Các cơ sở đào tạo giáo viên phải vào cuộc ngay từ đầu
Trong đó khẳng định: Một trong những vấn đề then chốt của đổi mới giáo dục phổ thông theo tinh thần đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT là xây dựng, phát triến đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục của các cơ sở đào tạo và của các trường phổ thông. Các cơ sở đào tạo giáo viên phải vào cuộc mạnh mẽ, ngay từ đầu cùng với hệ thống giáo dục phổ thông.
Các cơ sở đào tạo giáo viên tập trung xây dựng và phát triển đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý theo hướng chuẩn hóa, đảm bảo chất lượng và số lượng, chú trọng phát triển phẩm chất và năng lực; chú trọng việc tự học, tự bồi dưỡng và học tập thông qua các hoạt động chia sẻ, trao đổi chuyên môn, nghiệp vụ.
Chú ý bồi dưỡng một số năng lực giảng viên đang còn thiếu hoặc yếu như: Năng lực tiếp cận các vấn đề xã hội, năng lực tổ chức các hoạt động học tập và nghiên cứu khoa học của sinh viên, năng lực ứng dụng công nghệ thông tin, năng lực ngoại ngữ.
Bên cạnh đó, cần xác định được chuẩn phẩm chất và năng lực giảng viên sư phạm để định hướng phấn đấu cho giảng viên, nhằm đáp ứng yêu cầu mới của nghề nghiệp.
Các cơ sở đào tạo giáo viên cần có sự phối hợp chặt chẽ với nhau để xác định: Nội dung cốt lõi cần đổi mới và triển khai xây dựng chương trình đào tạo mới; hợp tác lực lượng, chia sẻ tài nguyên về chương trình, giáo trình và học liệu;
Xây dựng chuẩn đầu ra của quá trình đào tạo phù hợp chuẩn nghề nghiệp giáo viên và chuẩn hiệu trưởng theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực người học; đổi mới phương pháp đào tạo, kiểm tra, đánh giá kết quả đào tạo theo định hướng phát huy tính chủ động, tích cực, rèn luyện phương pháp tự học của sinh viên.
Trong chương trình đào tạo, cần dành tối thiểu 25% tổng số tín chỉ và thời lượng cho đào tạo nghiệp vụ sư phạm và cập nhật những vấn đề mới của thực tiễn giáo dục ở các địa phương, các nhà trường để thường xuyên phát triển chương trình đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục.
Thiết lập hệ thống giải pháp đảm bảo chất lượng
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cũng yêu cầu bảo đảm sự phối hợp thường xuyên giữa các cơ sở đào tạo giáo viên với các cơ quan quản lí giáo dục các cấp để nắm bắt nhu cầu phong phú của giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục.
Từ đó xác định nội dung bồi dưỡng các kiến thức, kĩ năng, đáp ứng những yêu cầu của dạy học theo chương trình, sách giáo khoa mới, đáp ứng các tiêu chuẩn chức danh nhà giáo và nhu cầu bồi dưỡng nâng cao năng lực của đội ngũ theo chuẩn nghề nghiệp; bảo đảm nội dung bồi dưỡng thật sự xuất phát từ nhu cầu bồi dưỡng của từng giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục.
Các chương trình bồi dưỡng cần được xây dựng theo hướng mở và được quản lí theo quá trình phát triển, cho phép bổ sung, cập nhật thường xuyên những vấn đề mới, định trước và không định trước từ đòi hỏi của thực tiễn giáo dục.
Đồng thời, phải phát huy thế mạnh của tự học và nhu cầu học tập suốt đời, mọi nơi, mọi lúc; chú trọng sử dụng phù hợp các hình thức bồi dưỡng tập trung, trực tuyến qua mạng, thực hành trực tiếp tại chỗ hoặc phối hợp giữa bồi dưỡng tập trung và trực tuyến qua mạng; chú ý đổi mới phương pháp bồi dưỡng và hình thức kiểm tra, đánh giá và cấp chúng chỉ bồi dưỡng.
Xây dựng kế hoạch thường xuyên mời giáo viên và cán bộ quản lý giỏi ở các trường mầm non, phổ thông thỉnh giảng, hướng dẫn nghiệp vụ trong quá trình đào tạo, bồi dưỡng của các cơ sở đào tạo giáo viên; điều động giảng viên sư phạm tham gia giảng dạy, hướng dẫn nghiên cứu, thử nghiệm khoa học giáo dục ở các trường mầm non, phổ thông.
Xác định rõ mối quan hệ về nghĩa vụ, trách nhiệm và quyền lợi giữa các cơ sở đào tạo giáo viên, các cơ quan quản lí giáo dục, các trường mầm non, phổ thông trong mối quan hệ phối hợp đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục.
Các cơ sở cũng cần học tập kinh nghiệm, nắm bắt xu thế của các nước về đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý; tham khảo mô hình, chương trình đào tạo của các nước để áp dụng phù hợp với thực tiễn và yêu cầu đổi mới giáo dục của Việt Nam.
Tổ chức đánh giá năng lực đào tạo, bồi dưỡng của các cơ sở đào tạo giáo viên, từ đó thiết lập hệ thống giải pháp đảm bảo chất lượng của các trường sư phạm trọng điểm và của cả mạng lưới đào tạo sư phạm và bồi dưỡng giáo viên.
Thứ trưởng giao Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục chủ trì, phối họp với các Vụ, Cục và các Chương trình, dự án thuộc Bộ GD&ĐT, theo chức năng nhiệm vụ để chỉ đạo, tổ chức thực hiện các kết luận trên. Hàng năm có sơ kết, đánh giá kết quả triển khai thực hiện ở các cơ sở đào tạo giáo viên và các Sở GD&ĐT.
Nguồn Báo Giáo dục & Thời đại