Đại tá Dương Văn Hạnh
Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Quân sự tỉnh
(NTO) Chiến thắng của quân và dân Ninh Thuận trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược là chiến thắng của tinh thần đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường vượt qua muôn vàn khó khăn gian khổ và ác liệt, phải chịu đựng cảnh “thiếu súng, thiếu đạn”, “đói cơm, nhạt muối”, cùng đồng bào miền núi tự sản xuất ra lương thực, thực phẩm; sáng tạo làm ra các loại vũ khí thô sơ, tự tạo, biến ý chí cách mạng thành hành động cách mạng với lối đánh dũng cảm, mưu trí, sáng tạo đã làm cho kẻ thù khiếp sợ, tan rã và đi đến thắng lợi hoàn toàn. Chiến thắng đó là chiến thắng của sự phối hợp của các lực lượng, của các binh đoàn chủ lực, bộ đội địa phương, trong đó dân quân, du kích có những đóng góp quan trọng.
Chiến tranh du kích là nghệ thuật quân sự của chiến tranh nhân dân ở Việt Nam và là nghệ thuật đánh giặc sở trường của quân và dân Ninh Thuận; được tiến hành theo phương thức đánh du kích với lực lượng nhỏ lẻ, nòng cốt là lực lượng vũ trang địa phương nhằm chống lại đối phương có ưu thế về sức mạnh quân sự. Chiến tranh du kích có một vị trí quan trọng trong sự nghiệp giải phóng dân tộc. Bởi vậy, khi về nước cùng với Trung ương Đảng trực tiếp lãnh đạo cách mạng, mặc dù còn bận trăm công ngàn việc nhưng Bác Hồ đã viết tác phẩm “Cách đánh du kích”. Người khẳng định “Du kích là cách đánh giặc của dân tộc bị áp bức chống đế quốc”. Quán triệt tư tưởng của Trung ương Đảng và Bác Hồ về vai trò của chiến tranh du kích trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, quân và dân Ninh Thuận đã tiến hành chiến tranh du kích, bền bỉ đánh giặc góp phần vào thắng lợi vẻ vang trong cách mạng tháng 8 năm 1945 và cuộc kháng chiến trường kỳ gian khổ chống thực dân Pháp xâm lược 1945 – 1954.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, quân và dân Ninh Thuận đã vận dụng sáng tạo đường lối chiến tranh nhân dân của Đảng để giành thắng lợi, trong đó có công tác tuyên truyền, giáo dục phát triển phong trào quần chúng, xây dựng lực lượng vũ trang được quan tâm đúng mức. Qua thực tiễn chiến đấu, đánh giặc, chiến tranh du kích được phát triển cao, là nghệ thuật đánh giặc sở trường và giành nhiều thắng lợi.
Thứ nhất, lực lượng du kích kiên cường chiến đấu chống địch càn quét bảo vệ căn cứ. Căn cứ Bác Ái được xây dựng và phát huy vai trò quan trọng trong thời kỳ chống thực dân Pháp. Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ, bộ đội tập kết ra Bắc, nhưng ở Bác Ái lực lượng vũ trang, cán bộ cốt cán ở lại nguyên vẹn. Tổ chức Đảng, bộ máy tự quản được củng cố và có nhiều kinh nghiệm trong lãnh đạo quần chúng đấu tranh bảo vệ căn cứ. Biết được điều đó đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai đã nhiều lần đưa quân lên mở các cuộc càn quét, vây bắt cán bộ, tiêu diệt lực lượng vũ trang, đánh phá phong trào cách mạng; đến giữa năm 1958, địch đã dồn phần lớn người dân Bác Ái, Anh Dũng vào các khu tập trung. Không cam chịu sự kìm kẹp của địch, dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự hỗ trợ của lực lượng vũ trang tỉnh, ngày 29 tháng 8 năm 1960, lực lượng du kích Bác Ái phối hợp với lực lượng vũ trang tỉnh tiến công tiêu diệt đồn Tà Lú – Ma Ty, giải phóng hơn 1500 dân, thu 80 súng; lực lượng du kích xã Phước Chiến bao vây đồn Đầu Suối, bức rút, buộc chúng bỏ đồn tháo chạy, giải phóng hơn 1000 dân. Ở khu tập trung Đồng Giầy, đồng chí Pi Năng Thạnh - xã đội trưởng Phước Trung chỉ huy lực lượng du kích tiến công đồn, giải phóng hơn 1200 dân. Tiếp theo chiến thắng trên ta đã phát động nhân dân nổi dậy phá các khu tập trung còn lại như Ma Trai, Ruộng Dân… góp phần giải phóng huyện Bác Ái ngày 29 tháng 8 năm 1960. Tại căn cứ Anh Dũng du kích, kết hợp với bộ đội địa phương huyện tấn công vào các trại tập trung Đá Tang, Suối Nhúc, Ma Nới, Trại Thịt đưa toàn bộ nhân dân về núi an toàn. Sau khi bị ta phá các khu tập trung, địch cay cú cho quân càn quét lên chiến khu Anh Dũng, Bác Ái, chúng đều bị lực lượng vũ trang huyện và du kích xã chặn đánh, đẩy lùi các cuộc càn quét. Sự sáng tạo trong tác chiến của du kích Bác Ái, Anh Dũng được thể hiện trong cuộc chống càn tháng 7 năm 1967, trận đó địch sử dụng trên 2000 tên, trong đó có Sư đoàn Ngựa Trắng (Nam Triều Tiên), cùng với lực lượng biệt động, bảo an được sự chi viện của máy bay, pháo binh mở cuộc càn quét lên chiến khu Bác Ái hòng tiêu diệt cơ quan đầu não và lực lượng vũ trang ta. Để chống càn thắng lợi, du kích Bác Ái đã thực hiện lối đánh sở trường, bố trí một nửa trực tiếp chống càn, nửa còn lại phối hợp với lực lượng vũ trang huyện luồn ra phía sau lưng địch đánh phá trục lộ giao thông, đánh vào các ấp Cà Rôm, Suối Đá, Ma Trai, Kiền Kiền, Mỹ Hiệp, đến sân bay Thành Sơn, đồng thời tập kích tiêu diệt địch ở Bà Râu. Suốt 14 ngày chiến đấu quân, dân Bác Ái đã bẻ gãy cuộc hành quân quy mô lớn của địch. Điểm nổi bật là, chỉ dùng vũ khí thô sơ, tự tạo như bẫy đá, lưới chông, hầm chông, thực hành lối đánh khôn khéo, cài địch vào thế bất lợi, nổ súng và tiêu diệt địch.
Thứ hai là, không chỉ giữa trong chiến đấu, đánh bại hàng trăm cuộc càn quét của địch, lực lượng du kích còn kiên cường, sáng tạo trong chiến đấu bắn máy bay địch. Mở đầu là 3 tổ du kích xã Phước Đại, rồi du kích xã Phước Trung, từ đó phong trào bắn máy bay lan khắp các căn cứ và được phổ biến kinh nghiệm rộng khắp, do đó phong trào bắn máy bay của du kích vùng căn cứ ngày càng đạt kết quả lớn hơn. Chỉ tính riêng trong năm 1967, du kích vùng căn cứ đã bắn rơi 96 chiếc, bắn bị thương 86 chiếc. Tiêu biểu cho phong trào bắn máy bay có các đồng chí Pi Năng Thạnh, Cha Ma Lé Châu, sau này được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang.
Thứ ba là, tích cực tổ chức tiêu diệt ở phía trước, tổ chức vành đai du kích vây ép địch vùng giáp ranh căn cứ và sân bay Thành Sơn. Để bảo vệ vững chắc căn cứ của ta không thể bố phòng thụ động chờ địch đến mới đánh mà phải chủ động tổ chức lực lượng đánh địch ở tuyến trước, ở đồng bằng. Thực hiện chủ trương đó, năm 1964, đã có hàng trăm du kích tham gia đánh 17 trận ở đồng bằng, diệt nhiều địch, phá hàng trăm mét rào ấp chiến lược, đốt hàng chục xe chở cột rào. Kết quả đó đã có tác cụng cổ vũ du kích hăng hái hoạt động. Sau khi dùng thuốc nổ đánh cầu Núi Heo ở An Hòa, ngày 3 tháng 10 năm 1967, du kích phối hợp với lực lượng vũ trang dùng thuốc nổ đánh cầu ở đoạn Mỹ Thành vào ấp Cà Rôm tiêu diệt nhiều sinh lực địch. Trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968, du kích Bác Ái, Anh Dũng phối hợp với lực lượng vũ trang đồng bằng phá 9 ấp chiến lược, đánh phá đường sắt đoạn Phan Rang đi Ba Ngòi và đột nhập ra quốc lộ 1, đường 11 phát động quần chúng xây dựng cơ sở, đưa phong trào cách mạng phát triển cao.
Thứ tư là, du kích phối hợp với lực lượng bộ đội địa phương, bộ đội chủ lực đánh địch. Chấp hành mệnh lệnh của Bộ chỉ huy Miền, quân và dân Ninh Thuận bước vào năm 1975 với khí thế tiến công địch mạnh mẽ và thắng lợi vẻ vang. Trong những tháng đầu năm 1975, dân quân Bác Ái đã phối hợp với dân quân Anh Dũng đánh địch trên đường 11, nơi chúng làm bàn đạp hành quân lấn chiếm vùng giải phóng. Tiếp đó, đêm ngày 14 rạng sáng ngày 15 tháng 1 du kích Bác Ái , Phan Rang – Tháp Chàm đã cùng đơn vị đặc công 311 của tỉnh tiến công sân bay Thành Sơn, trận đánh diễn ra nhanh chóng, ta phá hủy 6 chiếc máy bay, tiêu diệt 26 giặc lái và nhân viên kỹ thuật. Hoạt động của lực lượng du kích đến đầu tháng 9 năm 1975, lực lượng du kích đã phối hợp với lực lượng vũ trang địa phương huyện đã đánh 25 trận, diệt nhiều sinh lực địch, thu hơn 500 súng các loại. Ngày 8 tháng 4 năm 1975 toàn bộ lực lượng du kích huyện Bác Ái dẫn đường cho bộ đội chủ lực đánh từ 3 hướng: Suối Vang, Bĩnh Nghĩa, Bà Râu; đặc biệt 79 du kích xã Phước Trung cùng với lực lượng dân công hỏa tuyến tiếp tế, vận chuyển vũ khí cùng với bộ đội chủ lực đánh sâu bay Thành Sơn và các ấp, giải tán 20 trung đội dân vệ, gần 1000 phòng vệ dân sự, 3 ban tề xã, 11 ban tề ấp, thu 900 súng các loại. Bên cạnh đó du kích còn luân phiên tải đạn cho bộ đội pháo binh tham gia chiến dịch giải phóng Ninh Thuận. Hơn 2000 nhân dân và du kích hăng hái làm đường, làm cầu cho xe tăng, xe bộ binh cơ giới hành quân từ Trại Cá, Cam Ranh, qua Phước Thành, Phước Trung ra đường 11 tấn công sân bay Thành Sơn từ hướng Tây. Du kích thị xã Phan Rang – Tháp Chàm dẫn đường cho xe tăng, bộ đội chủ lực tiến công vào thị xã, cùng với bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương vây ép, bắt sống trung tướng Nguyễn Vĩnh Nghi; chuẩn tướng Phạm Ngọc Sang góp phần đập tan “Lá chắn thép” Phan Rang, tuyến phòng thủ từ xa của chính quyền Sài Gòn, giải phóng hoàn toàn tỉnh Ninh Thuận ngày 16 tháng 4 năm 1975.
Chiến thắng của quân và dân tỉnh Ninh Thuận trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược là chiến thắng của tinh thần đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường vượt qua bao nhiêu khó khăn, gian khổ, ác liệt. Nhưng với ý chí và tinh thần cách mạng với lòng dũng cảm, mưu trí, sáng tạo của cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang nói chung và lực lượng du kích nói riêng đã làm nên chiến thắng vẻ vang, lập nhiều chiến công. Do có thành tích đặt biệt xuất sắc, ngày 23 tháng 6 năm 2003 quân và dân Ninh Thuận được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.