Tuy chưa đến mức “nổ ra” tranh luận gay gắt giữa một bên là các Hiến định về quyền công dân và một bên là “ý chí” của Ủy ban ATGT quốc gia vì quá bức xúc trước tình hình tai nạn giao thông không những gia tăng mà hậu quả còn rất nghiêm trọng, đáng nói là trong phần lớn các vụ tai nạn đều có “dáng dấp” của bia, rượu... bởi đây cũng mới chỉ là đề xuất với Chính phủ mà thôi.
Đội CSGT Tp. Phan Rang - Tháp Chàm tuần tra, kiểm soát bảo đảm ATGT trên các tuyến đường nội thành.
Cái “lý” của Ủy ban ATGT quốc gia là cần đưa ra hình thức xử phạt thật nặng về hành vi nói trên để nhằm “răn đe”, cảnh báo người tham gia giao thông không được điều khiển phương tiện khi đã “quá chén”. Cùng với đề xuất này đã có nhiều người đồng tình, bởi trên thực tế không ít người khi đã uống bia rượu, nhất là giới trẻ trở nên rất “bốc đồng” chạy lạng lách, đánh võng… với tốc độ cao nên dễ gây ra tai nạn cho người khác dù có đi đúng luật. Hậu quả xảy ra, nhẹ thì gây thương tật cho cả đôi bên còn nặng thì hoặc là dẫn đến mất mạng, để lại bao đau thương, mất mát... cho người thân mà không gì có thể bù đắp được, hoặc để lại những di chứng “sống cũng như chết”, trở thành gánh nặng cho gia đình, xã hội... Cũng có không ít ý kiến phân vân bởi tính pháp lý chưa cao, đặc biệt là tính khả thi vì khi thực hiện sẽ dẫn đến không công bằng giữa giá trị các phương tiện gây tai nạn hoặc sẽ xảy ra tình trạng lạm quyền khi xử lý vụ việc. Có ý kiến trung dung hơn là căn cứ quy định xử phạt vi phạm hành chính hiện hành, tùy theo hành vi, tái phạm hay không... để tăng mức hình phạt đủ sức răn đe như tước bằng lái trong vòng 24 tháng chẳng hạn. Trường hợp gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng hoặc có hành vi chống đối người thi hành công vụ thì tịch thu xe bán sung công quỹ... Nói chung, một vấn đề đưa ra cần nhiều ý kiến góp ý, thậm chí là trái chiều để phân tích làm rõ giúp cho Chính phủ có quyết định chính xác. Đây còn được xem là sinh hoạt dân chủ trong xã hội.
Suy cho cùng luật pháp nước ta không thiếu các quy định xử phạt những hành vi tham gia giao thông dù cố tình hay hữu ý dẫn đến tai nạn, gây hậu quả cho người khác. Chỉ có điều việc xử lý của cơ quan chức năng có kiên quyết, công bằng, đúng quy định của pháp luật hay không mà thôi!. Việc này còn tùy thuộc vào trình độ am hiểu luật pháp của ngay cả người thi hành công vụ. Thực tế đã chứng minh một khi đã am hiểu sâu thì việc xử lý sẽ thấu đáo, “tâm phục, khẩu phục” đối với người vi phạm.
Cũng có nhiều người cho rằng cứ xử lý... thẳng tay người vi phạm, đồng thời công khai danh tính trên các phương tiện thông tin đại chúng thì hiệu quả sẽ rõ ngay. Đây cũng là cách để giám sát nếu tái phạm sẽ xử lý nặng về sau. Thiết nghĩ, để pháp luật đi vào cuộc sống, bên cạnh tuyên truyền, cũng kèm theo đó là các chế tài xử lý thích đáng để giáo dục ý thức chấp hành cho mọi người trong xã hội và đề xuất của Ủy ban ATGT quốc gia cũng là một cách hay vậy.
Tuấn Dũng