Thủ tướng chỉ thị tăng cường thực thi chính sách, pháp luật về khoáng sản
Thủ tướng Chính phủ vừa có chỉ thị về việc tăng cường hiệu lực thực thi chính sách, pháp luật về khoáng sản.
Chỉ thị nêu rõ, thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 29/2008/CT-TTg ngày 2/10/2008 về việc tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động khảo sát, khai thác, vận chuyển, tiêu thụ cát, sỏi lòng sông; Chỉ thị số 02/CT-TTg ngày 9/1/2012 về việc tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng và xuất khẩu khoáng sản. Việc triển khai các Chỉ thị này đã giải quyết những vướng mắc; khắc phục những tồn tại, hạn chế trong quản lý nhà nước về khoáng sản và đưa hoạt động khoáng sản dần đi vào nề nếp.
Tuy nhiên, hiện nay công tác quản lý nhà nước về khoáng sản vẫn còn một số hạn chế như chưa kiểm soát chặt chẽ sản lượng khoáng sản thực tế và tổn thất khoáng sản trong khai thác; một số địa phương, việc quyết định chủ trương đầu tư, xây dựng các cơ sở chế biến khoáng sản không gắn với nguồn nguyên liệu; nhiều khu vực khai thác khoáng sản tác động xấu đến môi trường sinh sống của người dân và cảnh quan nhưng chưa được khắc phục triệt để, đặc biệt là việc khai thác cát, sỏi ở lòng sông, cửa sông, ven biển chưa được quản lý chặt chẽ, gây bức xúc trong dư luận xã hội; khai thác, buôn bán, vận chuyển, xuất khẩu khoáng sản trái phép vẫn còn diễn ra.
Để tăng cường hiệu quả thực thi chính sách, pháp luật về khoáng sản, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị tiếp tục quán triệt các Nghị quyết của Đảng, Nhà nước và văn bản quy phạm pháp luật về khoáng sản đến người dân, các tổ chức liên quan; thực hiện nghiêm các chủ trương, định hướng trong điều tra, thăm dò, khai thác, chế biến, xuất khẩu khoáng sản theo Chiến lược khoáng sản đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu lập quy hoạch nhà máy chế biến khoáng sản phải dựa trên kết quả điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản; quyết định đầu tư dự án nhà máy chế biến khoáng sản phải căn cứ vào nguồn nguyên liệu từ kết quả thăm dò hoặc các hợp đồng nhập khẩu khoáng sản.
Cấp phép hoạt động khoáng sản phải căn cứ quy hoạch khoáng sản, phù hợp với năng lực chế biến, sử dụng và bảo đảm yêu cầu về môi trường; không cấp phép mới thăm dò, khai thác vàng sa khoáng; hạn chế và đi đến chấm dứt cấp phép khai thác khoáng sản manh mún, nhỏ lẻ. Không xuất khẩu khoáng sản thô.
Xử lý nghiêm vi phạm về khoáng sản
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài nguyên và Môi trường khẩn trương ban hành quy định kỹ thuật thăm dò cát, sỏi lòng sông theo hướng đơn giản, phù hợp với thực tế; hướng dẫn hồ sơ, thủ tục đăng ký khối lượng cát thu hồi trong quá trình nạo vét, khơi thông luồng lạch; đẩy mạnh điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản từ nguồn vốn ngân sách nhà nước, vốn vay ODA của Chính phủ và nguồn vốn “xã hội hóa” của tổ chức, cá nhân theo Quy hoạch đã được phê duyệt.
Đồng thời tăng cường thanh tra, kiểm tra chấp hành pháp luật về khoáng sản theo thẩm quyền; thanh tra trách nhiệm đối với các tổ chức hành chính và người đứng đầu trong quản lý nhà nước về khoáng sản; xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật về khoáng sản và bảo vệ môi trường; chỉ đạo Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam phối hợp với Cơ quan thuế các cấp kiểm soát chặt chẽ sản lượng khai thác khoáng sản thực tế của các tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản.
Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường rà soát các quy hoạch khoáng sản thuộc thẩm quyền đã phê duyệt, trình Thủ tướng Chính phủ bổ sung, điều chỉnh theo quy định; tổ chức thẩm định công nghệ các dự án chế biến khoáng sản theo thẩm quyền.
Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công Thương rà soát quy hoạch khoáng sản làm vật liệu xây dựng, nguyên liệu xi măng đã phê duyệt, trình Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh theo quy định; tổ chức thẩm định công nghệ các dự án chế biến khoáng sản theo thẩm quyền; chủ trì xây dựng, ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn về mức độ chế biến cho khoáng sản làm vật liệu xây dựng phù hợp với thực tiễn.
Nghiêm cấm lợi dụng việc nạo vét để khai thác cát trái phép
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Giao thông vận tải hàng năm gửi quyết định phê duyệt; thông báo kế hoạch, thời gian thực hiện các dự án nạo vét, khơi luồng hàng hải, luồng đường thủy nội địa quốc gia thuộc thẩm quyền để Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND cấp tỉnh liên quan phối hợp quản lý.
Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với UBND cấp tỉnh liên quan trong việc phê duyệt, thanh tra, kiểm tra các dự án nạo vét, khơi thông luồng hàng hải, luồng đường thủy nội địa quốc gia thuộc thẩm quyền; nghiêm cấm lợi dụng việc nạo vét, khơi thông luồng để khai thác cát trái phép.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính chỉ đạo Tổng cục Hải quan kiểm tra và có biện pháp hữu hiệu ngăn chặn gian lận thương mại trong xuất khẩu khoáng sản; rà soát và ban hành văn bản hướng dẫn việc xử lý khoáng sản và phương tiện vận chuyển bị tạm giữ.
Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả chỉ đạo các lực lượng chức năng phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường kiểm tra và ngăn chặn có hiệu quả việc xuất khẩu lậu khoáng sản và gian lận thương mại trên địa bàn.
Bộ Quốc phòng chỉ đạo Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển, các đơn vị liên quan phối hợp với lực lượng chức năng tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn có hiệu quả xuất khẩu lậu khoáng sản qua biên giới, đặc biệt là thông qua đường biển.
Bộ Công an chỉ đạo công an các địa phương phối hợp với chính quyền các cấp, các cơ quan chức năng liên quan ngăn chặn hiệu quả và xử lý nghiêm theo quy định đối với các hành vi khai thác khoáng sản trái phép, đặc biệt là đối với cát, sỏi, vàng sa khoáng, than; buôn lậu, gian lận thương mại, xuất khẩu khoáng sản trái phép.
Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các Bộ: Công an, Tài nguyên và Môi trường, các Bộ liên quan rà soát, kiến nghị sửa đổi, bổ sung pháp luật về hình sự đối với các hành vi điều tra, thăm dò, khai thác, vận chuyển, buôn bán khoáng sản trái phép gây hậu quả nghiêm trọng.
Tăng cường kiểm tra an toàn lao động trong khai thác khoáng sản
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các Bộ liên quan, UBND cấp tỉnh tăng cường thanh tra, kiểm tra an toàn lao động trong khai thác khoáng sản, nhất là đối với đá làm vật liệu xây dựng.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND cấp tỉnh liên quan kiểm tra việc trồng rừng thay thế đối với các diện tích đã chuyển mục đích để khai thác khoáng sản, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân không thực hiện; tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý đối với các đơn vị khai thác, nạo vét, khơi thông luồng gây sạt lở bờ sông, đe dọa an toàn đê điều; phối hợp với UBND cấp tỉnh liên quan có giải pháp phòng, chống và khắc phục có hiệu quả tình trạng sạt lở bờ sông.
UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương rà soát, điều chỉnh quy hoạch khoáng sản thuộc thẩm quyền theo quy định của Luật khoáng sản; hoàn thành dứt điểm việc khoanh định, phê duyệt khu vực cấm, tạm thời cấm hoạt động khoáng sản trong năm 2015.
Không quy hoạch thăm dò, khai thác cát, sỏi lòng sông thuộc diện tích các khu vực nạo vét, khơi thông luồng hàng hải, luồng đường thủy nội địa quốc gia đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; đăng ký khối lượng cát thu hồi trong diện tích các dự án nạo vét, khơi thông luồng theo quy định của Luật khoáng sản.
UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn, trong đó quy định rõ trách nhiệm người đứng đầu chính quyền các cấp, đặc biệt là cấp xã; chủ động xây dựng cơ chế phối hợp trong bảo vệ khoáng sản chưa khai thác với địa phương liên quan ở khu vực giáp ranh; kiểm tra, giám sát UBND cấp dưới trong công tác quản lý nhà nước về khoáng sản.
Đảm bảo trật tự, an toàn giao thông dịp nghỉ Lễ 30/4-1/5
Thủ tướng Chính phủ vừa có công điện về việc phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân và bảo đảm trật tự, an toàn giao thông dịp nghỉ Lễ 30/4 và 01/5/2015.
Nội dung công điện như sau:
Để phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân và bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong dịp nghỉ Lễ 30/4 và 01/5, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan: Công an, Giao thông vận tải, Giáo dục và Đào tạo, Thông tin và Truyền thông, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, Thông tấn xã Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong phạm vi, nhiệm vụ, quyền hạn của mình chỉ đạo và thực hiện tốt các nội dung sau:
1. Đảm bảo chất lượng, an toàn dịch vụ vận tải, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân
- Có phương án vận tải bảo đảm đủ năng lực và chất lượng, đáp ứng tối đa nhu cầu vận tải phát sinh trong kỳ cao điểm, nhất là tại các đầu mối giao thông, hạn chế đến mức thấp nhất hiện tượng ùn ứ, nhất là trên các tuyến cửa ngõ các đô thị lớn; không ngừng đổi mới phương thức bán vé thuận tiện cho hành khách.
- Kiểm tra, rà soát bổ sung hệ thống biển báo, đèn tín hiệu giao thông tạo thuận lợi cho người tham gia giao thông; kiểm tra, lắp đặt bổ sung thiết bị cảnh báo tại các vị trí tiềm ẩn mất an toàn giao thông, đặc biệt là các nút giao thông, các điểm giao cắt giữa đường bộ với đường sắt, các đoạn đường có dốc cao, bán kính cong hẹp; các đơn vị thi công và bảo trì kết cấu hạ tầng tăng cường tổ chức, bảo đảm giao thông, hướng dẫn phương tiện lưu thông an toàn, không gây ùn tắc giao thông, có biện pháp khắc phục kịp thời khi xảy ra sự cố.
- Đẩy mạnh việc rà soát, bổ sung thiết bị cảnh báo an toàn giao thông trên các tuyến đường giao thông nông thôn, đặc biệt là các vị trí kết nối với đường chính, các công trình cầu treo, cầu dân sinh, tạm ngừng khai thác những công trình không đảm bảo an toàn, khẩn trương tổ chức duy tu, sửa chữa khắc phục để nhân dân đi lại an toàn.
2. Công tác phối hợp kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm
- Tăng cường tuần tra lưu động, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông, đặc biệt là các hành vi có nguy cơ cao dẫn đến tai nạn giao thông như: lái xe vi phạm quy định nồng độ cồn, phóng nhanh, lấn đường, vượt ẩu, vi phạm quy định đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe máy; không có thiết bị cứu sinh cho khách trên phương tiện thủy. Có phương án phòng chống, ngăn chặn đua xe trái phép.
- Tăng cường lực lượng Cảnh sát giao thông, Thanh tra giao thông phối hợp với các lực lượng cảnh sát khác ứng trực trên các tuyến giao thông trọng điểm, các khu vực có nguy cơ ùn tắc giao thông; các khu vực thường xảy ra tai nạn giao thông; các địa bàn có sự gia tăng nhu cầu đi lại, nhất là các khu du lịch, khu vui chơi giải trí và địa bàn nông thôn. Xây dựng các phương án tổ chức, điều tiết giao thông, bố trí đủ phương tiện cứu hộ, cứu nạn để giải quyết kịp thời các sự cố, không để xảy ra ùn tắc giao thông kéo dài.
- Tăng cường kiểm tra, giám sát các điều kiện an toàn kỹ thuật phương tiện; cương quyết không cho tham gia giao thông đối với các phương tiện vi phạm quy định về an toàn giao thông, lái xe không có giấy phép lái xe đúng quy định, không đủ điều kiện sức khỏe; ngăn chặn và xử lý nghiêm hiện tượng chở quá tải trọng hàng hóa hoặc vượt quá số người quy định, tăng giá vé, giá cước vận tải trái phép; bảo đảm an ninh, trật tự tại bến xe, nhà ga và trên phương tiện hoạt động trên đường. Chỉ đạo kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động chở khách ở các bến đò ngang, các điểm du lịch.
3. Công tác tuyên truyền pháp luật trật tự, an toàn giao thông
Đẩy nhanh công tác tuyên truyền để người tham gia giao thông nâng cao ý thức tự giác tuân thủ pháp luật và các biện pháp phòng tránh tai nạn giao thông, quan tâm phòng tránh tai nạn xe mô tô, xe khách; chú trọng tuyên truyền, vận động đội mũ bảo hiểm đúng quy định và không lái xe khi đã sử dụng rượu bia.
Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công an cung cấp số điện thoại đường dây nóng về vận tải và bảo đảm an toàn giao thông, công bố rộng rãi trên phương tiện thông tin đại chúng để tiếp nhận các ý kiến phản ánh của cơ quan, đơn vị và người dân về an toàn giao thông trong dịp nghỉ lễ; đồng thời chỉ đạo, phối hợp các cơ quan chức năng liên quan để giải quyết, khắc phục kịp thời các sự cố về giao thông.
Hỗ trợ kỹ thuật Dự án tuyến đường sắt đô thị số 5
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt danh mục Dự án hỗ trợ kỹ thuật chuẩn bị Báo cáo Dự án tuyến đường sắt đô thị số 5 Giai đoạn I vay vốn Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB).
Dự án hỗ trợ kỹ thuật chuẩn bị Báo cáo Dự án tuyến đường sắt đô thị số 5 Giai đoạn I được thực hiện từ tháng 3/2015 đến tháng 11/2017 với tổng mức vốn là 840.000 USD; trong đó, vốn ODA là 600.000 USD, vốn đối ứng là 240.000 USD.
Cơ quan chủ quản Dự án là UBND Thành phố Hồ Chí Minh.
Mục tiêu của Dự án là chuẩn bị dự án đầu tư xây dựng công trình đường sắt đô thị Thành phố Hồ Chí Minh, tuyến metro số 5 giai đoạn 1 (Ngã tư Bảy Hiền - Cầu Sài Gòn) và hỗ trợ nghiên cứu, đề xuất các chính sách, biện pháp về giao thông đô thị cho Thành phố Hồ Chí Minh.
Dự án có những hoạt động chính gồm báo cáo nghiên cứu khả thi được ADB và Chính phủ Việt Nam chấp thuận, làm cơ sở để đàm phán, ký kết Hiệp định khoản vay dự án đầu tư; báo cáo đánh giá chung về quản lý, quy hoạch giao thông đô thị Thành phố Hồ Chí Minh, nhu cầu đào tạo của các cơ quan, phát triển các chương trình mục tiêu về giao thông góp phần cải thiện giao thông đô thị, giảm thiểu ùn tắc và tai nạn giao thông; chính sách về quy hoạch tổ chức giao thông hiệu quả cho thành phố.
Được biết, Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 5 - từ cầu Sài Gòn đến bến xe Cần Giuộc mới dài 17km và xây dựng một trạm bảo dưỡng đầu máy, toa xe có diện tích 25ha.
Trong giai đoạn 1, xây dựng đoạn từ ngã tư Bảy Hiền quận Tân Bình đến cầu Sài Gòn quận Bình Thạnh dài 8,8km, với tổng mức đầu tư hơn 857 triệu USD.
Theo Ban Quản lý đường sắt đô thị Thành phố Hồ Chí Minh, sau khi đưa vào sử dụng, tuyến đường sắt đô thị số 5 cùng với tuyến số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) và số 2 (từ khu đô thị mới Thủ Thiêm quận 2 - Bến xe An Sương quận 12) sẽ có khoảng 526.000 khách/ngày trên mỗi tuyến.
Bổ sung hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đồng ý về nguyên tắc đề nghị của Bộ Công Thương bổ sung hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường do Tập đoàn Hoàng Anh - Gia Lai đầu tư, sản xuất tại Lào vào Bản Thỏa thuận về các mặt hàng được hưởng ưu đãi thuế suất thuế nhập khẩu Việt Nam - Lào với số lượng 50.000 tấn, với thuế suất trong hạn ngạch 2,5%.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương thống nhất với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về hạn ngạch đường bổ sung trên, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Trước đó, vào đầu tháng 1/2015, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có công văn thống nhất với Bộ Công Thương về hạn ngạch thuế quan nhập khẩu mặt hàng đường là 81.000 tấn.
Tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư vùng Tây Bắc
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa có ý kiến chỉ đạo về việc chỉ định thầu rút gọn lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ tổ chức các hoạt động của Hội nghị xúc tiến đầu tư, an sinh xã hội vùng Tây Bắc và công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia Mộc Châu, tỉnh Sơn La.
Phó Thủ tướng đồng ý về nguyên tắc UBND tỉnh Sơn La được áp dụng hình thức chỉ định thầu theo Luật Đấu thầu 2014 và lựa chọn nhà thầu theo quy trình chỉ định thầu rút gọn được quy định tại Nghị định số 63/2014/NĐ-CP ngày 26/6/2014 của Chính phủ để lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ tổ chức các hoạt động của Hội nghị xúc tiến đầu tư, an sinh xã hội vùng Tây Bắc và công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia Mộc Châu, tỉnh Sơn La.
Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La chịu trách nhiệm toàn diện về việc chỉ định thầu, bảo đảm chất lượng, hoàn thành đúng tiến độ, không để thất thoát, lãng phí trong quá trình thực hiện.
Theo Ban Chỉ đạo Tây Bắc, Hội nghị xúc tiến đầu tư, an sinh xã hội vùng Tây Bắc năm 2015 được tổ chức trong hai ngày 3 và 4/4/2015 tại Sơn La, sẽ giới thiệu, quảng bá về tiềm năng, lợi thế của vùng Tây Bắc gồm các thế mạnh trong sản xuất nông, lâm nghiệp; định hướng phát triển các loại hình dịch vụ, đầu tư chiều sâu để khai thác và chế biến khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng, phát triển thủy lợi vừa và nhỏ gắn với thủy điện theo quy hoạch, các ngành công nghiệp chế biến và bảo quản nông lâm sản; đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng giao thông; huy động rộng rãi các nguồn tài trợ gắn với đổi mới phương thức triển khai, nâng cao hiệu quả công tác an sinh xã hội. Tạo điều kiện để nhà đầu tư tiếp cận các dự án trọng điểm, tìm hiểu cơ chế, chính sách ưu đãi tại các địa phương trong vùng.
Đây là diễn đàn cho các tổ chức, nhà đầu tư, doanh nghiệp trong nước và quốc tế gặp gỡ, đối thoại, trao đổi kinh nghiệm, thiết lập quan hệ hợp tác, liên kết phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Bắc. Tạo điều kiện để các nhà quản lý, nhà khoa học và nhà đầu tư gặp gỡ trao đổi về công tác quản lý nhà nước, các cơ chế chính sách, môi trường đầu tư vùng Tây Bắc.
Giải quyết ô nhiễm môi trường làng nghề tại Hoài Đức, TP Hà Nội
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải vừa có ý kiến chỉ đạo về việc giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường làng nghề tại xã Sơn Đồng, huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội.
Phó Thủ tướng giao UBND thành phố Hà Nội tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường trên địa bàn; quan tâm bố trí kinh phí và đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án xử lý nước thải các làng nghề khu vực huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội.
Trong thời gian triển khai xây dựng các dự án xử lý nước thải, tăng cường tuyên truyền phổ biến cho người dân trên địa bàn xã Sơn Đồng và các khu vực xung quanh các quy định về bảo vệ môi trường và các biện pháp phòng ngừa, giảm thiểu tác động của các yếu tố ô nhiễm đến sức khỏe con người; xây dựng kế hoạch bảo đảm cung cấp nguồn nước sinh hoạt bảo đảm vệ sinh cho dân cư trong khu vực.
Phó Thủ tướng giao các Bộ Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế, Xây dựng theo chức năng và nhiệm vụ quản lý nhà nước hỗ trợ UBND thành phố Hà Nội trong việc thực hiện các nhiệm vụ cải tạo môi trường và bảo đảm sức khỏe nhân dân trong khu vực.
Văn phòng Chính phủ