Kết quả là những thương tật nghiêm trọng, hoặc nặng hơn là án mạng, người chết, kẻ đi tù, để lại sau lưng những giọt nước mắt và sự ân hận muộn màng.
Điển hình như sự việc xảy ra ở xã Phước Diêm (huyện Thuận Nam) hồi đầu tháng 2 vừa qua. Vì giận dữ lúc “lời qua tiếng lại” giữa vợ chồng mà chị L.T.T.S. (SN 1986) dùng dao đâm chồng, dẫn đến cái chết thương tâm của anh. Cha chết, mẹ bị bắt, những đứa con thơ dại của anh chị phải đối mặt với cú sốc tinh thần, sự tổn thương tình cảm không gì có thể bù đắp được. Đó có thể là vết thương lớn nhất mà các em phải mang theo suốt cuộc đời mình. Hay như vụ án “em giết anh” xảy ra ở phường Đông Hải (Tp. Phan Rang-Tháp Chàm) hồi cuối tháng 6-2013. Bị anh trai “nhắc nhở” chuyện ứng xử trong gia đình và tát tai vài cái, P.X.L. (SN 1995) đã không làm chủ được cơn giận. Sẵn cầm con dao trên tay, L. đâm vào cổ anh trai, khiến anh bị mất máu dẫn đến tử vong tại bệnh viện. Sau những tháng ngày trả giá cho hành động xốc nổi của bản thân, L. sẽ phải mang nỗi day dứt trong lòng, còn gia đình và người thân thì đau đớn trước cảnh “huynh đệ tương tàn”.
Điều đáng buồn là những hành vi bạo lực của các đối tượng ngày càng dã man, côn đồ. Như trường hợp Phạn Tấn Trung (SN 1993) ngụ thôn Phước Khánh (Phước Thuận, Ninh Phước) bị hành hung vào giữa tháng 12-2014. Chỉ vì nghi ngờ Trung là người đã ném đá và đập phá nhà mình mà Phan Thanh Khôi (SN 1995) đã rủ bạn bè ở cùng thôn kề dao vào cổ và khống chế Trung, sau đó dẫn vào rẫy nhà Khôi ở Phước Lợi. Tại đây, bọn chúng đã đánh đập, dùng dao chém liên tiếp vào tay, chân làm đứt gân với tỷ lệ thương tật 32%. Hay vụ án giết người đốt xác xảy ra trên địa bàn xã Phước Thái (Ninh Phước) hồi tháng 4-2014. Muốn trả thù cho cha vì bị ông Bá Sỹ hành hung, Đổng Xuân Ngọc (SN 1996, ngụ xã Phước Hậu) đã rủ bạn lên rẫy đánh ông Sỹ và đốt căn chòi, mặc kệ sự kêu la của nạn nhân trong ngọn lửa, các bị cáo vẫn lạnh lùng bỏ đi, để ông Sỹ chết cháy.
Một thực tế không thể phủ nhận là xu hướng sử dụng bạo lực để giải quyết mâu thuẫn xảy ra ở độ tuổi thanh-thiếu niên ngày càng gia tăng. Sự tha hóa về đạo đức và lối sống của một bộ phận thanh-thiếu niên, thiếu kỹ năng kiềm chế cơn giận cũng như tác động tiêu cực từ các sản phẩm nghe nhìn mang tính bạo lực,… đã khiến các đối tượng này ứng xử theo chiều hướng thích “động tay, động chân” mà không kịp suy nghĩ đến hậu quả có thể xảy ra. Mâu thuẫn nảy sinh dù nhỏ, thậm chí có khi không liên quan đến bản thân cũng dễ dẫn đến thành những hành động bạo lực. Có không ít trường hợp, cả bị cáo và bị hại đều không liên quan trực tiếp đến nguyên nhân ban đầu, mà do bạn bè, người thân rủ rê tham gia, vô tình “chuốc vạ vào thân”.
Để xây dựng một môi trường sống lành mạnh, nhân ái, kéo giảm xu hướng bạo lực trong ứng xử giữa người với người là việc làm đòi hỏi những giải pháp mang tính hệ thống, đồng bộ. Trong đó, mỗi người, mỗi nhà cần hết sức quan tâm, chủ động hướng con em vào các hoạt động xã hội lành mạnh, bồi dưỡng lòng yêu thương, sự sẻ chia và đồng cảm cũng như các kỹ năng mềm trong cuộc sống.
Nguyên Thảo