Không những vậy các địa phương trong tỉnh còn thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội như hỗ trợ về giáo dục, y tế, xây dựng, sửa chữa nhà ở, hỗ trợ tiếp cận các dịch vụ phục vụ sản xuất, đời sống... Qua đó, góp phần giúp cho nhiều hộ nghèo vươn lên vượt khó, thoát nghèo. Đã có không ít tấm gương sáng trong nỗ lực sản xuất, kinh doanh để vượt qua khó khăn, không những xóa được tên trong danh sách hộ nghèo ở địa phương mà còn làm giàu đồng thời tận tình hướng dẫn cho hộ nghèo khác làm ăn hoặc tạo việc làm cho lao động nghèo có thêm thu nhập cải thiện đời sống... Tuy nhiên, thực tế cũng cần nhận rõ là việc giảm nghèo của một số địa phương chưa vững chắc, số hộ nghèo giảm thì ngược lại số hộ cận nghèo tăng và chỉ cần một vài sự số hay rủi ro nào đó trong sản xuất, cuộc sống thì sẽ “rớt” hạng xuống... diện nghèo ngay!.
Chi nhánh Vietel Ninh Thuận thực hiện Chương trình “Chung tay vì cộng đồng”
trao tặng bò giống cho hộ nghèo huyện Bác Ái. Ảnh: Hoàng Trung
Mặt khác, có không ít trường hợp lại không muốn... thoát nghèo. Có thể nói đây là “mặt trái” của một số chính sách xã hội gần như “đầu tư” không hoàn lại, vô hình trung làm cho một số hộ nghèo có tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào chính sách ưu đãi của nhà nước mà lẽ ra cần xem đây là “bệ đỡ” để tự lực vượt qua khó nghèo. Do đó, theo phản ảnh của một số địa phương là có những hộ thực chất là đã thoát nghèo nhưng vẫn “kiên trì bám trụ” xin làm hộ nghèo!...
Năm 2015 này, mục tiêu tỉnh ta đặt ra là phấn đấu tiếp tục đưa tỷ lệ hộ nghèo giảm thêm 2%, góp phần hạ tỷ lệ bình quân toàn tỉnh xuống còn trên 5,4%. Để đạt được mục tiêu trên đòi hỏi cần thực hiện nhiều giải pháp quyết liệt, đồng bộ như tiếp tục hỗ trợ vốn gắn với hướng nghiệp; dạy nghề, tạo việc làm... Chung quy lại là thực hiện phương châm hỗ trợ người nghèo “cần câu” thông qua sản xuất và xem đây là cái gốc căn cơ để thoát nghèo bền vững. Thế nhưng thực tế cũng cho thấy nếu chỉ giúp “cần câu” thôi chưa đủ, vấn đề không kém phần quan trọng là cần khơi dậy ý thức tự lực tự cường, nâng cao lòng tự trọng để có ý chí phấn đấu để vươn lên thoát nghèo. Thực tiễn đã chứng minh, chỉ có những người luôn nung nấu ý chí thoát nghèo mới đạt được kết quả và ngược lại.
Việc giúp đỡ, động viên người nghèo tự vươn lên thoát nghèo bền vững là công việc thường xuyên, lâu dài của các cấp chính quyền, mặt trận và các tổ chức đoàn thể.Tuy nhiên, cần gắn việc kiên trì thực hiện tốt các chính sách đồng thời với động viên, uốn nắn những suy nghĩ lệch lạc trong một bộ phận hộ nghèo như đã nêu, đồng thời khơi gợi ý thức quyết tâm thoát nghèo. Có như vậy mục tiêu tỉnh ta đặt ra sẽ sớm thành hiện thực.
Tuấn Dũng