn bị và tham gia tích cực, hiệu quả vào các hoạt động liên quan đến Kỳ thi, nhất là việc coi thi, chấm thi và tuyển sinh; chỉ đạo các trường đại học được giao chủ trì tổ chức thi tại các cụm thi liên tỉnh làm tốt một số công việc sau đây: Sao in và bảo mật đề thi, tổ chức coi thi, chấm thi, phúc khảo, xét duyệt kết quả thi và lưu trữ hồ sơ thi; các trường đại học được giao nhiệm vụ phối hợp với các Sở Giáo dục và Đào tạo ở các địa phương để tổ chức các cụm thi do địa phương chủ trì tổ chức cần nêu cao tinh thần chủ động, phối hợp chặt chẽ với địa phương trong mọi hoạt động liên quan đến việc tổ chức cụm thi này.
Đồng thời chủ động, tích cực phối hợp chặt chẽ với các địa phương để làm tốt công tác chuẩn bị và tổ chức các cụm thi trên địa bàn, nhất là đối với những cụm thi do các tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm chủ trì tổ chức.
Bên cạnh đó, có kế hoạch cụ thể, chi tiết đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động liên quan đến kỳ thi, nhất là việc đăng ký dự thi, đăng ký xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng nhằm hạn chế tối đa việc đi lại nhiều lần không cần thiết của học sinh, tránh gây khó khăn, phiền hà cho học sinh, phụ huynh học sinh và các tổ chức, cá nhân trước, trong và sau Kỳ thi.
Có kế hoạch tổ chức truyền thông cụ thể để cung cấp kịp thời, đầy đủ, chính xác các quy định, thông tin cần thiết liên quan đến Kỳ thi và có trách nhiệm giải đáp thỏa đáng những băn khoăn, thắc mắc của thí sinh và người dân về những nội dung liên quan đến Kỳ thi.
Thông tin kịp thời, đầy đủ nội dung liên quan đến Kỳ thi
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính có trách nhiệm phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo để xây dựng phương án tài chính phù hợp, đáp ứng yêu cầu đổi mới và hỗ trợ Kỳ thi tổ chức thành công, chất lượng, hiệu quả, tiết kiệm; kịp thời ban hành những văn bản quy định về tài chính phục vụ Kỳ thi theo thẩm quyền.
Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan truyền thông, báo chí tăng cường công tác tuyên truyền nhằm thông tin kịp thời, đầy đủ, công khai, minh bạch, rõ ràng về mục đích, ý nghĩa, tác dụng và những nội dung cơ bản liên quan đến Kỳ thi, nhất là những vấn đề có tính chất đổi mới để tạo sự đồng thuận cao trong toàn xã hội.
UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo phổ biến rộng rãi đến các học sinh, nhất là học sinh lớp 12 về quy chế thi, quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2015 và các quy định, hướng dẫn liên quan đến Kỳ thi; chỉ đạo, kiểm tra thường xuyên việc thực hiện chương trình, kế hoạch giảng dạy, học tập và tổ chức ôn luyện cho học sinh trong các nhà trường trung học phổ thông trên địa bàn.
Hỗ trợ thí sinh dân tộc thiểu số tham dự kỳ thi
UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo để chỉ đạo và thực hiện việc bố trí các cụm thi; phối hợp với các trường đại học để chuẩn bị và triển khai thực hiện tốt mọi hoạt động tại các cụm thi thuộc địa bàn địa phương quản lý, đặc biệt lưu ý cần bảo đảm các điều kiện thuận lợi về giao thông đi lại, nơi ăn nghỉ cho thí sinh và gia đình phụ huynh học sinh, về vệ sinh an toàn thực phẩm, về công tác bảo vệ an ninh trật tự tại các cụm thi...
Cũng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần tăng cường công tác vận động các tổ chức, cá nhân hỗ trợ, giúp đỡ các thí sinh là con em dân tộc thiểu số, các gia đình chính sách, hộ nghèo, vùng sâu, vùng xa có điều kiện tham dự kỳ thi, không để học sinh nào phải bỏ thi vì gặp quá khó khăn về điều kiện kinh tế hay đi lại.
Các đại học, học viện, trường đại học, cao đẳng, trung cấp, theo sự phân công của Bộ Giáo dục và Đào tạo, có trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức thực hiện tốt các công việc, nhiệm vụ được giao liên quan đến Kỳ thi, bảo đảm chất lượng, tiến độ và thực hiện quyền tự chủ tuyển sinh theo đúng quy định; làm tốt công tác chuẩn bị; bố trí đầy đủ đội ngũ có chất lượng, đủ tiêu chuẩn tham gia trong các hoạt động của Kỳ thi và tuyển sinh; nghiêm túc triển khai việc tập huấn, quán triệt nhiệm vụ cho đội ngũ những người được cử tham gia vào các hoạt động của Kỳ thi, nhất là đối với cán bộ tham gia coi thi, chấm thi và tuyển sinh; có trách nhiệm quán triệt, phổ biến rộng rãi các quy chế, quy định về thi, tuyển sinh trong toàn đơn vị.
Phó Thủ tướng chỉ đạo về vụ thay thế cây xanh ở Hà Nội
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải vừa có ý kiến chỉ đạo về việc cải tạo, thay thế một số cây xanh đô thị trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Cụ thể, Phó Thủ tướng yêu cầu UBND thành phố Hà Nội khẩn trương thanh tra, làm rõ, kết luận và xử lý nghiêm trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân theo quy định.
UBND thành phố Hà Nội rà soát đánh giá các biện pháp, cách thức tổ chức thực hiện; kịp thời điều chỉnh biện pháp, cách làm không phù hợp, khắc phục những tồn tại, bất cập trong quá trình tổ chức thực hiện.
Đồng thời tăng cường quản lý cây xanh đô thị trên địa bàn thành phố Hà Nội theo đúng quy định.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu UBND thành phố Hà Nội thông tin kịp thời, đầy đủ, công khai minh bạch và tiếp thu ý kiến đóng góp của các chuyên gia, các nhà khoa học, nhân dân, tạo sự đồng thuận trước khi thực hiện.
Bổ nhiệm Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc
Tại Quyết định 416/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm ông Lê Sơn Hải, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính, Ủy ban Dân tộc giữ chức Thứ trưởng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc.
Ông Lê Sơn Hải sinh năm 1962, dân tộc Nùng, quê quán xã Phú Thượng, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên.
Ông Lê Sơn Hải là Tiến sĩ Luật, từng giữ các chức vụ: Vụ trưởng Vụ pháp chế, Tổng Biên tập Báo Khoa học và Phát triển, Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (nay là Bộ Khoa học và Công nghệ); Vụ trưởng Vụ Kinh tế và Đối ngoại, Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam; Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính, Ủy ban Dân tộc.
Rà soát, đề xuất phương án đơn giản hóa điều kiện đầu tư kinh doanh
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành liên quan đề xuất phương án đơn giản hóa điều kiện đầu tư kinh doanh tương ứng với từng ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện thuộc lĩnh vực quản lý.
Để đảm bảo thực hiện nghiêm Luật Đầu tư có hiệu lực từ ngày 1/7/2015, Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 12/3/2015 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2015-2016, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng: Quốc phòng; Công an; Tư pháp; Tài chính; Xây dựng; Lao động - Thương binh và Xã hội; Giao thông vận tải; Thông tin và Truyền thông; Giáo dục và Đào tạo; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Khoa học và Công nghệ; Y tế; Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Tài nguyên và Môi trường; Công Thương và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trực tiếp chỉ đạo việc rà soát, sửa đổi, bổ sung Danh mục điều kiện đầu tư kinh doanh đối với ngành, nghề kinh doanh có điều kiện; đề xuất phương án đơn giản hóa điều kiện đầu tư kinh doanh tương ứng với từng ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện thuộc lĩnh vực quản lý, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp theo quy định, bảo đảm việc triển khai thực hiện Luật Đầu tư 2014 đúng thời hạn.
Được biết, tính đến nay, trên cả nước có 386 ngành, nghề kinh doanh có điều kiện thuộc phạm vi quản lý nhà nước của 16 Bộ, ngành, được quy định tại 391 văn bản, bao gồm: 56 Luật, 08 Pháp lệnh, 115 Nghị định, 8 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 176 Thông tư, 26 Quyết định của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ và 2 văn bản của Bộ.
Trong 386 ngành, nghề kinh doanh có điều kiện, có 110 ngành, nghề yêu cầu phải có giấy phép kinh doanh với 170 loại giấy phép kinh doanh, 83 ngành, nghề yêu cầu phải có Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh với 62 loại giấy chứng nhận, 44 ngành cần chứng chỉ hành nghề với 52 loại chứng chỉ hành nghề, 11 ngành, nghề yêu cầu vốn pháp định với 11 loại xác nhận vốn pháp định, 345 ngành, nghề yêu cầu phải có chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì quy định của pháp luật về ngành, nghề kinh doanh có điều kiện có một số bất cập như: chưa xác định, tập hợp và công khai hóa Danh mục ngành, nghề kinh doanh có điều kiện và các điều kiện kinh doanh tương ứng; nhiều quy định về điều kiện kinh doanh đã lạc hậu, không phù hợp với thực tiễn hoặc không cần thiết cho mục tiêu quản lý nhà nước, từ đó gây ra các rào cản gia nhập thị trường, ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường đầu tư, kinh doanh; nhiều điều kiện kinh doanh không được quy định cụ thể và thiếu minh bạch về trình tự, hồ sơ, thủ tục hoặc điều kiện, thủ tục không rõ ràng gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc tuân thủ các điều kiện kinh doanh đồng thời tạo ra sự tùy tiện, tiêu cực của cơ quan quản lý nhà nước.
Vì vậy, việc rà soát, sửa đổi bổ sung Danh mục điều kiện đầu tư kinh doanh đối với ngành, nghề kinh doanh có điều kiện và đơn giản hóa điều kiện đầu tư kinh doanh tương ứng với từng ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện là việc làm rất cần thiết.
Nâng cao năng lực cạnh tranh hàng hóa xuất khẩu
Đề án nâng cao năng lực cạnh tranh các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam cần được hoàn thiện theo hướng bổ sung vai trò, trách nhiệm của các doanh nghiệp, hiệp hội trong thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh hàng hóa xuất khẩu.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải giao Bộ Công Thương nghiên cứu, hoàn chỉnh đề cương và các nội dung liên quan của Đề án nâng cao năng lực cạnh tranh các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam.
Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng, Bộ Công Thương hoàn thiện Đề án trên theo hướng tập trung làm rõ các yếu tố năng lực cạnh tranh hàng hóa xuất khẩu Việt Nam gắn với năng lực cạnh tranh quốc gia, năng lực cạnh tranh doanh nghiệp.
Đồng thời phân tích sâu yếu tố năng lực cạnh tranh theo các ngành, nhóm hàng xuất khẩu mà Việt Nam đang có hoặc sẽ có lợi thế xuất khẩu, cả ngắn hạn và dài hạn, xác định các ưu điểm, nhược điểm năng lực cạnh tranh của từng ngành, nhóm hàng xuất khẩu.
Bên cạnh đó bổ sung dự báo về tiềm năng xuất khẩu các ngành, nhóm hàng để xác định được những hàng hóa cần tập trung nâng cao năng lực cạnh tranh, bảo đảm xuất khẩu hiệu quả và bền vững.
Đề án cũng cần đề ra các quan điểm, mục tiêu nâng cao năng lực cạnh tranh hàng hóa xuất khẩu; các giải pháp chung, giải pháp cụ thể, bảo đảm thực chất và khả thi để nâng cao năng lực cạnh tranh đối với từng ngành, nhóm hàng tiềm năng; có sự kết hợp, lồng ghép với nhóm giải pháp hiện hành về nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, doanh nghiệp.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương trao đổi, lấy ý kiến các Bộ, ngành liên quan về đề cương Đề án. Trên cơ sở đó, tiếp tục hoàn chỉnh Đề án, lấy ý kiến các Bộ, ngành, cơ quan, địa phương, hiệp hội và doanh nghiệp liên quan để tiếp thu, hoàn thiện; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong quý III/2015.
Phê duyệt phương án quy hoạch cụm công nghiệp 20 địa phương
Trên cơ sở đề nghị của Bộ Công Thương, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã phê duyệt kết quả rà soát và phương án quy hoạch cụm công nghiệp của 20 tỉnh, thành phố (đợt 3).
20 tỉnh, thành phố được phê duyệt kết quả rà soát và phương án quy hoạch cụm công nghiệp gồm: Bắc Giang, Cà Mau, Cần Thơ, Đà Nẵng, Điện Biên, Đồng Tháp, Hà Giang, Hà Nam, Hải Dương, Hải Phòng, Hậu Giang, Hòa Bình, Lai Châu, Lạng Sơn, Ninh Bình, Phú Thọ, Quảng Nam, Sơn La, Thái Bình, Vĩnh Phúc.
Phó Thủ tướng giao Bộ Công Thương thông báo chi tiết danh mục quy hoạch cụm công nghiệp đến các tỉnh, thành phố và tiếp tục theo dõi, chỉ đạo, kiểm tra việc tổ chức thực hiện theo quy định.
Phó Thủ tướng yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố thực hiện quy hoạch, thành lập, mở rộng cụm công nghiệp theo đúng quy định tại Quy chế quản lý cụm công nghiệp ban hành kèm theo Quyết định số 105/2009/QĐ-TTg ngày 19/8/2009, xử lý dứt điểm các cụm công nghiệp chậm triển khai, kém hiệu quả.
Đồng thời có giải pháp tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật liên quan đến cụm công nghiệp, tiếp tục chỉ đạo thực hiện nghiêm Chỉ thị số 07/CT-TTg ngày 2/3/2012 của Thủ tướng Chính phủ.
Theo Cục Công nghiệp địa phương, Bộ Công Thương, thực hiện Chỉ thị số 07/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, trong đợt 1 đã có 14 tỉnh/thành phố có báo cáo rà soát đầy đủ, đạt yêu cầu và có phương án quy hoạch cụm công nghiệp đến năm 2020 phù hợp với quy định về cụm công nghiệp và quy hoạch sử dụng đất trên địa bàn, gồm: Bắc Kạn, Cao Bằng, Thái Nguyên, Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Gia Lai, Tây Ninh, Bình Thuận, Sóc Trăng, Long An, Vĩnh Long.
Tiếp đến, ngày 5/8/2014, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã phê duyệt kết quả rà soát và phương án quy hoạch cụm công nghiệp của 26 tỉnh, thành phố (đợt 2) gồm: Tuyên Quang, Lào Cai, Hà Nội, Hưng Yên, Thanh Hóa, Bắc Ninh, Nam Định, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Ninh Thuận, Kon Tum, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng, Bà Rịa - Vũng Tàu, TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Tiền Giang, Bạc Liêu, Kiên Giang, Trà Vinh, Bến Tre và An Giang.
Văn phòng Chính phủ