Ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Ninh Sơn cho biết: Ngoài việc xây dựng phương án, kiện toàn các tổ, đội, Ban Chỉ huy BVR&PCCCR, bổ sung trang thiết bị ở các cấp, ngay từ đầu mùa khô, các đơn vị cũng đã tổ chức đốt (có kiểm soát) một số diện tích rừng khộp, loại rừng thường dễ xảy ra cháy, phát dọn hành lang cản lửa đối với một số tiểu khu trọng điểm thường xảy ra cháy rừng ở khu vực các xã Lâm Sơn, Hòa Sơn, Ma Nới…
Nhân viên Trạm QLBVR xã Hòa Sơn đang túc trực ở chòi canh lửa trong khu vực rừng do Trạm quản lý.
Do cấp dự báo cháy rừng đã cao, Ban Chỉ huy BVR&PCCCR huyện chỉ đạo cho các xã, đơn vị sẵn sàng lực lượng bố trí túc trực 24/24 ở các chốt kiểm soát tại khu vực bìa rừng, giáp với nương rẫy, ngăn cấm tuyệt đối không cho các đối tượng, phương tiện đi vào rừng khi chưa có giấy phép của đơn vị quản lý; kiên quyết không cho bà con đốt nương rẫy; tăng cường công tác tuần tra, truy quét các đối tượng khai thác lâm sản trái phép, hạn chế nguyên nhân gây ra cháy rừng. Cán bộ Kiểm lâm phụ trách địa bàn tăng cường công tác giám sát, đôn đốc các địa phương thực hiện nghiêm túc, khi có cháy xảy ra, các địa phương cần xác định cấp báo động cháy để huy động lực lượng, phương tiện kịp thời ứng cứu.
Trao đổi với lãnh đạo Công ty TNHH MTV Lâm Nghiệp Ninh Sơn về phương án BVR&PCCCR, anh Nguyễn Đình Thuận, Phó Giám đốc công ty cho hay: Trong 26.643 ha đất có rừng đơn vị quản lý, hiện nay có 1.000 ha đã ký giao ước với 2 tổ cộng đồng (1 tổ/20 hộ gia đình/500 ha) ở thôn Tà Nôi (xã Ma Nới) phối hợp quản lý, với chi phí 200.000 đồng/ha. Với cách làm này, công ty rất thuận lợi khi được sự giúp đỡ của bà con trong việc phối hợp tuần tra, phát dọn, kịp thời báo tin cho đơn vị khi có các đối tượng ra, vào rừng. Trong cấp dự báo cháy rừng hiện nay, công ty đã bố trí túc trực, sẵn sàn ứng phó khi có cháy xảy ra với phương châm “4 tại chỗ”.
Có mặt tại xã Hòa Sơn những ngày này, theo ghi nhận của chúng tôi, nhân viên của Trạm Quản lý Bảo vệ rừng (QLBVR) của xã đang thay phiên túc trực 24/24 tại các chòi canh lửa, việc tuần tra, ngăn chặn người và phương tiện đi vào rừng đang được quản lý chặt chẽ. Ngoài lực lượng chuyên trách, xã cũng đã lập thêm 1 Tổ bảo vệ rừng với 6 thành viên, bổ sung thêm thành viên vào 6 Tổ thôn tham gia chữa cháy, lập thêm 1 chòi canh lửa trên đường vào xã Ma Nới để tăng cường khả năng kiểm soát.
Ngoài ra, công tác tuyên truyền cũng được các các cấp, ngành quan tâm chú trọng. Từ đầu năm đến nay, Hạt Kiểm lâm huyện đã tổ chức được 24 đợt họp dân, tuyên truyền lưu động ở các địa phương, mở hội thi tuyên truyền cấp xã ở xã Ma Nới, tổ chức cho 57 hộ dân ký cam kết không vi phạm trong lĩnh vực QLBVR. Đồng thời, các xã cũng thường xuyên tuyên truyền về ý nghĩa, tầm quan trọng của rừng trên hệ thống truyền thanh, góp phần nâng cao ý thức của nhân dân trong việc BVR&PCCCR trong tình hình khô hạn hiện nay.
Hoàng Hải