Theo đơn kháng cáo của bà Quảng Thị Nhánh, vợ ông Bá Sỹ, nạn nhân trong vụ án cho rằng, mức án dành cho bị cáo Đổng Xuân Ngọc là còn nhẹ, đề nghị tăng mức phạt. Sau khi xem xét các tình tiết, HĐXX tối cao xét thấy mức án sơ thẩm ngày 6-11-2014 mà TAND tỉnh dành cho bị cáo chưa tương xứng với mức độ, hành vi phạm tội của Ngọc. Vì vậy, HĐXX TAND tối cao đã chấp nhận đơn kháng cáo của gia đình bị hại, tăng mức án đối với Đổng Xuân Ngọc từ 20 năm tù giam lên tù chung thân. Đối với các bị cáo còn lại trong vụ án gồm: Hán Tấn Jet, Phú Quốc, Lưu Tấn Khải, Quảng Đại Lãm vẫn giữ y án.
Bị cáo Đổng Xuân Ngọc tại phiên toà phúc thẩm.
► Cùng ngày, TAND tối cao cũng đã xét xử phúc thẩm đối với bị cáo Nguyễn Thị Lan Anh (SN 1980, KP4, phường Kinh Dinh, Tp. Phan Rang-Tháp Chàm) về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, theo kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh.
Trong kháng nghị, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh yêu cầu hủy bản án sơ thẩm ngày 4-11-2014 đối với Nguyễn Thị Lan Anh. Sau khi xem xét vụ việc, xét thấy bản án sơ thẩm mà TAND tỉnh tuyên phạt đối với bị cáo là phù hợp với hành vi phạm tội. Vì vậy, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã rút đơn kháng nghị của VKS nhân dân tỉnh, giữ nguyên bản án sơ thẩm. Theo đó, Nguyễn Thị Lan Anh chịu phạt 8 năm 6 tháng tù giam về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và 7 năm 6 tháng tù giam về tội tham ô tài sản, tổng hình phạt là 16 năm tù giam.
Theo cáo trạng, Nguyễn Thị Lan Anh nguyên là kế toán Phòng Tài chính-Kế hoạch (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) từ năm 2002. Từ tháng 4-2011 đến tháng 8-2012, bị cáo được phân công phụ trách kế toán tiền lương và thanh toán các khoản
khác. Trong quá trình làm việc, Nguyễn Thị Lan Anh đã cố ý lập danh sách khống và nâng khống số tiền thanh toán phẫu thuật, thủ thuật, ưu đãi nghề, tiền trực của các cán bộ. Bằng thủ đoạn trên, khoảng từ tháng 3-2012 đến tháng 2-2013, bị cáo đã chiếm đoạt số tiền hơn 1,3 tỷ đồng của Bệnh viện Đa khoa tỉnh.
Minh Khai