EIU bàn về tình trạng thiếu lao động lành nghề tại Việt Nam

Theo nhận định gần đây của Bộ phận dự báo, phân tích và tư vấn rủi ro (EIU) trực thuộc tập đoàn The Economist (Anh), những bất cập trong hệ thống giáo dục là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng thiếu lao động lành nghề hiện nay ở Việt Nam.

Dân số Việt Nam chính thức vượt qua ngưỡng 90 triệu người vào năm 2014. Trong vòng 5 năm tới, với tốc độ gia tăng dân số như hiện nay, thị trường lao động của Việt Nam có thể được bổ sung khoảng 600.000 người mỗi năm. Thực tế cho thấy trong một thập kỷ qua, lực lượng lao động dồi dào đã góp phần đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế, đặc biệt là đối với những ngành công nghiệp chế tạo cần nhiều nhân công. Tuy nhiên, nhu cầu tuyển dụng lao động có trình độ chuyên môn cao và lành nghề ngày càng tăng ở Việt Nam khiến hệ thống giáo dục vốn tồn tại một số bất cập giờ phải đối mặt với áp lực lớn. Điều này đang đặt ra những rủi ro có thể ảnh hưởng đến triển vọng tăng trưởng về dài hạn của nền kinh tế Việt Nam.Nhìn chung, bức tranh toàn cảnh về dân số và thị trường lao động Việt Nam khá tươi sáng.

Theo đánh giá của LHQ, Việt Nam có lợi thế rất lớn về mặt nhân khẩu với dân số ở độ tuổi lao động cao. Thêm vào đó, thị trường lao động của Việt Nam tương đối dễ chịu khi tỷ lệ thất nghiệp được duy trì ở mức thấp. Tỷ lệ thất nghiệp của quý III/2014 chỉ khoảng 2,2%. Một số tập đoàn quốc tế lớn như Samsung của Hàn Quốc đang có kế hoạch mở rộng hoạt động sản xuất - kinh doanh tại Việt Nam, hứa hẹn tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho đối tượng lao động giá rẻ.Tuy nhiên, theo EIU, Việt Nam đang phải đối mặt với tình trạng thiếu đáng kể lao động lành nghề và có trình độ chuyên môn. Hơn 80% lực lượng lao động hiện nay không có trình độ kỹ thuật hay chuyên môn cụ thể. Chỉ có khoảng 8% lực lượng lao động tốt nghiệp đại học. Trong khi đó, số lượng lao động chi phí và tay nghề thấp vẫn khá dồi dào. Thực tế này làm dấy lên mối quan ngại về tình trạng thiếu thốn lao động lành nghề và những lỗ hổng trong hệ thống giáo dục. Nhiều công ty phàn nàn rằng học sinh tốt nghiệp phổ thông trung học ở địa phương vẫn thiếu các kỹ năng để có thể làm việc. Chưa đầy 1/3 số lượng công nhân được đào tạo đúng với công việc của mình.EIU cho rằng để có thể duy trì tốc độ phát triển nhanh, Việt Nam cần phải giải quyết tình trạng thiếu nhân công lành nghề và có trình độ chuyên môn cao, từ đó cải thiện năng suất cũng như khơi dậy tiềm năng của lực lượng lao động địa phương. Quá trình đạo tạo nguồn nhân lực chuyên môn hóa cao làm việc tại ngành chế tạo hàng điện tử cao cấp, xây dựng, y tế, dịch vụ pháp lý cần được tăng cường đầu tư.Hiện Việt Nam đang phải đối mặt với một nhiệm vụ phức tạp trong kế hoạch cải cách giáo dục. Một số tổ chức quốc tế như LHQ từ lâu vẫn bày tỏ quan ngại về phương pháp dạy học còn bất cập, lương giáo viên thấp và thiếu sự gắn kết giữa các chính sách về giáo dục. Ví dụ, các trung tâm dạy nghề và trường học hoạt động độc lập với nhau, chịu sự quản lý của các bộ khác nhau. Trong khi đó, mặt bằng kiến thức chung vẫn thấp hơn chuẩn quốc tế. Vấn đề đặt ra là giáo dục Việt Nam vẫn thiên về học lý thuyết hơn thực hành. Học sinh đa phần là thụ động và chỉ biết lắng nghe giáo viên.Để khắc phục tình trạng này, thời gian qua, Chính phủ Việt Nam đã hợp tác với một số tổ chức quốc tế như Oxfam - một tổ chức phi chính phủ tập trung vào lĩnh vực xóa đói giảm nghèo, hay Cơ quan Hợp tác Phát triển Đức (GIZ). Hợp tác với các tổ chức này đã góp phần thúc đẩy cải cách về phương pháp dạy và phát triển cơ sở hạ tầng giáo dục. Ngân sách dành cho giáo dục cũng tăng lên. Tháng 2/2015 vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nhất trí dành khoản ngân sách trị giá 94 triệu USD để cải tạo và nâng cấp các trường học.Chất lượng giáo dục đại học hiện vẫn còn thấp. Hàng trăm cơ sở giáo dục được mở ra nhằm đáp ứng nhu cầu tuyển dụng những người có bằng cấp. Tuy nhiên, do chương trình giảng dạy cũng như danh tiếng chưa cao, nên bằng cấp ở Việt Nam chưa được công nhận một cách rộng rãi.

Vì thế, nhiều thanh niên tìm cách ra nước ngoài học tập, và sau đó ở lại làm việc. Thực tế này khiến thị trường lao động ngày càng thiếu nhân công lành nghề và có trình độ chuyên môn. Chính phủ áp dụng nhiều sáng kiến ưu đãi đối với sinh viên học tập ở nước ngoài về nước làm việc. Tuy nhiên, các nhà tuyển dụng địa phương lại không thể đáp ứng được mức lương như ở nước ngoài.Chính phủ Việt Nam nhận thức rõ về sự cần thiết phải thu hút chất xám của trí thức. Một số chương trình đã được triển khai như dự án đưa trí thức trẻ và có năng lực về nắm giữ cương vị quản lý tại những địa phương nghèo. Tuy vậy, Việt Nam vẫn nên tập trung nâng cao chất lượng giáo dục tại các trường đại học trong nước để "giữ chân" sinh viên. Trong bối cảnh nguồn vốn đầu tư đổ vào Việt Nam ngày càng nhiều và chi phí thuê mướn nhân công tại Trung Quốc leo thang, thì nhu cầu tuyển dụng lao động có trình độ chuyên môn cao tại Việt Nam sẽ tiếp tục tăng. Nếu nhu cầu này chưa được thỏa mãn, thì nó có thể ảnh hưởng đến triển vọng tăng trưởng về lâu dài của nền kinh tế Việt Nam.

Theo TTXVN