Từ lợi thế đó, nghề khai thác thủy sản được tỉnh xác định là ngành kinh tế mũi nhọn và việc đầu tư các cảng, bến cá làm cơ sở hậu cần nghề cá ngày càng phát triển mở rộng. Từ năm 1994-2009, Ninh Thuận đã xây dựng và mở rộng 3 cảng, 1 bến cá (Cảng cá Đông Hải, Cảng cá Cà Ná, Cảng Ninh Chử và bến cá Mỹ Tân), trong đó có khu neo đậu tránh trú bão Ninh Chử với tổng mức đầu tư 200 tỷ đồng. Các cảng, bến cá trong tỉnh phục vụ từ 1.500 đến 2.600 tàu thuyền (ngoài tỉnh khoảng 300 chiếc). Sau khi đưa vào hoạt động, các cảng, bến cá đã phát huy hiệu quả trong việc phục vụ hoạt động nghề cá, bên cạnh đó, nguồn phí nộp ngân sách Nhà nước năm sau luôn cao hơn năm trước. Cảng, bến cá là nơi có nhiều tàu thuyền ra vào bốc dỡ hàng hóa, sản phẩm, nơi tập trung đông người và phương tiện mua bán kinh doanh, vận chuyển hàng hóa. Do vậy, có nhiều đối tượng lợi dụng trà trộn, trộm cắp, uống rượu say gây rối... Nhìn chung, tình hình ANTT ở cảng, bến cá luôn phức tạp.
Một góc cảng cá Cà Ná, huyện Thuận Nam. Ảnh: Sơn Ngọc
Nhận thức việc đảm bảo ANTT trong khu vực cảng, bến cá là nhiệm vụ vô cùng quan trọng, BQL Khai thác các cảng cá đã quán triệt nhiệm vụ ANTT các cảng, bến cá và yêu cầu nâng cao kiến thức pháp luật trong mỗi CB, VC. Cơ quan cũng xây dựng các quy chế phục vụ hoạt động sát với tình hình thực tế của cảng cá, bến cá, phân công trách nhiệm cụ thể đến từng CB, VC. Đồng thời, hàng năm, cơ quan cử hoặc mời Phòng Nghiệp vụ Công an tỉnh huấn luyện nghiệp vụ cho CB, VC nhằm giải quyết sự vụ ANTT được thuần thục, mang tính chuyên nghiệp cao.
Xác định việc bảo vệ ANTT không thể thực hiện nếu thiếu sự tự giác hợp tác của cộng đồng. Do vậy, cơ quan đã xây dựng quy định về hoạt động ở cảng, bến cá để các tổ chức, cá nhân hoạt động trong cảng, bến cá hiểu trách nhiệm liên quan và chấp hành các quy định, nhằm chấn chỉnh những vi phạm ANTT. Đồng thời, bằng nhiều hình thức, các cảng, bến cá thường xuyên tuyên truyền, vận động, tập hợp quần chúng nêu cao tinh thần đấu tranh tố giác tội phạm. Định kỳ 6 tháng, các cảng, bến cá tổ chức các cuộc họp ngư dân, các chủ cơ sở hoạt động tại cảng, bến cá; cơ quan cũng tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát trong thực hiện ANTT tại các cảng, bến cá.
Để phục vụ thuận tiện hoạt động của các tổ chức, cá nhân cũng như ngăn ngừa các hành vi vi phạm ANTT, các cảng, bến cá đã bố trí sắp xếp từng khu vực hoạt động của các chủ phương tiện tàu thuyền khi cập cảng, khu vực buôn bán hải sản trên mặt bằng cầu cảng, phân tuyến luồng phương tiện vận tải ra vào vận chuyển hàng hóa… Điều đặc biệt quan trọng là sự tham gia của chính quyền địa phương và cơ quan chức năng đối với lĩnh vực ANTT. Các cảng, bến cá đã cùng lực lượng Công an tham mưu chính quyền địa phương thành lập đội Dân phòng hoạt động tại cảng cá, bến cá. Đội Dân phòng vừa thực hiện nhiệm vụ cùng CBVC cảng, bến cá đảm bảo ANTT vừa thực hiện bốc dỡ sản phẩm cho các tàu thuyền, các chủ cơ sở, tạo nguồn thu nhập ổn định cho mỗi cá nhân tham gia.
Với sự hỗ trợ tích cực của chính quyền địa phương và của các cơ quan chức năng, các cảng, bến cá đã chủ động lên kế hoạch hàng tháng, quý, năm về thực hiện giữ gìn ANTT. Thường xuyên tổ chức các cuộc họp giữa các lực lượng phối hợp để đánh giá kết quả tình hình ANTT tại cảng cá, bến cá một cách đầy đủ, để bổ sung các biện pháp hiệu quả hơn đảm bảo hoạt động trong cảng, bến cá được đảm bảo an toàn…
Từ kết quả gìn giữ ANTT tại các cảng, bến cá, trong những năm qua, việc thu hút các tổ chức, cá nhân vào đầu tư tại các cảng, bến cá ngày càng phát triển và mang tính ổn định. Các cảng, bến cá đã thật sự phát huy hiệu quả đầu tư của Nhà nước thể hiện qua sự phát triển của hoạt động hậu cần đối với nghề cá trong toàn tỉnh, cũng như việc thu nộp ngân sách từ cảng cá, bến cá ngày càng cao hơn.
Lưu Hiển