Dấu ấn sự kiện lịch sử trong nước ngày 21-3

Sự kiện

- Ngày 21-3-1947: Trong “Lời cảm ơn đồng bào”, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Khắp mọi nơi, các đoàn thể, các bộ đội, các hội tôn giáo, các cháu thiếu nhi, đều có gửi thư hứa với tôi: - Kiên quyết ủng hộ trường kỳ kháng chiến.- Ra sức thực hành tăng gia sản xuất,- Hết lòng giúp đỡ đồng bào tản cư,- Cố gắng phát triển bình dân học vụ. Tôi thay mặt Chính phủ cảm ơn đồng bào và trịnh trọng hứa với đồng bào rằng Chính phủ quyết làm tròn nhiệm vụ kháng chiến cứu quốc, quyết không phụ lòng trông cậy của quốc dân và quyết tranh lấy quyền thống nhất và độc lập cho Tổ quốc”.

- Ngày 21-3-1952: Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài “Nam nữ bình quyền”, ký bút danh Đ.X., đăng báo Cứu quốc số 2039. Người đưa ra những số liệu về phụ nữ Liên Xô tham gia ở các ngành khoa học, giáo dục, ở các cấp chính quyền… để chứng tỏ Liên Xô đang thực hiện bình đẳng nam nữ. Ở Việt Nam, phụ nữ từ già đến trẻ đều xung phong trong mọi việc kháng chiến cứu nước, “vì vậy, tương lai phụ nữ ta cũng rất vẻ vang và ở nước ta nam nữ bình quyền cũng dần đần thực hiện đầy đủ”.

- Ngày 21-3-1962: Trong một phiên họp của Bộ Chính trị bàn về công tác chuẩn bị cho Hội nghị Trung ương về công nghiệp, Người chỉ rõ. “Phần nói nông nghiệp còn nhẹ quá. Công nghiệp nặng phải có, những 8 năm thiếu gang thép ta vẫn xoay xở được, còn mất mùa một năm thì chúng ta méo mặt, mất mùa thì gang thép cũng không làm được”. Người cũng phê bình: “Ta có họp, có nghị, có quyết rồi nên giao cho ai thì phải giao trách nhiệm rõ ràng. Ai làm được thì khen, thấy ai làm sai mà không có thái độ (sửa chữa) rõ ràng, làm không được thì cách chức ngay (tỉnh Thái Bình được thưởng hơn 700 huân chương, huy chương mà ngược lại không thấy phạt một ai), ý tôi là chúng ta còn nhu nhược với vấn đề này... Tài nguyên thiên nhiên mình nhiều, làm sao cán bộ đảng viên phải giữ được truyền thống anh dũng trong thời kỳ chống đế quốc”.

- Ngày 21-3-1975: Mở màn chiến dịch Huế - Đà Nẵng. Sau khi mất Tây Nguyên, thế phòng thủ chiến lược của địch bị rung chuyển nghiêm trọng, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương quyết định mở chiến dịch Huế-Đà Nẵng lấy tên là "Mặt trận 475". Chiến trường được phân thành hai khu vực: Trị Thiên-Huế và Quảng Nam-Đà Nẵng, trong đó mục tiêu chủ yếu là Huế và Đà Nẵng. Ngày 21-3-1975, từ các hướng Bắc, Tây, Nam, quân ta đồng loạt tiến công, hình thành nhiều mũi bao vây địch, mở màn cuộc tiến công Huế. Đến 10 giờ 30 phút, ngày 25-3-1975, quân giải phóng cắm cờ chiến thắng trên đỉnh Phu Văn Lâu. Thành phố Huế được giải phóng.Sáng 29-3, các cánh quân đồng loạt tiến đánh Đà Nẵng. Đến 15 giờ cùng ngày, quân ta chiếm lĩnh toàn bộ căn cứ liên hợp Đà Nẵng, bán đảo Sơn Trà. 17 giờ, quân ta giải phóng hoàn toàn thành phố Đà Nẵng.

Nhân vật

- Ngày 21-3-1902: Ngày sinh nhà giáo dục, nhà chính trị, ngoại giao Ca Văn Thỉnh. Ca Văn Thỉnh, bút danh Ngạc Xuyên, quê ở xã Tân Thành Bình, huyện Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre. Ông không chỉ là một nhà giáo dục, một nhà nghiên cứu mà còn là một nhà hoạt động chính trị, ngoại giao. Ông tham gia thành lập chính quyền ở Bến Tre, sau đó đảm nhiệm những chức vụ quan trọng như: ủy viên ủy ban Kháng chiến hành chính Nam Bộ, Quyền Bộ trưởng Bộ Giáo dục, phụ trách Vụ Đông Nam Á (Bộ Ngoại giao). Sau năm 1975, ông làm Viện trưởng Viện Khoa học Xã hội miền Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh cho đến ngày nghỉ hưu. Ca Văn Thỉnh mất ngày 5-10-1987. Ông là bố của nhà thơ - liệt sĩ Lê Anh Xuân (Ca Lê Hiến), nghệ sĩ - nhà giáo Ca Lê Hồng và nhạc sĩ Ca Lê Thuần.

Theo TTXVN