Bé Huy, con trai cô Nga nhà bên được 8 tuổi, thế mà cha mẹ trang bị hẳn cho bé một smartphone xịn, cốt để bé… giải trí sau những giờ học căng thẳng. Chẳng biết chuyện giải trí của bé được cha mẹ quản lý đến đâu, chỉ thấy học kì vừa rồi, bé lơ đãng việc học, cô giáo chủ nhiệm phải liên hệ với phụ huynh về học lực bất thường của bé. Giải thích về sự bất thường này, mẹ bé chỉ biết thở dài… tự trách mình quá chiều con, để cháu mải mê với điện thoại, mà xao nhãng học hành. Từ nay cho bé tránh xa smartphone vậy. Bé Trung cạnh nhà cũng tương tự như vậy, ngoài việc học hành sa sút, mẹ bé còn khẳng định rằng, bé mê game và bị ảnh hưởng từ các nhân vật trong game nên có những biểu hiện nghịch ngợm khác thường… khiến cả nhà vô cùng lo lắng. Vậy nên, cách ly bé khỏi smartphone là biện pháp đầu tiên của những phụ huynh trong xóm.
Liệu cho con mình tránh xa điện thoại, bé sẽ học hành chăm chỉ chăng? Vài phụ huynh trong xóm lại chọn cách cho lũ trẻ chơi chung với nhau. Được ít hôm, chuyện chơi của lũ trẻ tưởng ổn, ai ngờ, bác Linh bán tạp hóa đầu ngõ lại tá hỏa lên vì mấy đứa lớn bày đứa nhỏ… chơi đánh bài ăn tiền. Người lớn lại một phen xanh mặt…
Nhà bé Uyên, cha mẹ đều làm kinh doanh, bận bịu tối mặt, thế nhưng tối nào cũng nghe tiếng cười nói rôm rả. Bé học hành rất chăm chỉ, ngoan ngoãn được xếp vào nhất xóm. Dăm ba phụ huynh thắc mắc, hỏi han bí quyết dạy con từ gia đình bé, cả ba và mẹ bé đều cho ý kiến rằng, ngoài việc chăm sóc, dạy dỗ bé, phụ huynh nên dành thời gian chơi cùng bé: Những trò đơn giản phù hợp với lứa tuổi, sở thích của bé như cờ cá cựa, tỷ phú, đôminô, cờ vua, banh đũa, chơi ô ăn quan,… Vì chơi cùng con cũng là đang dạy con. Đặc biệt, cha mẹ chơi với con sẽ thiết lập được tình cảm thắm thiết, gần gũi. Trẻ cảm nhận được hơi ấm gia đình thông qua những trò chơi vui nhộn, bổ ích.
Hiện nay, chẳng ít phụ huynh phó mặc con trẻ cho “bạn phẳng”- điện thoại, Iphone để được rảnh rang, khỏe thân. Con không chơi game thì biết chơi gì? Chơi với thiết bị điện tử là tương tác một chiều, có vẻ thú vị nhưng lại cực kỳ nguy hại cho trí óc của trẻ. Thiết bị công nghệ thông tin dần khiến trẻ chây lười, thụ động và hạn chế khả năng giao tiếp, tương tác với người khác. Hoặc cho trẻ rông chơi ngoài đường, chơi với các bạn cùng trang lứa, thiếu sự định hướng, quan tâm từ các bậc phụ huynh, con trẻ dễ sa vào những trò chơi vô bổ, nguy hại. Vậy nên, cha mẹ nên thu xếp thời gian chơi với con, đừng để con một mình với những trò chơi mà chính cha mẹ cũng không biết rõ. Cha mẹ có thể chơi với con mọi lúc, mọi nơi. Gọi con dậy ăn sáng, mẹ thử đố con sáng nay mình đã chế biến món gì - món có màu vàng vàng, có sợi dài dài, vị béo béo... Đưa con đi học, cha con có thể chơi trò cộng số từ những bảng số xe trên đường, thi hát vài ca khúc thiếu nhi… Từ đó, chuyện chơi cùng con hóa dễ vô cùng.
Anh Trang