Viết tiếp trang sử vẻ vang của phong trào "Năm xung phong"

Hưởng ứng phong trào "Năm xung phong", lớp lớp thanh niên miền Nam đã lên đường tòng quân đánh giặc. Đó là khao khát, là lý tưởng, là lẽ sống, là danh dự của lớp thanh niên thời kỳ ấy. Ở đâu có đoàn viên thanh niên, ở đó có khí thế sôi nổi của “Năm xung phong”.

Phong trào “Năm xung phong” đã thắp sáng ngọn lửa hào hùng, khơi dậy và cổ vũ phong trào cách mạng cho lớp lớp thanh niên trẻ miền Nam trong công cuộc đấu tranh chống Mỹ cứu nước. Cùng với phong trào “Ba sẵn sàng” của thanh niên miền Bắc, “Năm xung phong” ở miền Nam hòa thành bản anh hùng ca của tuổi trẻ Việt Nam đánh Mỹ, cổ vũ mọi tầng lớp thanh niên đoàn kết và chiến đấu dưới khẩu hiệu: “Tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”.

 

Thanh niên xung phong miền Nam bốc dỡ hàng hóa phục vụ chiến đấu.
Nguồn: Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Hoà nhịp với phong trào "Ba sẵn sàng" của thanh niên miền Bắc, từ ngày 17 đến 26/3/1965, Đại hội Đoàn Thanh niên Nhân dân Cách mạng Việt Nam lần thứ I đã họp tại căn cứ kháng chiến Tây Ninh, kiểm điểm công tác xây dựng Đoàn và phong trào thanh niên sau ngày ký Hiệp định Giơnevơ (1954) và đề ra phương hướng công tác Đoàn, phong trào thanh niên miền Nam trong giai đoạn tới.

Tại Đại hội, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã thay mặt Đảng trao nhiệm vụ phát động phong trào "Năm xung phong" với các nội dung là:

1. Xung phong tiêu diệt thật nhiều sinh lực địch.

2. Xung phong tòng quân và tham gia du kích chiến tranh.

3. Xung phong đi dân công và thanh niên xung phong phục vụ tiền tuyến.

4. Xung phong đấu tranh chính trị và chống bắt lính.

5. Xung phong sản xuất nông nghiệp trong nông hội.

Tháng 6/1966, Ban Thường vụ Trung ương Đoàn Thanh niên Nhân dân cách mạng và Trung ương Hội LHTN giải phóng chủ trương đẩy mạnh phong trào "Năm xung phong" lên một bước mới với khí thế "Phất cao cờ Năm xung phong, thanh niên thành đồng thừa thắng xông lên đánh bại hoàn toàn Mỹ - Ngụy". Phong trào "Năm xung phong" đi vào cuộc sống, chiến đấu của tuổi trẻ miền Nam bằng nhiều hình thức phong phú, linh hoạt, được nhiều cơ sở Đoàn kiên trì thực hiện như: Tổ chức cho thanh niên xung phong chống bắt lính, tuyên truyền cách mạng cho nhân dân, xung phong tham gia cung ứng cho chiến trường, tham gia du kích, diệt ác, phá kìm…

Những cái tên sẽ mãi đi vào lịch sử đấu tranh cách mạng như: Phan Hành Sơn, 21 tuổi đời, diệt số lượng địch gấp 21 lần số tuổi; Hồ Văn Mên, tuy chỉ 13 tuổi, đã mưu trí đánh địch giữa thị xã, diệt một lúc 59 tên, phần lớn là sĩ quan… sẽ mãi được nhắc nhớ bởi tinh thần xung phong, bất chấp hiểm nguy để đương đầu giữa lòng địch… Những đôi thanh niên mới cưới sẵn sàng hy sinh tình riêng, từ biệt nhau lên đường chiến đấu, xả thân vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Những gia đình có 5 - 7 anh chị em lần lượt hy sinh, chỉ còn lại người con út chưa đủ tuổi vẫn thiết tha được lên đường cầm súng…

Những tấm gương hy sinh anh dũng, những hình ảnh cao đẹp đó chính là biểu trưng ngời sáng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam, được lớp lớp các thệ hệ thanh niên miền Nam nói riêng, thanh niên Việt Nam nói chung khẳng định và tô thắm.

Trong công cuộc giải phóng miền Nam thống nhất Tổ quốc, với tinh thần "Không có gì quý hơn độc lập, tự do", dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, phong trào "Năm xung phong" của thanh niên miền Nam đã quyết tâm thực hiện cho được mục tiêu "đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào", giải phóng hoàn toàn miền Nam, đem lại độc lập, tự do, thống nhất cho Tổ quốc, cùng toàn dân tộc làm nên Đại thắng mùa Xuân 1975, thu non sông về một mối, cả nước vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội.

Nối tiếp truyền thống vẻ vang ấy, các thế hệ thanh niên Việt Nam đã đồng sức, đồng lòng, luôn là lực lượng tiên phong cùng cả nước xây dựng chủ nghĩa xã hội; không ngừng nỗ lực rèn luyện, học tập và phấn đấu, thi đua thực hiện phong trào "Ba xung kích làm chủ tập thể", xung kích trên những tuyến đầu gian khó, hàn gắn vết thương chiến tranh, lập những khu kinh tế mới trù phú.

Bước vào thời kỳ đổi mới, truyền thống "Năm xung phong" một lần nữa được phát huy cao độ, hiệu triệu và cổ vũ, động viên to lớn các thế hệ thanh niên Việt Nam trong các phong trào hành động cách mạng của tuổi trẻ. Các phong trào "Thi đua, tình nguyện xây dựng và bảo vệ Tổ quốc", "Năm xung kích phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc", "Bốn đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp", đặc biệt là phong trào "Thanh niên tình nguyện" đã thể hiện rõ nét vai trò xung kích, sáng tạo và sức trẻ của thanh niên, sẵn sàng dấn thân đến những nơi gian khó, cống hiến tuổi xuân cho đất nước.

Những đảo Thanh niên, làng Thanh niên lập nghiệp, những cung đường thanh niên xung phong, hay các trung tâm cai nghiện ma tuý và giải quyết việc làm cho thanh niên... là những mẫu hình hoạt động tiêu biểu của tuổi trẻ Việt Nam nói chung và lực lượng thanh niên xung phong nói riêng trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, để lại ấn tượng và tình cảm tốt đẹp trong cộng đồng.

Nửa thế kỷ đã trôi qua, tự hào về truyền thống của phong trào "Năm xung phong", khắc ghi công lao của các thế hệ thanh niên đi trước, thế hệ trẻ Việt Nam hôm nay nguyện chung sức, chung lòng học tập và làm theo lời Bác, cống hiến sức trẻ và trí tuệ cho đất nước, viết tiếp trang sử vẻ vang của phong trào "Năm xung phong" trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; quyết tâm lập nên những chiến công mới, cùng toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta thực hiện thắng lợi mục tiêu: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam