Theo khảo sát của Ban Phát triển xã, Phước Vinh có diện tích đất tự nhiên gần 4.600 ha, trong đó đất sản xuất nông nghiệp 1.785 ha. Xã là một trong những địa bàn trọng điểm của huyện Ninh Phước về sản xuất bắp giống. Các vụ đông - xuân hằng năm, nông dân liên kết với doanh nghiệp sản xuất khoảng 500 ha bắp giống chất lượng cao. Hoạt động này đã nâng cao giá trị đơn vị sản xuất từ 60 triệu lên 70 triệu đồng/ha/năm. Gần đây, nông dân còn trồng thêm cây táo, diện tích tăng dần theo từng năm. Trước đây, một số hộ ở thôn Bảo Vinh trồng thử nghiệm vài sào cây táo, nay toàn xã đã tăng lên gần 40 ha và đang tiếp tục được mở rộng vào thời gian tới. Anh Trần Bá Thiên, thành viên Ban Phát triển xã, cho biết: So với các loại cây trồng khác, táo có giá trị kinh tế cao hơn nhiều, hộ trồng 1 ha mỗi năm có thể thu được 1 tỷ đồng.
Hộ anh Võ Hùng Trí, thôn Bảo Vinh thực hiện mô hình sản xuất táo theo tiêu chuẩn VietGAP.
Từ thực tế sản xuất của nông dân, Ban Phát triển xã xác định tập trung phát triển trồng táo theo hướng bền vững, tạo ra sản phẩm hàng hóa chất lượng cao. Đầu năm 2013, Ban Phát triển xã đã thành lập 2 nhóm đồng sở thích trồng táo ở thôn Bảo Vinh. Trước đây, 34 hộ ở 2 nhóm sản xuất táo làm theo kiểu “mạnh ai nấy làm” nên khó khăn cho chăm sóc, bảo vệ sâu bệnh cho cây trồng. Từ khi tham gia vào nhóm đồng sở thích, việc sản xuất đi vào quy củ, mang tính cộng đồng cao. Được sự hỗ trợ của Dự án Hỗ trợ Tam nông, Ban Phát triển xã đã chọn 7 hộ trong các nhóm đồng sở thích thực hiện mô hình “Sản xuất táo theo tiêu chuẩn VietGAP” diện tích 1,5 ha. Theo đó, các hộ thực hiện mô hình được hỗ trợ phân bón, bẫy bả sinh học diệt ruồi đục quả táo. Anh Đoàn Hoàng Anh, ở thôn Bảo Vinh, thực hiện mô hình, cho biết: Nhờ được tham gia các lớp tập huấn, nên tôi biết sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc 4 đúng. Sản xuất táo theo tiêu chuẩn VietGAP giảm được nhiều chi phí, năng suất và chất lượng cao hơn so với sản xuất truyền thống.
Tiếp tục hưởng lợi Dự án Hỗ trợ Tam nông, năm 2014, Ban Phát triển xã chọn thêm 8 hộ thực hiện mô hình với diện tích 1,7 ha. Qua kiểm tra, các hộ thực hiện đúng theo quy trình kỹ thuật, nổi lên là chú trọng sử dụng bẫy bả sinh học để diệt ruồi đục quả táo, hạn chế dùng thuốc bảo vệ thực vật. Anh Võ Hùng Trí, ở thôn Bảo Vinh, cho biết: Tôi được hỗ trợ làm 3 sào táo theo tiêu chuẩn VietGAP vừa mới thu hoạch xong được 12 tấn. So với sản xuất truyền thống thì lợi nhuận mô hình cao hơn 10%.
Anh Trần Bá Thiên nhìn nhận: Hoạt động hỗ trợ của Dự án Hỗ trợ Tam nông đã góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển, giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo. Qua thực hiện mô hình, tạo điều kiện cho các thành viên trong nhóm đồng sở thích trồng táo trao đổi, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau. Mô hình cũng đã đạt được mục tiêu chuyển giao các tiến bộ khoa học-kỹ thuật, từng bước thay đổi tập quán canh tác truyền thống, tạo ra sản phẩm an toàn, góp phần bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, nâng cao thu nhập cho nông dân.
Từ việc triển khai các mô hình thí điểm có hiệu quả, năm 2015 được sự hỗ trợ kinh phí Dự án Hỗ trợ Tam nông, xã Phước Vinh mở rộng diện tích trồng táo theo tiêu chuẩn VietGAP thêm 30 ha. Hiện tại, Dự án đã tổ chức mở các lớp tập huấn kỹ thuật cho hộ trồng và đang điều tra, khảo sát, xây dựng kế hoạch để thực hiện vào quý II tới.
Anh Tùng