(NTO) Đến nay, sự kiện “Giờ Trái đất” dường như đã khá quen thuộc đối với các địa phương và người dân trong cả nước. “Giờ Trái đất” được biết đến là một Chiến dịch thường niên có quy mô toàn cầu do Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) khởi xướng, nhằm kêu gọi người dân và doanh nghiệp tắt đèn 1 giờ (từ 8h30 đến 9h30) tối thứ 7 cuối cùng của tháng ba hàng năm với mục đích nâng cao nhận thức của cá nhân và cộng đồng đối với vấn đề biến đổi khí hậu. Chiến dịch được thực hiện lần đầu tiên tại thành phố Sydney (Australia) năm 2007 và sau đó lan rộng và nhận được sự hưởng ứng của trên 150 quốc gia trên thế giới. Nước ta tham gia vào năm 2009, đến nay sau 7 năm tổ chức, “Giờ Trái đất” đã trở thành sự kiện thu hút sự tham gia của tất cả các tỉnh, thành và đông đảo người dân trong cả nước.
Tuổi trẻ Tp. Phan Rang- Tháp Chàm hưởng ứng giờ trái đất. Ảnh: Văn Miên
Chỉ tính trong năm 2014, trong 60 phút tắt đèn hưởng ứng Chiến dịch này, hệ thống điện của cả nước đã tiết kiệm được sản lượng điện trên 431.000 KWh, tương đương 650 triệu đồng. Thực ra đây chỉ là giá trị về vật chất, điều có ý nghĩa lớn hơn đó là góp phần thay đổi nhận thức cũng như thói quen sử dụng năng lượng của người dân. Bởi lẽ, nước ta là quốc gia đang phát triển nên nhu cầu sử dụng năng lượng cho sản xuất là rất lớn trong khi việc cung cấp điện năng từ các nhà máy điện chưa đáp ứng kịp... Cho nên việc sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả vừa góp phần vào phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, đồng thời cũng góp phần bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu đã và đang ngày càng diễn biến phức tạp.
Có nhiều cách để hưởng ứng “Giờ Trái đất”, đơn giản nhất là tắt đèn và các thiết bị điện không cần thiết trong nhà, trước hết là ngay trong đêm diễn ra chiến dịch (8h30-9h30 đêm 28/3/2015), đồng thời vận động người thân, bạn bè cùng tham gia. Về lâu dài, để 365 ngày, trong đó mỗi ngày đều có “Giờ Trái đất” mỗi người cần ý thức về sử dụng điện trong gia đình, nơi công sở... Theo số liệu của ngành chức năng cho thấy tỷ lệ lãng phí điện của nước ta là từ 10-50%, cao gấp nhiều lần so với thế giới. Hiện tượng lãng phí điện có thể gặp bất cứ đâu, từ hộ gia đình đến cơ quan, đơn vị, cả trong lĩnh vực sản xuất. Trong đó, tỷ lệ điện dùng cho ánh sáng sinh hoạt chiếm tỷ lệ khá cao gần 42%, trong khi đó khoảng 80% là sử dụng công nghệ chiếu sáng cũ, tiêu hao nhiều năng lượng... Như vậy chỉ cần rà soát lại các thiết bị điện để thay thế dần bằng thiết bị điện tiết kiệm, đồng thời chỉ cần tắt 1 bóng đèn không cần thiết và học cách sử dụng hiệu quả các thiết bị điện trong gia đình thì cũng là góp phần tích cực để tiết kiệm điện và bảo vệ môi trường.
Hãy chung tay “Tiết kiệm năng lượng-ứng phó với biến đổi khí hậu” như thông điệp “Giờ Trái Đất” năm 2015 đặt ra.
Hạ Huyền