Ông Bùi Quốc Việt, Trưởng phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện Bác Ái cho biết: Một trong những hướng đào tạo được coi là thiết thực và phù hợp mà huyện chú trọng, đó là đào tạo nghề nông tổng hợp tại địa phương, với một số ngành nghề chủ yếu như: trồng trọt, chăn nuôi, thú y, may công nghiệp và các ngành nghề phi nông nghiệp khác theo nhu cầu của từng xã nhằm tạo việc làm tại chỗ hoặc để các LĐ tham gia làm việc tại các doanh nghiệp trong, ngoài tỉnh và xuất khẩu lao động (XKLĐ).
Qua các lớp tập huấn sản xuất nông nghiệp về trồng lúa cao sản người dân xã Phước Tiến
áp dụng vào canh tác thực tiễn.
Để công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm có hiệu quả, huyện tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chính sách dạy nghề cho LĐNT, chương trình XKLĐ để người dân nắm bắt, tham gia; giao chỉ tiêu cụ thể cho từng xã, đồng thời chỉ đạo các xã đưa nội dung dạy nghề, giải quyết việc làm vào Nghị quyết HĐND. Gắn đào tạo nghề với giải quyết việc làm, huyện cũng đã chủ trương kêu gọi các doanh nghiệp tuyển dụng LĐ liên kết đào tạo và tạo điều kiện thuận lợi cho người LĐ về chỗ ăn ở, sinh hoạt, môi trường sản xuất, chế độ, chính sách phù hợp để người LĐ địa phương yên tâm làm việc, gắn bó lâu dài.
Nhờ làm tốt công tác trên, nên những năm qua tỷ lệ LĐNT đã qua đào tạo, tập huấn tại địa phương đều tăng cao, từ 20,7% năm 2012, đến cuối năm 2014 đạt 44,5%. Từ khi triển khai thực hiện Đề án Đào tạo nghề cho LĐNT theo Quyết định 1956 và công tác XKLĐ, giải quyết việc làm theo Quyết định 71 của Thủ tướng Chính phủ, từ năm 2009 đến nay, mỗi năm huyện Bác Ái đều tổ chức đào tạo nghề cho hàng trăm LĐ, tạo điều kiện giải quyết việc làm mới cho trên 1.200 LĐNT cũng như định hướng tuyên truyền vận động hàng chục LĐ khác tham gia XKLĐ để nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống. Riêng trong năm 2014, địa phương giải quyết việc làm mới cho 1.255 LĐNT, trong đó trên 560 LĐ đi làm việc tại các doanh nghiệp ngoài tỉnh, 230 LĐ làm việc tại các doanh nghiệp trong tỉnh, hơn 350 LĐ được học nghề gắn với giải quyết việc làm tại chỗ, tham gia xuất khẩu 10 LĐ…
Qua đánh giá về hiệu quả đào tạo và giải quyết việc làm của địa phương, hầu hết số LĐ được giải quyết việc làm đều có thu nhập tương đối ổn định, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện trong năm qua hơn 8,2%. Tuy nhiên tính hiệu quả trong công tác nói trên cũng chỉ mới ở mức tương đối, chưa đảm bảo tính bền vững về lâu dài. Bởi thực tế số LĐ được giải quyết việc làm vẫn chủ yếu là nhóm LĐ được “dạy nghề” sản xuất nông nghiệp về trồng trọt, chăn nuôi là chính. Đây là nhóm LĐ sau khi “học nghề” nếu không có điều kiện về đất sản xuất hay được hỗ trợ về vốn vay, hoặc nếu có được nguồn vốn hỗ trợ mà sử dụng không hiệu quả thì cũng không thể cải thiện được đời sống. Đối với các nhóm LĐ được đào tạo các nghề khác đang làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh với mức lương thu nhập khoảng trên dưới 3 triệu đồng/tháng hay tham gia XKLĐ thì còn khá ít. Vì vậy, vấn đề chất lượng về đào tạo nghề, gắn với giải quyết việc làm ổn định dài lâu tại địa phương vẫn đang là một bài toán cần được tháo gỡ.
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Bùi Quốc Việt nhìn nhận: Hiện nay, chất lượng, kỹ năng LĐ của người dân còn khá thấp, ý thức sống xa gia đình của thanh niên hạn chế nên tình trạng LĐ gửi liên kết tại các doanh nghiệp tự ý bỏ việc còn diễn ra. Mặt khác, các tiêu chuẩn về chất lượng theo yêu cầu của thị trường LĐ nước ngoài chưa đáp ứng nên việc XKLĐ vẫn còn ít. Bên cạnh đó, một số địa phương còn xem nhẹ, chưa thật sự chú trọng phối hợp với các đơn vị liên quan, còn trông chờ ỷ lại vào sự hỗ trợ của nhà nước nên việc đào tạo nghề, giải quyết việc làm tại chỗ cho người dân địa phương vẫn còn mang tính hình thức. Thời gian tới, huyện sẽ đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền chính sách dạy nghề, giải quyết việc làm trong các tầng lớp nhân dân; lựa chọn ngành, nghề phù hợp, phát huy được thế mạnh của địa phương; thu hút đầu tư, liên kết giải quyết việc làm cho LĐ đã qua đào tạo và người dân địa phương.
Nguyễn Sơn