Cần quan tâm đến công tác an toàn vệ sinh lao động - phòng, chống cháy nổ

(NTO) Thời gian qua, mặc dù các cấp, các ngành chức năng đã tăng cường tuyên truyền, thanh tra, kiểm tra nhưng tình hình mất an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ), cháy nổ vẫn diễn biến phức tạp. Theo thống kê của Sở LĐ-TB&XH, năm 2014, toàn tỉnh xảy ra 13 vụ tai nạn lao động (TNLĐ), làm 3 người chết, 11 người bị thương.

Trong số 13 vụ TNLĐ, có 7 vụ xảy ra tại nơi làm việc, 6 vụ do TNGT trên đường đi làm hoặc về nhà từ cơ quan. Đối với các vụ xảy ra tại nơi làm việc, nguyên nhân chủ yếu vẫn là do người lao động bất cẩn, thiếu thận trọng trong thực hiện quy trình, quy định kỹ thuật ATLĐ. Đơn cử như vụ anh N.H.T, ở Công ty TNHH MTV Quản lý đường sắt Thuận Hải, trong quá trình đi kiểm tra cầu đường, đã sơ ý trượt ngã, chấn thương vùng đầu, dẫn đến tử vong.

Công nhân tại nhiều công trình xây dựng không được trang bị đầy đủ BHLĐ.

Để tìm hiểu tình hình thực hiện công tác ATVSLĐ, chúng tôi cũng đã đến thăm một số công trình xây dựng. Tại công trình Cầu An Đông, mặc dù bên ngoài có bảng hướng dẫn ghi rõ nguyên tắc, quy định ATVSLĐ, tuy nhiên, khi vào bên trong, việc thực hiện các quy định vẫn còn lỏng lẻo. Công nhân không được trang bị đầy đủ bảo hộ lao động, không có nón bảo hộ, không găng tay, khẩu trang, dây an toàn.... mặc dù làm việc trong môi trường bụi bặm, nắng nóng, trên cao.

Trong khi các chủ doanh nghiệp, người lao động thờ ơ với các quy định ATVSLĐ, điều đáng nói là các cơ quan chức năng cũng gặp nhiều khó khăn trong công tác quản lý, kiểm soát. Theo báo cáo của Sở LĐ-TB&XH, năm 2014, có 13 vụ TNLĐ, làm 14 người chết và bị thương, tuy nhiên, theo số liệu của Bảo hiểm xã hội tỉnh, năm 2014, ngành đã giải quyết chế độ TNLĐ cho 59 trường hợp, trong đó có 33 trường hợp TNLĐ xảy ra trong năm 2014. Chị Lâm Thị Minh Phương, chuyên viên Phòng Việc làm- Bảo hộ lao động, Sở LĐ-TB&XH cho biết: Có sự chênh lệch này là do một số doanh nghiệp, đơn vị khi xảy ra TNLĐ không khai báo với Sở. Trong năm 2014, chúng tôi đã trực tiếp gởi công văn đến 500 doanh nghiệp, yêu cầu thực hiện báo cáo về công tác BHLĐ, TNLĐ nhưng chỉ có 77 doanh nghiệp trả lời.

Tình hình cháy nổ cũng hết sức phức tạp. Nhiều doanh nghiệp, người dân vẫn chưa có ý thức cao về công tác PCCN. Trong năm 2014, toàn tỉnh đã xảy ra 22 vụ cháy. Trong đó, có 13 vụ cháy nhà dân, 9 vụ cháy tại cơ quan, doanh nghiệp. Mặc dù không gây thiệt hại về người nhưng thiệt hại về tài sản lên gần 2,5 tỷ đồng. Nhằm siết chặt công tác PCCN, năm 2014, ngành chức năng đã tổ chức kiểm tra 725 lượt cơ sở, lập 669 biên bản kiểm tra kiến nghị và hướng dẫn khắc phục 1.829 sơ hở, thiếu sót, nhằm đảm bảo an toàn về PCCN, đồng thời phát hiện, lập biên bản vi phạm quy định về an toàn PCCN 14 trường hợp, phạt tiền 36.550.000 đồng.

Bảo đảm ATVSLĐ-PCCN là trách nhiệm của toàn xã hội. Để thực hiện tốt công tác này, trước tiên người lao động, chủ doanh nghiệp, người dân cần có ý thức, tự giác trang bị tốt BHLĐ, thiết bị PCCN, đồng thời thực hiện đúng quy trình kỹ thuật trong vận hành máy móc, lao động, sản xuất, nhằm hạn chế tối đa các vụ TNLĐ, cháy nổ, bảo vệ chính bản thân mình, tránh gây thiệt hại về người và tài sản cho gia đình và xã hội. Nhất là hiện nay đang bước vào mùa khô, nguy cơ xảy ra cháy nổ càng cao. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần có sự phối hợp đồng bộ nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động, phổ biến giáo dục pháp luật, thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm cho đơn vị, doanh nghiệp, người lao động, nhân dân trong việc thực hiện ATVSLĐ-PCCN.